Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ảnh: Vietnamnet |
Kỳ I: Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
III.Tập kết: Nỗi ngày Bắc đêm Nam
Gạo không đủ ăn phải độn thêm củ riềng rau choại. Lại thêm nạn địch càn…
Gửi lại con gái mới 3 tháng tuổi cho má nuôi, cất bước ra đi mà nghe đứt từng khúc ruột, hai bầu vú căng nhức sữa, người mẹ ấy lại bí mật quày quả tìm đường trở về miền Đông.
Bà kể, khi về gần đến cơ quan chả biết ai cho anh Ba hay mà anh chạy ra trảng tranh... Anh bồng tôi lên quay mấy vòng trước mặt cô giao liên mà không mắc cỡ gì cả...
Sáu tháng xa vợ, người chồng đó đã viết những dòng thế này Nga ơi anh nhớ anh thương/ Nửa đêm thức giấc quanh giường tìm em/ Tay em anh gối êm đềm/ Lòng anh chi xiết muôn vàn yêu thương...
Tại miền Đông, chị vừa làm thơ ký chính trị cho anh vừa làm công tác Phụ vận Khu 7. Đó là những ngày gian khó của năm 1951, 1952 Bộ Tư lệnh miền Đông đói quay đói quắt.
Mỗi ngày mỗi người chỉ được một lon gạo còn độn thêm củ mài rau tàu bay. Chính trong thời gian này, Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn hoàn thành tác phẩm nổi tiếng Đường lối ruộng đất ở miền Nam.
Công tác ở miền Đông một thời gian, anh Ba ra Bắc họp Hội nghị Trung ương. Chị lại về miền Tây làm công tác phụ nữ. Sau chuyến ra Bắc về anh kể chị nghe có ghé qua Quảng Trị. Nhưng gia đình còn ở vùng tạm chiếm không gặp được, anh đành gửi thư và cả ảnh của chị về nhà.
Một thời gian anh ở khu V mở lớp Huấn luyện cán bộ mang tên Trường Chinh. Thời gia đình chiến Trung ương lại phái anh trở vô Nam Bộ phổ biến tinh thần Hiệp định Giơ-ne và sự chỉ đạo của Trung ương, sắp xếp lực lượng cán bộ, số nào ở lại miền Nam, số nào tập kết ra Bắc.
Chị nhớ mãi tâm sự của anh rằng, từ khu V trở vô Nam Bộ có đoạn đi bằng xe goòng đồng bào đứng hai bên đường cười vui vẫy chào, nhiều người đưa hai ngón tay (ý nói hai năm thống nhất đất nước).
Anh nhìn đồng bào mà lòng quặn thắt với ý nghĩ, là người trong cuộc anh thấu hiểu âm mưu xảo quyệt của kẻ thù. Với dã tâm ấy chúng dễ gì mà chịu Hiệp thương Tổng tuyển cử! Rồi đây đồng bào ở lại sẽ khổ không phải hai năm mà có thể phải 20 năm. Nước mắt anh trào ra...
Có đêm anh thức trắng... Chị thấy anh đi tới đi lui đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Chị biết với quyết định của Trung ương, anh sẽ tập kết. Anh Ba Khiêm (Ung Văn Khiêm) sẽ ở lại để chỉ đạo phong trào. Nhưng chính trong thời gian này anh đã điện ra Trung ương xin được ở lại.
Lần điện thứ nhứt, Trung ương không đồng ý. Lần thứ hai cũng vậy. Đến lần thứ ba, trước lập luận và quyết tâm của anh, Trung ương chấp thuận. Chị xin được ở lại cùng anh. Khi đó sau con gái đầu lòng Vũ Anh, chị đang có mang đứa con thứ hai và đã sắp tới ngày sanh...
Anh đau đớn nói với vợ: “Tình hình miền Nam sắp tới sẽ rất phức tạp. Nếu em ở lại sẽ khổ em khổ con mà dễ lộ hoạt động của anh”.
Năm tháng vời vợi và vùn vụt qua đi. Nhưng chắc sẽ hằn mãi trong tâm trí người vợ miền Nam cái thời khắc đêm hôm ấy. Chuyến tàu Kerinsky của Ba Lan là chuyến tập kết chót. Đồng chí Ba Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ mà sau này gọi là Trung ương Cục, nhân vật số I của cách mạng miền Nam cùng đi với người vợ bụng mang dạ chửa trên tay bồng cô con gái nhỏ bước xuống tàu với gia đình đồng chí Lê Đức Thọ.
Hơn hai ngàn cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết có mặt trên tàu đều thấy cảnh đó. Các sĩ quan trong Ban Liên hiệp đều chứng kiến hình ảnh ấy. Các phóng viên thông tấn trong nước và quốc tế ghi hình cảnh nọ...
Nhưng đúng 12 giờ đêm, Lê Duẩn ôm hôn vợ và con gái. Nước mắt ông ướt đẫm khuôn mặt vợ, giọng như nghẹn lại: “Anh thương vợ con anh thế nào thì anh cũng thương vợ con đồng bào đồng chí như thế... Cho nên anh phải ở lại. Em ra miền Bắc ráng nuôi dạy hai con nên người...”.
Người vợ miền Nam khi ấy, để giữ bí mật không dám ra khỏi cabine để tiễn chồng. Lê Duẩn ôm hôn ông Sáu Thọ và dặn “Anh ra nói với Bác Hồ là 20 năm nữa chúng ta mới gặp nhau!’’.
Câu nói ấy chắc khi đó trên tàu, ngoài vợ anh Ba ra chỉ mỗi ông Sáu Thọ biết nhưng có một người đứng bên cạnh nghe được tỏ ra ngạc nhiên trước khung cảnh giã từ và câu nói lạ lùng nọ Người đó là Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (Sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế, tiền nhiệm là BS Phạm Ngọc Thạch). Người nói câu ấy rất tinh đã phát hiện động thái sững sờ của BS Hưởng. Anh Ba chủ động ôm hôn BS Hưởng và nói khẽ “Xin anh giữ bí mật cho tôi nhé”.
Một chiếc canô nhỏ do ông Cao Đăng Chiếm (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) cầm lái áp sát mạn, lặng lẽ bí mật đưa đồng chí Lê Duẩn trở lại Cà Mau.
Trong cabine, ngó ra đêm tối mịt mùng mông lung, người vợ miền Nam thốt nhiên thấy đứa con trong bụng đến tháng thứ tám quẫy đạp dữ. Mọi khi có anh, anh vẫn thường đặt tay lên đó. Bây giờ anh đã ở xa, rất xa...
Ấn tượng khi rời tàu ở biển Sầm Sơn là sáng Mồng Một Tết năm Bính Thân mà chị Nga vẫn thấy đồng bào Thanh Hóa đi úp cá bằng nơm. Đời sống đồng bào ngoài này đang rất khó khăn.
Chị em phụ nữ dong trâu vác cày từ mờ đất trong giá rét căm căm. Nhớ đời sống miền Nam, chị thấy thương đồng bào miền Bắc vô kể.
Ra Hà Nội, hai mẹ con chị được các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh tới thăm. Rồi chị được giới thiệu đến bệnh viện Việt Xô để dưỡng thai và học phương pháp mới gì đó như đẻ không đau.
Nhưng chưa học được ngày nào thì đã sanh. Sớm gần một tháng. Có lẽ hậu quả của những ngày căng thẳng trước lúc đi và thời gian lênh đênh trên biển.
Bé Vũ Anh nhìn em kêu lên: “Mẹ ơi mẹ sanh em sao nó giống con mèo quá vậy?’’. Nhưng may mắn có lẽ do sữa tốt và chị chịu khó chăm sóc con nên bé Lê Kiên Thành (tên chị đặt cho con biểu lộ quyết tâm giải phóng miền Nam, một quyết tâm một khẩu hiệu nằm lòng của người chồng yêu quý và cán bộ miền Nam tập kết) khá phổng phao bụ bẫm...
Sau khi sanh, chị được phân công về công tác tại báo Phụ nữ Việt Nam. Ba mẹ con, đều trông vào tiêu chuẩn lương của mẹ 36 đồng. Cả nhà tá túc trong một cái gara ô tô trên lợp tôn cùng với hai gia đình cán bộ nữa. Chật thì đã đành. Nhưng cực nhất mùa nực. Hầm hập cả ngày lẫn đêm.
Một thời gian sau đành để con nhỏ lại cho người quen đi tham gia công tác sửa sai 4 tháng ở Vĩnh Phú. Đó là những ngày gian nan phải nhịn đói thường xuyên bởi đời sống bà con khi ấy còn rất cơ cực.
Cực hơn là những tư tưởng cách làm còn ấu trĩ tả khuynh của không ít cán bộ chủ chốt của địa phương. Đời sống ấy, cung cách chỉ đạo ấy có lẽ bà con nông dân còn khổ dài dài?
Công tác ở báo Phụ nữ Việt Nam, chị được phân công phụ trách mục miền Nam. Những ngày da diết thương nhớ. Những nỗi niềm ngày Bắc đêm Nam. Chút hạnh phúc nhỏ nhoi là mỗi chiều mùa hè bồng con ra hồ Hale hóng mát. Quanh hồ có nhiều cán bộ tập kết cũng thường ra hóng gió...
Khuây khỏa chỉ bằng cách lao vào công việc. Hăng say công việc. Trong việc chăm sóc con, chị phải tính toán thật chi li sít sao thời gian lẫn tài chánh.
Tất tả trăm thứ, nhưng mỗi lúc rảnh, chị lại rụng rời giật thột về người chồng yêu quý. Một bản tin nước ngoài làm chị nhiều đêm day dứt Ông Lê Đức Thọ, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam ra miền Bắc làm Trưởng Ban TCTƯ. Ông Ung Văn Khiêm lẽ ra phân công ở lại miền Nam nay là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VNDCCH. Ông Nguyễn Văn Kỉnh, tự Thượng Vũ nay làm Đại sứ VN tại Mạc Tư Khoa...
