Nhà ống - ngõ hẹp - tắc đường

Nhà ống - ngõ hẹp - tắc đường
TP - Hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn (đặc biệt là vùng ngoại thành và ven các khu công nghiệp) nông dân đang dần hết đất. Đất ruộng, đất vườn đến đất ở được chuyển dần vào tay các nhà đầu tư đến từ thành phố. Làng quê không còn ao vườn, có những hộ 3 thế hệ ở chung một ngôi nhà chật chội...
Nhà ống - ngõ hẹp - tắc đường ảnh 1

Đất chật người đông

Từ khi Hà Nội mở rộng, giá đất ở một số huyện ngoại thành tăng cao. Nông dân đua nhau bán đất để xây nhà cao tầng, có một số người còn bán ruộng tậu xe máy, xe hơi… Hệ lụy là diện tích đất canh tác, đất ở bị thu hẹp. Thế hệ con cháu của nhiều hộ nông dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đất ở.

Ông Nguyễn Vỹ Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội (Đan Phượng - Hà Nội) cho biết: “Do đất chật, người đông nên nhiều hộ trong xã phải xây nhà ống, nhà cao tầng để tận dụng diện tích. Đối với người dân Tân Hội, có 100m2 đất ở là may mắn, hiện trung bình mỗi hộ chỉ có vài chục mét vuông đất ở, vườn tược hầu như không còn. Diện tích đất ở tính theo đầu người trung bình trong xã chỉ đạt hơn 10m2/người. Cảnh quan làng quê dần mất”...

Cũng theo ông Hùng, có gia đình diện tích đất ở là 150m2 nhưng có 4 người con nên phải xây nhà cao tầng rồi chia thành 4 suất ở. Có gia đình hai anh em chung nhau 48m2, xây nhà 5 tầng, ngăn làm hai hộ.

Nhà tầng, nhà ống san sát ở xã Tân Lập (Đan Phượng) Ảnh: T.V
Nhà tầng, nhà ống san sát ở xã Tân Lập (Đan Phượng). Ảnh: T.V.

Đặc thù của xã Tân Hội và nhiều miền quê là dân số đông, địa dư hành chính ở tập trung, nhiều người đi làm ăn, công tác xa khi cao tuổi chuyển về quê sinh sống nên càng thêm chật chội. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có số lượng lớn người lao động, công nhân ở các nơi đến sinh sống, làm việc.

Tại xã này, các hộ đông con, khi giá đất tăng cao, lo đất ở cho con cháu là việc rất khó khăn. Hiện giá đất ở trung tâm xã khoảng trên 60 triệu đồng/m2, trong xóm, ngõ cũng phải 15-20 triệu.

Người dân ở nhiều làng nghề cũng rơi vào cảnh thiếu đất ở, đường làng bị thu hẹp. Có mặt ở khu vực chợ chiều gần đình thuộc xã Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) mới thấy dân nông thôn bây giờ cũng phải chịu cảnh tắc đường.

Một chị bán hàng ở ngã ba chợ chiều cho biết: “Ở đây hầu như chiều nào cũng bị tắc nghẽn do mật độ người qua lại đông, mỗi khi có ô tô đi qua là bị ùn ứ. Đất ở cũng quá chật nói gì đến đường sá”.

Đến làng nghề Canh Nậu, khó tìm thấy một mảnh vườn, ao cũng gần như bị lấp hết để lấy đất dựng nhà. Vài cái ao còn lại cũng chỉ là ao tù, chứa nước thải đen ngòm, chờ ngày xóa sổ. Đường vào các ngõ xóm nhỏ hẹp, xe máy, xe đạp tránh nhau...

Theo ông Đỗ Đăng Soạn - Phó chủ tịch UBND xã Canh Nậu, xã hiện có 14.000 dân, 2.830 hộ, diện tích đất ở không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Xã đã quy hoạch giãn dân vào các năm 2004, 2006, 2007 nhưng cũng chỉ giải quyết đất ở cho 318 hộ, hiện còn khoảng 200 hộ đang khó khăn về đất ở. Một số gia đình 2-3 cặp vợ chồng ở chung một nhà, có nhu cầu tách hộ nhưng thiếu đất ở nên địa phương chưa thể giải quyết.

