Ánh Tuyết và Trịnh Công Sơn đầu năm 1996. Ảnh: TL. |
Nhiều lần gặp ông ở quán Nhạc sĩ, tôi cũng muốn chào, nhưng bao sao siệc vây quanh. Ông chào thì tôi mới chào, không thôi. Tại mình nghĩ là mình nhỏ bé thôi. Họ là người lớn, nhạc sĩ lớn, mình chào hóa ra thấy sang bắt quàng làm họ. Ông nói mấy lần: “Giọng hát đặc biệt hầy! Cao dễ sợ!”. Tôi dạ rồi đi. Hồi đó tôi quá nghèo. Lôi thôi lếch thếch, chả ai ngó tới.
Bài đầu tiên của Trịnh Công Sơn tôi hát là Giọt nước cành sen. Chưa ai hát bài đó đến lúc này. Bài nằm trong một băng cassette của nhiều tác giả phổ thơ Thân Thị Ngọc Quế, gần đây vô tình tìm được trên mạng, tôi mới nhớ ra. Sinh nhật bà Quế, ông Trịnh Công Sơn qua chơi. Tôi hát trong buổi đó.
Hồi đó, ông yêu một người mẫu, cô đó đi mất, ông mới viết Em đi bỏ lại con đường, Sóng về đâu với bài gì tôi quên rồi. Hôm đó, ông hát Em đi bỏ lại con đường cho tôi nghe. Ông nói: “Anh chắc Tuyết hát bài ni hay này. Có nội tâm”. Tôi cũng để ý bài đó, nhưng không hát bao giờ.
Quán Nhạc sĩ làm Đêm Trịnh Công Sơn, mọi người phân tôi hát Cuối cùng cho một tình yêu, Lặng lẽ nơi này. Đó là lần đầu tiên tôi hát (nhạc Trịnh) trên sân khấu, khoảng đầu năm 1993. Tiếp theo là Đường xa vạn dặm, mỗi lần tôi hát xong, ông khóc, kêu: “Tuyết hát chết bài ni luôn rồi!”.
Tôi nhớ năm mở cửa cuối cùng của quán Nhạc sĩ, Hội Âm nhạc Hà Nội vô giao lưu. Tôi mặc áo dài trắng hát xong, xuống sân khấu, te te đi, ông ngoắc lại: “Tuyết, lại anh vẽ ni!”. Tức là, Tuyết lại anh bảo này. Ông cầm mấy cái khăn giấy thấm ướt, kêu: “Anh ướt hết bốn cái khăn rồi ni”. Nghĩa là ông dùng khăn thấm nước mắt. Bài đó tôi hát ở đâu là đa số người ta khóc. Trong những ngày lễ Vu Lan, tôi làm chương trình về mẹ, ối chao ơi thôi, còn khóc dữ nữa.
Lần vào bệnh viện thăm ông bịnh, tôi ôm bó hoa tặng. Ông nhắc cái ghế cho tôi ngồi cạnh đầu giường. Ổng nắm tay tôi, bóp bóp, bảo: “Tội hè! Tuyết giỏi hè!”. Tội giống như là không giúp được, thấy tội nghiệp quá. Giỏi hè có nghĩa là không ai giúp mà đi lên được. Câu đó tôi nghe nhiều lắm, nhưng ngày ông bịnh, ông mới cầm tay tôi. Với tính cách ổng, trong lòng có cuồng nộ thì ông cũng ngồi im.
Khi tôi mới sinh con, ông ẵm miết, kêu: “Ôi chao, đẻ đứa con chi mà dễ thương hi!”. Ông cứ khen chồng tôi với mọi người: “Moa chưa thấy thằng Tây mô dễ thương, hiền như thằng ni hết”. Ông bắt tôi làm album. Tôi dạ dạ, nhưng cứ lơ. Tôi quá thiếu tự tin. Dưới cái bóng của Khánh Ly là một chuyện. Nhưng quá nhiều người hát. Mình chui vô chi cho bị giẫm.
Hai anh em ngồi với nhau buồn buồn, ông kêu: “Tuyết kể chuyện tiếu lâm vui hè. Kể cho anh nghe với!”. Mỗi lần nghe tôi kể chuyện tiếu lâm là ông cười sung sướng. Cười khấc khấc như con nít. Nhìn dễ thương lắm! |
Đến 1995, tôi vừa cưới xong, ông nói với ông xã tôi: “Moa muốn toa nói với Ánh Tuyết làm album của moa. Nhưng làm mộc, sẽ hát với ghi-ta, piano, saxo và với moa”. Ông xã nói lại với tôi: “Em không tốt với Trịnh Công Sơn hả! Em không tốt! Trịnh Công Sơn muốn em làm CD mà em dạ dạ và quên. Một bà lười!”. Ông xã vẫn nghĩ tôi hát hay, chứ không nghĩ tôi thiếu tự tin với nhạc Trịnh.
Năm 1997, ông bắt anh Bùi Thế Dũng, giáo viên dạy ghi-ta Nhạc viện, qua nhà tôi, lên cho được danh mục bài hát để làm album. Anh Dũng có soạn hình như bài Mưa hồng hay Còn tuổi nào cho em rất hay, Trịnh Công Sơn rất thích. Chọn được 4-5 bài, tôi bảo để bữa khác làm tiếp. Rồi im luôn. Tại tôi cứ tự ti. Nhưng một phần vì có vài nhà báo hỏi: “Bao nhiêu ca sĩ nổi lên nhờ nhạc Trịnh, qua nhạc Trịnh đánh bóng tên tuổi. Ánh Tuyết cũng không ngoại lệ?”.
Họ hỏi rất thật nhưng tôi bị sốc. Tôi nghĩ: “Mình nổi thì cũng nổi rồi, đâu cần nữa. Nghệ thuật hợp thì mình hát, hoặc yêu quý ai thì mình làm...”. Tôi thôi luôn. Nhưng 10 năm làm phòng trà, tuần nào tôi cũng có một đêm hát nhạc Trịnh. Ngay trong những đêm đó, tôi cũng vẫn sợ, không dám hát nhiều. Nhưng khán giả đã công nhận, khiến tôi mạnh dạn dần.
Ở quán Nhạc sĩ, nhiều khi ông tới sớm, tôi cũng vậy. Hai anh em ngồi với nhau buồn buồn, ông kêu: “Tuyết kể chuyện tiếu lâm vui hè. Kể cho anh nghe với!”. Mỗi lần nghe tôi kể chuyện tiếu lâm là ông cười sung sướng. Cười khấc khấc như con nít. Nhìn dễ thương lắm! Ông ít khi cười to.
Nghe chuyện tiếu lâm, trời ơi, ông cười. Mà có mình tôi với ông là lúc ông cười sung sướng nhất. Đông người, ông không cười nhiều đâu. Một tâm hồn rất lớn. Một con người lớn về nhiều mặt. Chính những giây phút hồn nhiên đó làm tôi càng thêm nhớ ông.
Bây giờ, tôi nghĩ, nếu còn sống, ông nghe cách tôi thể hiện bài hát của ông, ở một góc nào đó chắc cũng để lại trong ông một ấn tượng tốt.
N.M.Hà (ghi)