>> Đức Tuấn: Hãy để Uyên Linh được yên
Y Moan tại liveshow đầu tiên và duy nhất trong đời ca sĩ - Ảnh: N.M.Hà. |
“Nếu chúng tôi không đưa Uyên Linh vào e rằng thắc mắc còn nhiều hơn”, bà Trương Lê Kim Hoa, đại diện BTC phát biểu.
Bà Hoa cũng dành nhiều lời ca ngợi Uyên Linh trong cuộc họp báo và bầu chọn giải thưởng chiều 24-3 tại Hà Nội: “Hiện tượng rất nóng, đáng ghi nhận đặc biệt trong nỗ lực sáng tạo xử lý thể hiện tác phẩm, kể cả những bài đã được ca sĩ tên tuổi trình diễn; đem lại cảm xúc, hâm nóng tình yêu với âm nhạc; nỗ lực trong bối cảnh âm nhạc bị thị trường hóa”.
Còn NSND Y Moan vô tình bị đặt vào thế đối lập: “Tiêu chí cốt lõi của giải là nỗ lực sáng tạo mang tính khám phá. Đấy không phải là thế mạnh của Y Moan. Xét trên mặt bằng chung, chúng tôi thấy không thể đưa được vào đề cử”.
Tất nhiên “chúng tôi” đã đại diện cho đa số các phóng viên theo dõi âm nhạc trên cả nước hay chưa còn phải bàn, vì BTC chưa đưa ra được số liệu nào chứng minh Y Moan bị đa số phóng viên loại ra khỏi danh sách đề cử ban đầu.
“Để có đề cử, chúng tôi còn tham khảo ý kiến các nhạc sĩ, nhà chuyên môn với tư cách bạn bè, cộng tác viên của báo Thể thao & Văn hóa”, bà Hoa cho hay. Như thế, Cống hiến không đơn giản là giải của báo giới. Vị trí của các nhà báo chỉ nằm ở khâu cuối cùng, để hợp thức hóa giải?
Tiêu chí được gọi là cốt lõi của giải: sáng tạo, khám phá, mới mẻ- đều khá mơ hồ. Vấn đề là chất lượng, tầm vóc của những khám phá ấy đến đâu, và có thước chuẩn nào để đo. Một số ca sĩ trẻ có mặt trong đề cử khó có thể nói đem lại gì sáng tạo, mới mẻ hơn Y Moan, chưa nói đến chữ khám phá. Với một số trường hợp, sáng tạo của họ mới ở chừng mực “cũ người mới ta”, thậm chí chỉ dừng ở việc hát tiếng Anh thay vì tiếng Việt.
Như BTC khẳng định: “Giải thưởng là những ghi nhận về nỗ lực lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ trong một năm”- thì năm qua, nỗ lực của Y Moan phải nói là phi thường. Xóa ông khỏi danh sách đề cử có lẽ mãi là một điều đáng tiếc.
Việc Ngọn lửa cao nguyên của Y Moan vẫn trụ lại trong hạng mục Chương trình của năm được bà Kim Hoa lý giải: “Vì ít múa minh họa, không sử dụng nhiều kỹ xảo, hiệu ứng sân khấu, đưa người xem trở lại giá trị đích thực của âm nhạc, giọng ca, cảm xúc âm nhạc”.
Cứ cho rằng những điều này phần nào thỏa mãn tiêu chí khám phá, sáng tạo của giải thưởng đi chăng nữa, thì việc bố trí hạng mục của giải vẫn lộ sự bất cập, khi các chương trình biểu diễn trực tiếp của nghệ sĩ bị cạnh tranh trực tiếp bởi các chương trình truyền hình dài hơi. Liệu “ngọn lửa” của Y Moan- đêm duy nhất tại một khán phòng nhỏ ở Hà Nội- có lại được với Việt Nam Idol phủ sóng toàn quốc ròng rã nửa năm?
Khi động đến vấn đề chuyên môn, ông Đỗ Doãn Phương, thành viên BTC nói: “Đây là giải của báo chí đánh giá từ dư luận, nên bàn về chuyên môn rất khó”.
Ông Phương cũng cho rằng nhà báo có thể không cần tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm của nghệ sĩ mà vẫn có thể chấm giải qua việc nghe ngóng dư luận. Nếu tiếp tục đi theo chiều hướng này, Cống hiến e rằng sẽ dần thành giải thưởng trao cho nghệ sĩ hoặc sản phẩm âm nhạc được PR tốt nhất trong năm.
Mai Trung Kiên (Truyền hình VOV): Giọng của Y Moan mặc dù rất thân yêu với người nghe, nhưng đến chương trình Ngọn lửa cao nguyên- với tất cả tình cảm, sự bừng sáng như ngọn đèn sắp tắt, người ta mới thấy hết được tầm vóc của anh. Có thể nói hàng chục năm ca hát của Y Moan- đấy là đỉnh cao nhất. Nguyễn Quỳnh Hương (báo Phụ nữ TPHCM): Y Moan là người cống hiến rất nhiều cho âm nhạc của Tây Nguyên và những điều anh ấy làm được nhiều năm nữa chúng ta vẫn còn phải biết ơn. Vấn đề đấy là một nghệ sĩ lặng lẽ, hoàn toàn xa lạ với các chiêu thức lăng xê, vì thế không tạo được hiệu ứng truyền thông như các đồng nghiệp khác. Năm nay tôi nghĩ là năm cống hiến của Y Moan bởi những gì anh ấy làm trong liveshow của mình. Một người đã lâm trọng bệnh gần chết mà vẫn có thể làm xúc động rơi lệ cả một nhà hát như thế là điều rất đặc biệt. |