Thẻ nhà báo của Anh hùng, Thiếu tướng tình báo Việt Nam Phạm Xuân Ẩn ngày còn hoạt động bí mật ở miền Nam |
Tiền phong trích dịch một đoạn trong cuốn sách trên.
Trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn là một phóng viên rất được kính nể viết cho tạp chí Time. Ông bỗng trở thành một điệp viên của miền Bắc Việt Nam.
Hồi đó, ông Phạm Xuân Ẩn là một nguồn tin đáng tin cậy của những nhà báo nổi tiếng nhất thời đại.
Bạn bè của ông không chỉ là những người làm báo mà cả những người của CIA như Lou Conein, Edward Lansdale và William Colby. Ông Phạm Xuân Ẩn là bạn của hầu hết những tướng lĩnh và nhà chính trị cộm cán ở miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyển mộ ông Phạm Xuân Ẩn làm tình báo viên với bí số X6 - điệp viên đơn tuyến trực thuộc mạng lưới tình báo H63 ở Củ Chi.
Đảng đã chọn nghề báo coi đó là vỏ bọc tốt nhất và đã tạo ra lý lịch một cuộc đời giả tạo nhưng lại giữ nguyên bản một cách khéo léo, bắt đầu bằng chuyến đi sang Mỹ của ông Phạm Xuân Ẩn năm 1957 để theo học chuyên ngành đại học báo chí.
Trong 20 năm tiếp theo, ông Phạm Xuân Ẩn sống một cuộc đời bí mật nhưng không hề bị ai mảy may nghi ngờ vì ông quá giỏi trong công việc làm báo hàng ngày.
Ngoài cùng bên phải: Thiếu tướng QĐND Việt Nam Phạm Xuân Ẩn |
Nhờ sự thành công đó mà ông Phạm Xuân Ẩn là một trong hai sĩ quan tình báo trong thời gian chiến tranh, được đề bạt lên hàm cấp tướng và được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Lần đầu tiên tôi gặp ông Phạm Xuân Ẩn vào tháng 7/2001. Chúng tôi nói chuyện với nhau về một loạt chủ đề khác nhau nhưng không hề đề cập đến lĩnh vực tình báo. Ông Phạm Xuân Ẩn quan tâm đến một cuốn sách của tôi sắp được ấn hành Không hòa bình, chẳng danh dự: Nixon, Kissinger và Sự phản bội ở Việt Nam.
Phạm Xuân Ẩn hỏi liệu ngày mai ông và tôi có thể gặp nhau tại Café Givral nằm đối diện khách sạn Continental cách tòa nhà quốc hội trước đây không xa? Thời chiến tranh Givral Café là nơi tụ họp của cánh nhà báo, cảnh sát, quan chức chính quyền.
Năm 2003, ông Phạm Xuân Ẩn bị ốm nặng, phải thở máy trong 5 ngày liền. Vợ ông Phạm Xuân Ẩn theo truyền thống của người Việt Nam, đã đặt rất nhiều tài liệu, sổ tay, ảnh và những vật dụng khác vào trong rương để ông Phạm Xuân Ẩn có thể được mai táng cùng với những bí mật của mình.
Giáo sư Larry Berman (phải) và phóng viên Tiền phong |
Nhưng lần đó tình trạng sức khỏe của ông Phạm Xuân Ẩn bỗng chuyển biến tốt. Ông được bác sĩ cho về dưỡng bệnh tại nhà riêng với hai lá phổi chỉ còn làm việc được 35% công suất.
Suốt hai giờ đồng hồ tôi và ông Phạm Xuân Ẩn trò truyện, bên cạnh ông luôn để sẵn một bình ôxy. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng ông muốn nằm xuống nghỉ một chút để được thở ôxy.
Trong lúc thở dưỡng khí, ông Phạm Xuân Ẩn bảo tôi có thể xem lướt qua thư viện của ông. Tôi lần giở từng cuốn sách trên giá, đọc những dòng chữ mà bạn bè của ông Phạm Xuân Ẩn đã đề tặng (tất cả họ đều là những người trí thức, học giả nổi tiếng - Người dịch).
Nhà báo Neil Sheehan: “Tặng Phạm Xuân Ẩn - người bạn của tôi, người đã vinh dự được phục vụ một cách xuất sắc sự nghiệp báo chí và sự nghiệp của đất nước ông - hãy nhận ở tôi lời chào thân thiết nhất”.
Nayan Chanda: “Tặng Phạm Xuân Ẩn, một nhà yêu nước quả cảm, một người thầy, người bạn vĩ đại. Hãy nhận ở tôi lời biết ơn”.
Stanley Karnow: “Tặng Phạm Xuân Ẩn, người anh em thân thiết của tôi, người đã giúp tôi hiểu Việt Nam trong nhiều năm. Hãy nhận ở tôi lời thăm hỏi nồng ấm”.
Robert Sam Anson: “Tặng Phạm Xuân Ẩn - Người đã dạy tôi về Việt Nam và về ý nghĩa đích thực của tình bạn. Với bạn, một người dũng cảm nhất mà tôi đã từng gặp, tôi còn nợ bạn một món nợ mà chắc chẳng bao giờ có thể trả được. Xin nhận ở tôi lời chào Hoà Bình”.
Tôi thấy cần phải viết về câu chuyện này- câu chuyện về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn với tư cách là một nhà tình báo trong chiến tranh, về những ngày ông hoạt động báo chí, về những năm tháng ông sống trên đất Mỹ, về những tình bạn của ông. Đó là câu chuyện về một cuộc chiến tranh, một thời kỳ hòa hợp dân tộc và hòa bình.
Cuốn "Một điệp viên hoàn hảo" |
Tôi bèn van nài Phạm Xuân Ẩn để được ông chấp nhận với tôi một điều rằng cuốn sách về cuộc đời ông phải để cho một nhà sử học như tôi viết ra chứ không chỉ các nhà báo Việt Nam viết về ông. Phạm Xuân Ẩn nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: “OK”.
Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng ông rất tôn trọng những cuốn sách trước đó của tôi về Việt Nam và ông hy vọng những người trẻ ở Mỹ có thể học từ cuộc đời của ông về cuộc chiến tranh Việt Nam, về chủ nghĩa yêu nước và về sự khâm phục của ông đối với nhân dân Mỹ.
Ông Phạm Xuân Ẩn hứa sẽ hợp tác với tôi nhưng với một điều kiện là ông bảo lưu quyền được nói rằng: “Điều này nói ra chỉ để cho ông hiểu toàn cảnh bức tranh chứ không được viết vào sách vì nó có thể làm đau lòng con cháu của người đó và xin đừng bao giờ kể câu chuyện đó với ai hoặc nhắc đến tên người ấy”.
(Còn nữa)
* Tít do Tiền phong đặt
Nguyễn Đại Phượng dịch