Những tác phẩm do Lê Thủy lấy nguyên liệu từ truyện ngắn của người khác. |
Người phát hiện đầu tiên kẻ đạo văn liều lĩnh này là Lê Thắng, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Đắk Lắk. Năm 2010, tình cờ phát hiện 2 truyện ngắn Bóng Kơ-nia đổ dài và Miền huyền thoại mà anh rất thích khi đọc được trên tạp chí Nâm Nung giống y chang 2 truyện ngắn của tác giả Dương Bình Nguyên, Lê Thắng gửi 2 lá thư thắc mắc và nhận được công văn trả lời của Ban Tuyên giáo Đắk Nông, xác nhận 2 cặp truyện này giống hệt nhau, và đúng là truyện DBN ra đời trước, truyện ký Lê Thủy in sau.
Chủ tịch Hội VHNT Đắk Nông Khúc Ngọc Vĩnh đem nội dung thư ra bình luận “Đây là một âm mưu bôi nhọ danh dự cô Thuỷ cũng như của Hội!”. Chuyện tới tai Nguyễn Liên, nguyên chi hội trưởng văn học rời Hội từ 2008, về Đắk Lắk làm phóng viên thường trú cho báo Dân tộc & Phát triển, anh điện thoại cho Lê Thuỷ chất vấn.
Thủy khẳng định “Truyện đó của em, em viết trước, chẳng biết ông Nguyên kia là ai!”. Ông Liên nghi ngờ tìm nguồn đối chứng, phát hiện ra không chỉ có 2 cặp truyện đó, mà còn có hàng loạt truyện ngắn khác Thủy đã gửi in trên Tạp chí Nâm Nung đều gần như là bản cóp pi truyện của các tác giả tên tuổi khác, chỉ ngụy trang vài chữ trên tít, trong đó có Trong tim tôi có một vị tướng - truyện ngắn dự thi của Hoài Hương in trên tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 6/2006;
Vết chân ngựa trên đường mòn của Đỗ Bích Thuý; Mùa hoa Pơ lang cuối cùng của Hoàng Thanh Hương; Tiếng gọi lưng chừng dốc của Phạm Duy Nghĩa v.v…. Vì trước sau Thủy vẫn khăng khăng không chịu nhận mình đạo văn, Nguyễn Liên bèn chuyển nghi án này cho báo điện tử Hội Nhà văn. Anh đặt câu hỏi: Những ai chịu trách nhiệm trong vụ đạo văn trắng trợn này?
Hầu hết các tác giả có truyện bị đạo nghe động tới tên mình đều không khỏi sửng sốt.
Ngày 9-4, PV Tiền Phong trao đổi qua điện thoại với ông Khúc Ngọc Vĩnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Nông, và Võ Thị Lệ Thủy, bút danh Lê Thủy, đương kim trưởng Ban biên tập tạp chí Nâm Nung.
Ông Vĩnh nói: Chị nên cảnh giác thủ đoạn cá nhân chia rẽ, phá Hội trong việc này! Đồng thời, ông cho biết: Tổ chức phân công thì phải làm, chứ tôi có bằng cấp gì đâu! Tôi trước ở bộ đội, sau về địa phương làm công tác Đảng. Đang ở bên Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh thì tổ chức điều qua Hội làm Chủ tịch. Sau đó đồng chí Tổng biên tập cũ phải thôi vì văn hóa mới lớp 9, Cục Xuất bản yêu cầu tôi phải chịu trách nhiệm về tạp chí, tôi đành kiêm nhiệm!
Sau đó, tác giả Lê Thủy gọi điện cho PV Tiền Phong, nói: Không có chuyện đó đâu. Người ta chơi xấu em. Rồi Thủy gọi cho PV lần thứ hai: “Chị ơi em Thủy đây. Em biết em sai rồi (khóc). Chị ơi, bây giờ em biết làm sao đây?”.
Thủy thừa nhận cóp 2 truyện của Dương Bình Nguyên, một ít của Phạm Duy Nghĩa, rồi Đỗ Bích Thúy, Hoài Hương, Thanh Hương… Khi PV hỏi về vị trí Trưởng Ban Biên tập, Thủy đáp rằng cũng hợp lý và vừa sức, bởi cô đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn Đà Lạt loại khá năm 2000”.
Trả lời câu hỏi: “Vậy vì sao lấy truyện người khác?”, cô nói: “Sự thật do 3 điều: Thứ nhất do em quá thích truyện của các anh chị đó nên không kìm chế được bản thân. Thứ hai do trước đây em cũng có sáng tác, đã in một tập truyện ngắn riêng năm 2004 tại NXB Kim Đồng, đã được khen như một tài năng mà lâu nay không viết được nữa nên em… Thứ ba do em cũng muốn thử xem cả nước có ai đọc Nâm Nung không, Hội Trung ương có quan tâm tới Hội địa phương không…”.
Dương Bình Nguyên: Lê Thủy đã gọi cho tôi để trình bày rằng là cô ấy viết không hề giống tôi mà người ta vẫn phao tin để cố tình làm hại cô ấy. Tôi nói hãy gửi cho tôi truyện ngắn mà Lê Thủy viết. Lê Thủy hẹn tôi vào cuối tuần xuống Sài Gòn gặp, sau đó cô ấy không liên lạc nữa... Nhưng tôi cảm thấy bị xúc phạm khi Lê Thủy dám nói rằng, cô ấy viết những truyện ngắn này trước cả tôi và nhận những truyện ngắn này là của mình! Tôi cảm thấy buồn, không phải vì cô ấy đạo văn của tôi, mà vì cách cô ấy ứng xử khi hành vi đó bị phát giác. Hoài Hương: Có lẽ Lê Thủy ngây thơ một cách hồn nhiên nên mới nghĩ rằng ở Đăk Nông xa xôi, không ai phát hiện ra việc “đạo văn” 100% như thế này. Hoàng Thanh Hương: Lê Thủy cố tình lấy “Mùa pơ lang cuối cùng” tôi viết xong từ năm 2009, tôi cảm thấy tiếc cho cô ấy khi khởi đầu nghề viết bằng những hành động thiếu suy nghĩ như thế! Phạm Duy Nghĩa: “Đạo văn” là việc làm hết sức dại dột. Bởi “đạo” một sản phẩm vật chất thì có thể lọt lưới chứ “đạo” những sản phẩm văn hóa tinh thần sớm muộn thế nào cũng bị phát hiện, nhất là trong thời đại thông tin hiện nay… “Lưới trời lồng lộng”, sao thoát được? |