Đa cảm giác với 'Hàng mã kí ức'

Đa cảm giác với 'Hàng mã kí ức'
TP - 12 chương của 'Hàng mã kí ức', tiểu thuyết thứ hai của Inrasara được nhà thơ dân tộc Chăm này thể hiện bằng nhiều cách đan xen khác nhau, gây nhiều cảm giác trái ngược.
Đa cảm giác với 'Hàng mã kí ức' ảnh 1
 

Chương 1 nhiều thú vị và xúc động với rất nhiều tình tiết lạ lẫm và hấp dẫn. Inrasara viết về tuổi thơ ấu của anh, cha mẹ và anh chị em của anh. Đó là chương được anh viết như một tự sự hay hồi kí. Bằng một giọng văn rất giản dị và chân thành đến kì lạ. Kì lạ bởi lâu nay chúng ta quen với lối viết đầy chất trí tuệ của nhà thơ này.

Nhưng ngay sau đó thôi, ở Chương 2 lại viết không được hay. Có lẽ Inrasara không có năng khiếu mô tả người. Ở đây anh ghi nhận như một cách điểm xuyết đặc điểm nổi bật nhất của các “nhân vật” phụ: Đó là chương anh viết về anh em, bằng hữu của mình.

Cũng bằng phong cách đó, ở Chương 7 anh viết về thế hệ đi trước, những người thầy, người chú, hay các nghệ sĩ không chỉ nổi tiếng trong xã hội Chăm như Chế Linh, Từ Công Phụng. Tất cả mang tính tư liệu nhiều hơn là tính… tiểu thuyết.

Có lẽ anh muốn tô hồng, muốn nói tốt về người quen thân, nên đã ra như thế chăng? Thiếu sự hấp dẫn cần thiết cho tác phẩm văn học. Dù sao độc giả cũng cố gắng đọc qua để biết, rồi chuyển sang chương khác, bởi câu chuyện cần 2 chương này để bảo đảm sự liền lạc.

Ngược lại, khi nói về văn hóa Chăm thì ngòi bút của anh trở nên đầy hứng khởi. Giọng văn cuốn hút bằng những chi tiết đầy ám ảnh của đứa con đã từng lặn sâu vào nền văn hóa dân tộc mình để làm bật lên tâm hồn con người Chăm và tinh thần văn hóa Chăm. Đó là Chương 3: về văn học, Chương 4 về ngôn ngữ, và Chương 6 về lịch sử và huyền sử Chăm thì hay tuyệt. Inrasara viết “nghiên cứu” mà hấp dẫn như… tiểu thuyết vậy.

Một kiến thức, một mảnh đời gắn liền với kiến thức đó, của anh và của người xung quanh anh, tiếp đến là một nhận định bất ngờ xen vào gây đột biến. Không còn nhân vật đối thoại với nhân vật mà là ý tưởng tương tác với ý tưởng, kiến thức bổ trợ cho kiến thức.

Tiểu thuyết càng về sau càng lôi cuốn. Có lẽ không chỉ riêng những người đã từng ít nhiều biết đến văn hóa Chăm, mà cả người đọc ngoài Chăm nữa. Độc giả nếu không bị tri thức mới lạ lôi cuốn thì cũng họ cũng bị cuốn hút bởi ngôn ngữ đậm chất Inrasara.

Từ Chương 9 đến hết câu cuối cùng của tiểu thuyết. Riêng Chương 8 về Ma Hời, hiện thực nhiều huyền ảo, mà lại thực hơn cả cái thực. Bay bổng, mênh mông, li kì. Nói chung là đẹp cực kì.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG