Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn
TP - Xin trân trọng giới thiệu trong nhiều kỳ về quãng đời hai năm học báo chí tại Mỹ (1957-1959) của Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn trích trong cuốn “Điệp viên Hoàn hảo” của tác giả Larry Berman do NXB  Thông tấn ấn hành và nắm giữ bản quyền tiếng Việt.

>> Gặp tác giả cuốn sách nổi tiếng “Điệp viên hoàn hảo”

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn ảnh 1
Ông Phạm Xuân Ẩn ngày còn học báo chí ở Califonria

Cuốn sách sắp ra mắt bạn đọc vào trung tuần tháng 9 này, thay một nén hương thắp ngày giỗ đầu tiên của Anh hùng Phạm Xuân Ẩn (20/9/2006-20/9/2007).

Nhà báo, Thiếu tướng tình báo, Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Phạm Xuân Ẩn (tức Trần Văn Trung) sinh 1927 tại Biên Hoà, Đồng Nai, được báo chí Mỹ coi là một trong những nhà tình báo vĩ đại nhất thế giới trong thế kỷ XX. Nhiều người so sánh ông ngang tầm với nhà báo, điệp viên huyền thoại Liên Xô Richard Sorge hoạt động tại Nhật Bản trong Thế chiến II.

Hoạt động trong lòng địch Phạm Xuân Ẩn đã gửi ra Hà Nội những thông tin tình báo chiến lược rất quan trọng tại những giai đoạn lịch sử mang tính chất bước ngoặt, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhanh chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975.

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn ảnh 2

Tận dụng mối quan hệ rộng rãi của mình, Phạm Xuân Ẩn thường xuyên thu thập tin tức và tài liệu từ các tướng lĩnh quân đội Mỹ và VNCH - Ảnh: Tư liệu

Cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn còn nhiều điều bí mật. Cho đến nay đã có 4 cuốn sách viết về Anh hùng Phạm Xuân Ẩn.  Nhưng chỉ riêng cuốn “Điệp viên Hoàn hảo” cung cấp được nhiều nhất những thông tin mới về quãng đời của ông Phạm Xuân Ẩn trong hai năm học báo chí tại Mỹ (1957-1959).

Kỳ 1: Mộng mơ    

Tối thứ Bảy ngày 12/10/1957, chàng trai 30 tuổi Phạm Xuân Ẩn đặt chân xuống California. Ông thật may mắn vì hồ sơ hộ chiếu, visa của ông từng bị kẹt do bệnh quan liêu giấy tờ rất nặng nề tồn tại trong cơ quan xuất nhập cảnh của miền Nam Việt Nam.

Trong tuyệt vọng, Phạm Xuân Ẩn phải điện thoại tới người anh họ làm việc cho ông em út của anh em họ Ngô là Ngô Đình Cẩn - lãnh chúa miền Trung Việt Nam, để xem có giúp được gì không.

Hồ sơ của Phạm Xuân Ẩn khi đó được chuyển tới ông bác sĩ Trần Kim Tuyến với chỉ thị phải kiểm tra với phía Mỹ về tính cách và lòng trung thành của Phạm Xuân Ẩn. Chỉ riêng lời khuyến nghị của Lansdale thôi cũng đủ hiệu quả cho Trần Kim Tuyến duyệt ngay mọi giấy tờ thủ tục của Phạm Xuân Ẩn, giúp ông kịp thực hiện được chuyến đi Mỹ.

Từ giờ phút này trở đi, cuộc đời của điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn và cuộc đời của kẻ chống cộng khét tiếng Trần Kim Tuyến được đan dệt vào nhau mãi mãi.

Trần Kim Tuyến là Trưởng Phòng nghiên cứu chính trị - xã hội, được gọi tắt là SEPES (viết tắt của các từ Service d’Etudes Politiques et Sociales). Làm việc tại tòa nhà phụ bên trong khuôn viên Phủ Tổng thống và báo cáo trực tiếp cho em trai của Tổng thống Diệm là Ngô Đình Nhu, cơ quan này có quan hệ chặt chẽ với CIA và chỉ sử dụng các nhân viên là những người trung thành với Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến.

Cơ quan an ninh và tình báo Phủ Tổng thống này là một đơn vị cảnh sát mật có thể vươn vòi bạch tuộc ra mọi ngóc ngách của xã hội Nam Việt Nam để thực hiện thành công mọi dự án dù to hay nhỏ.

Nếu có chút gì trục trặc khiến Phạm Xuân Ẩn phải lùi ngày lên đường thì chính là việc ông phải về nhà vào ngày 24/9/1957, tức là ngày mồng 1 tháng 8 âm lịch. Đó chính là ngày cha của Phạm Xuân Ẩn qua đời trên tay ông ở tuổi 57.

Cha mất đi, mọi gánh nặng trút hết lên vai Phạm Xuân Ẩn, bởi vì ông là con trưởng nên phải có trách nhiệm với gia đình, đặc biệt là trong những ngày Tết của ba năm chịu tang cha. Khi cha qua đời, Phạm Xuân Ẩn không nghĩ mình có thể được đi học đại học ở Mỹ.

Tại ngả rẽ đầu tiên trong cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, nhiệm vụ công tác được ông đặt lên trên hết. Ông Mai Chí Thọ, một người em của ông Lê Đức Thọ đã tham gia một cách tích cực vào việc chuẩn bị cho chuyến đi của ông Ẩn.

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn ảnh 3
Thiếu tướng tình báo, Anh hùng các lực lượng Vũ trang Phạm Xuân Ẩn

Ông Mai Chí Thọ kể với tôi: “Khi đó chúng tôi vẫn còn hoạt động trong bí mật. Tôi phải kín đáo gom góp tiền bằng cách một phần sử dụng quĩ hoạt động tình báo, số còn lại đi vay mượn thêm”.

Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ vì sao ông Phạm Xuân Ẩn lại được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này? Ông Mai Chí Thọ đáp: “Vì ông ấy nói được tiếng Anh tốt hơn những người khác, đồng thời ông có năng khiếu nghề nghiệp. Một trong những sức mạnh lớn nhất của người điệp viên là luôn bình tĩnh và có nhiều bạn bè; phải luôn chơi được với mọi người để không gây sự chú ý nào.

Phạm Xuân Ẩn là người làm được điều ấy đối với mọi người và đó chính là lý do vì sao tôi coi ông Ẩn là một trong những nhà tình báo vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước tôi”. 

Người chỉ đạo trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn là ông Mười Hương. Chỉ có ông Mười Hương mới là người chịu trách nhiệm đưa ra quyết định liệu có hoãn chuyến đi Mỹ của Phạm Xuân Ẩn hay không. Nhận thấy rằng không ai khác sẵn sàng cho nhiệm vụ đặc biệt này, ông Mười Hương đã đảm bảo với ông Phạm Xuân Ẩn rằng Đảng sẽ chăm sóc gia đình cho ông.

Phạm Xuân Ẩn nói: “Lúc đó tôi biết mình sẽ đi Mỹ nhưng vẫn phải xin phép để giải thích lý do với mẹ vì vẫn còn trong thời gian chịu tang cha”. Bà Thu Nhàn vợ ông Phạm Xuân Ẩn cho biết: “Bà cụ hoàn toàn ủng hộ chồng tôi nhưng bà không hề can dự vào các công việc của anh Phạm Xuân Ẩn. Cụ biết anh ấy làm việc cho cách mạng, thế là đủ”.

Được sự đồng ý của mẹ, Phạm Xuân Ẩn đáp chiếc máy bay bốn cánh quạt của Hãng hàng không Pan Am sang Mỹ vào tối ngày 10/10/1957, chậm vài tuần sau khi lớp học ở Orange Coast đã khai giảng.

Đại học Orange Coast được thành lập năm 1948 tại một căn cứ quân sự từ hồi Chiến tranh Thế giới thứ hai ở Costa Mesa. Ngày khai trường vào tháng 9/1948 có 500 sinh viên nhập học. Chín năm sau khi ông Phạm Xuân Ẩn đến học, nhà trường vẫn còn là một trường cao đẳng bé nhỏ. Ban Giám hiệu nhà trường cứ nghĩ rằng ông Ẩn không đến học nên đã lấy phòng dành cho ông ở ký túc xá bố trí cho sinh viên khác ở.

Người phụ trách ký túc xá là ông Henry Ledger tình cờ đi ra ngoài thì gặp Phạm Xuân Ẩn đến. “Tôi đã chờ anh trong suốt một tháng. Anh ở chỗ quái nào thế?” Ledger hỏi.

Ký túc xá cũng chính là trại lính một thời phục vụ căn cứ không quân Santa Ana mới được sửa chữa lại. Vì tất cả các phòng của ký túc xá đã bố trí hết cho sinh viên, nên ông Ledger sửa chữa phòng kho vải cũ thành một phòng đơn cho Phạm Xuân Ẩn ở tạm. Nhưng  đối với ông Ẩn, như thế cũng là quá tốt rồi.

Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng dỡ đồ, lấy ra 5 bộ quần áo và những đồ dùng cá nhân từ chiếc vali mà Mills Brandes đã mua cho ông. Ông Ledger hỏi: “Anh có đói không?”. Không chờ Phạm Xuân Ẩn trả lời, ông ta mở ngay một hộp thịt bò kho. Lần đầu tiên, ông Ẩn được ăn thịt bò hộp. Dù không ngon đối với ông nhưng dẫu sao đây cũng là một kiểu đào tạo tại chức cần phải biết món ăn của người Mỹ vì nhiệm vụ của ông là phải học được văn hóa Mỹ.

Là một cựu binh Chiến tranh Thế giới thứ hai lại xấp xỉ bằng tuổi cha ông Ẩn, ông Ledger ngay lập tức đặt Phạm Xuân Ẩn dưới sự che chở của mình. Ông Ledger thích chơi đàn guitar và ăn mặc như cao bồi. Thứ tư nào ông và Phạm Xuân Ẩn cũng ngồi xem quyền Anh trên tivi và tối Chủ nhật nào hai bác cháu cũng xem đánh bowling.

Ông Ledger có chiếc xe tải hạng nhẹ mui che, sau này ông đã dạy cho Phạm Xuân Ẩn biết lái ôtô. Phạm Xuân Ẩn cho biết: “Tôi yêu quí và coi ông gần như một người cha. Ông đã giúp đỡ tôi khi tôi đang phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp là mất cha. Ông là một người tốt, luôn muốn tôi không cảm thấy lạ khi đến nơi ở mới của mình, muốn tôi là một phần của một gia đình mới. Lúc đầu những ngày mới đến, tôi thấy cô đơn nên ông đã cố làm cho tôi cảm thấy rằng mình được chào đón tại nơi ở mới này”.

 (Còn nữa)

Nguyễn Đại Phượng
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh

------------------------------

* Đầu đề do Tiền phong đặt

MỚI - NÓNG
Quốc hội ‘chốt’ quy định mới về bán thuốc online
Quốc hội ‘chốt’ quy định mới về bán thuốc online
TPO - Các đơn vị bán thuốc online có trách nhiệm đăng tải đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở, thông tin về thuốc đã được phê duyệt theo quy định của Chính phủ.