Ruộng lúa ở xã Minh Phú (Sóc Sơn) đã xây quây lại để... bán

Ruộng lúa ở xã Minh Phú (Sóc Sơn) đã xây quây lại để... bán

Phố vây làng

Vì lợi trước mắt, không ít người dân ngoại thành đang đua nhau bán đất thổ cư, đất vườn, thậm chí đất ruộng để sắm xe, xây nhà. Ở huyện Đông Anh, Sóc Sơn nhiều mảnh ruộng, vườn được xây tường gạch để rao bán. Tại đây, từ người nông dân đến anh thợ cắt tóc đều có thể trở thành người môi giới nhà đất.

Một người dân ở xóm Trại, xã Sài Sơn (Quốc Oai) đưa chúng tôi ra một khu trồng tre, thông báo: “Khu này chia ra được 3 suất, hiện tôi bán một mảnh 70m2, giá 7 triệu đồng/m2”. Tại một số xã như Minh Trí, Minh Phú (Sóc Sơn) đất ruộng, đất vườn người ta cũng bán.

Theo các số liệu thống kê, diện tích nhà ở đô thị bình quân hiện tại của Việt Nam là 10,8m2 (tại Hà Nội là 8 m2, TPHCM khoảng 10,6m2). Đây là mức rất thấp so với thế giới.

Năm 2010, Hà Nội nâng diện tích bình quân nhà ở lên 12m2/người, còn tại TPHCM là 14m2/người. Trong khi đó, nhiều xã ở nông thôn chỉ đạt trên dưới 10m2/người. Như vậy đã có những vùng nông thôn mật độ dân cư cao hơn thành phố.  

Thực tế cho thấy, nhiều người đang đứng trước nguy cơ không đủ tiền để mua đất ở ngay trên quê hương mình. Ông Nguyễn Danh Ngọ - Chủ tịch UBND xã Cát Quế (Hoài Đức) chia sẻ: “Giờ nói đến mua đất ở đây là vấn đề lớn. Nếu mua 50m2 đất thổ cư phải có ngót nghét 1 tỷ đồng, nông dân lấy đâu ra tiền. Những người nông dân thuần nông nguy cơ thiếu đất sản xuất cũng như đất ở là rất cao.

Trước đây, ở vùng quê, mỗi hộ gia đình ít nhất cũng có 200m2 đến 1 sào đất ở, nay nhiều hộ chỉ còn 50-100m2 đất ở, thậm chí có hộ ở Tân Hội chỉ còn 30m2. Tại xã Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), người dân làm nghề phun sơn, làm nghề mộc nên diện tích đất ở càng chật chội, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân.

Hiện nay, nhiều xã thuộc các huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng... cũng cùng chung nỗi lo thiếu đất ở. Tại xã Mỹ Đình, Mễ Trì (Từ Liêm), nhiều hộ phải xây nhà ống để ở. Bởi họ đã bán một phần đất ở, phần vì đông con.

Một hiện tượng đáng lo ngại là, các nhà đầu tư bất động sản từ thành thị đang đổ xô về nông thôn mua đất. Họ nhờ người thân ở quê mua hộ cho thuận lợi, để dễ bề “ăn nói” với hàng xóm, rồi xây tường bao, chờ cơ hội bán kiếm lời. Vì thế, tình trạng nông dân hết đất diễn ra càng nhanh hơn.

Một lão nông tâm sự: “Trước đây, tôi đầu tư cho con ăn học để ra thành phố mong đổi đời. Dân nông thôn bỏ cả ruộng vườn ra thành phố kiếm sống. Nay người thành phố lại kéo về nông thôn mua đất, làm nhà, xây trang trại hay giữ đất kinh doanh. Nông dân mà không biết giữ lấy đất, cứ để đất mất dần thế này, rồi cuộc sống sẽ ra sao?”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG