Phía Cty chịu trách nhiệm cung cấp giống, đầu tư trồng rừng trên đất rẫy của người dân, trả công chăm sóc bảo vệ cho họ, đến chu kỳ khai thác sẽ ăn chia theo tỷ lệ công ty 70%, người dân được hưởng 30% giá trị cây rừng bán được. Sau gần 7 năm trồng và chăm sóc, rừng keo liên kết đã đến thời kỳ thu hoạch. Năm 2010, Cty bắt đầu khai thác rừng của một số hộ, nhưng chỉ được một diện tích nhỏ rồi ngừng, vì lý do giá nguyên liệu quá thấp, nếu khai thác thời điểm này cả Cty và người dân
đều thiệt.
Ông Y Grouh người có 1,1ha rừng liên kết, bức xúc: Đất của bà con gần 7 năm phục vụ trồng rừng chỉ thu được mấy triệu đồng tiền công chăm sóc, bảo vệ. Với diện tích đó mà để bà con mình trồng lúa, trồng mì thì thu nhập cao hơn và không rắc rối như trồng rừng liên kết này. Cty cũng không nói khi nào mới khai thác để trả đất lại cho bà con. Tiền công chăm sóc và bảo vệ năm nay dân cũng không được nhận nữa vì Cty bảo rừng đã đến kỳ khai thác.
Trao đổi với PV, ông Hồ Tràng- Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, từ năm 2004 đến nay, Cty Bảo Lâm hợp đồng liên kết trồng 360 ha cây keo trên địa bàn xã. Đến nay, có 20,5 ha keo đến kỳ khai thác nhưng Cty chưa thu hoạch cho người dân.
Sau khi UBND xã điện thoại trao đổi, đại diện Cty trả lời là giá nguyên liệu đang xuống, diện tích rừng lại nằm rải rác nên nếu khai thác vào lúc này không đủ tiền để trả tiền công và chi phí vận chuyển. Theo ông Tràng, dù Cty làm ăn lỗ lãi thế nào cũng phải thực hiện đúng hợp đồng với người dân. Tình trạng này kéo dài sẽ đẩy dân nghèo đến nguy cơ thiếu đói.