Như vậy số cán bộ cao cấp tập kết ra Bắc không có Lê Duẩn. Lê Duẩn đã ở lại miền Nam... Giặc biết anh ở lại. Giặc mò tìm. Anh đã phải đối phó ra sao?
Lòng chị rối bời... Một lần đi công tác tận giới tuyến, mắt chị rưng rưng ngó sang bờ Nam. Thấy cảnh hai bên đổi gác, cảnh các mẹ các chị bờ Nam xuống sông Bến Hải vo gạo rửa rau...
Nỗi niềm thương nhớ, day dứt lẫn căm hận ấy về Hà Nội, chị trút hết trong bài viết Hai bờ Bến Hải được dư luận đánh giá cao. Báo của Trung Quốc đăng lại bài viết này của chị.
IV.Không có gì cũ hơn gia đình. Và cũng không gì mới hơn gia đình
Trước câu hỏi vẻ như hơi bộp chộp và nôn nóng của tôi rằng thời điểm nào thì bà gặp gia đình người vợ trước của ông Lê Duẩn, nữ chủ nhân bỗng ngồi lặng phắc, ánh mắt chừng như dõi về một cõi xa xăm nào đó.
Một lúc sau, chất giọng khẽ khàng của bà mới tiếp nối câu chuyện. Đó là ngày Mồng Một Tết năm 1956. Người vợ trẻ miền Nam bồng Thành, cậu con trai mới sanh, dắt con gái Vũ Anh thăm ông nội (thân sinh ông Ba Duẩn- NV) và người vợ trước cùng gia đình khi đó đang ở Nghệ An.
Quà là một chai mật ong, mấy củ sâm và vài mét lụa Hà Đông... Mặc dù có thư cả ảnh anh Ba gởi ra trước, nhưng bây giờ cả hai bên mới giáp mặt nhau.
Bà cho tôi hay, mạ các cháu khóc nhưng không có phản ứng gì... Ông nội rất thương quí hai đứa nhỏ... Cũng cần nói thêm, có được mối quan hệ và tình cảm ấy như bà cho hay là trước đó bà Hoàng Thị Ái là chỗ thân quen đã viết thư trước cho cả nhà.
Bà Hoàng Thị Ái khi đó là ủy viên Đảng Đoàn phụ nữ Trung ương. Chị Ái hoạt động cùng với anh Ba Duẩn từ năm 1930 ở Huế. Lúc Đảng còn nghèo, chị ái chắt chiu từng củ khoai củ sắn nuôi anh Ba và anh em hoạt động.
Chị Ái rất có uy tín với gia đình của anh Ba... Chị ái đã viết thư cho gia đình anh Ba với mục đích để ông nội và chị ấy biết để rồi thông cảm cho hoàn cảnh của cuộc hôn nhân này.
Trước khi ba mẹ con về thăm, bà đã nhận được thư của mạ các cháu gửi. Được bà cho phép, tôi xin trích ra ít dòng.
Nghệ An ngày 15-5-1955
Thân gửi Dì Nga
Đã nhận được thư Dì và thư của chị ái gửi thăm vội viết thư kẻo Dì trông. Lần đầu tiên Cậu (cụ thân sinh đồng chí Lê Duẩn- NV) và tôi cùng gia đình gửi lời thăm Dì chúc Dì và các cháu khỏe để phục vụ công tác.
....
Nhưng hôm nay nhận được thư Dì và chị ái và chị ái nói hộ thêm, vì hoàn cảnh và lợi ích của cách mạng mà đoàn thể đặt vấn đề, tôi và Cậu càng thông cảm thêm. Tôi và Cậu lấy làm thương Dì lắm. Tôi rất cám ơn Dì đã tích cực giúp đỡ cậu các cháu trong khi xa gia đình, xa tôi. Hôm nay Cậu cũng nhận Dì là người trong gia đình và tôi thành thật xem Dì như một người em. Dì đừng thắc mắc lo nghĩ mà hao tổn sức khỏe.
....
Nếu có dịp Dì vào đem cháu vào thăm Cậu, tôi và gia đình rất trông được gặp Dì. O Dượng Hồ (em ruột đ/c Lê Duẩn- NV) gửi lời thăm Dì và hai cháu.
Lê Thị Sương
Vậy mà sóng gió đã ập xuống cái gia đình bé nhỏ nọ.
Đó là những ngày đầu năm 1957. Người của tổ chức đến gặp bà đại ý: Luật Hôn nhân Gia đình của Quốc hội ghi rõ Gia đình phải một vợ một chồng.
Nếu hoàn cảnh đã qua, ai có 2 vợ thì phải giải quyết sao cho hòa thuận. Anh Ba sắp ra rồi. Trước kia vì sự nghiệp chung mà chị lấy anh ấy. Nay cũng vì sự nghiệp chung mà chị nên chủ động ly dị với anh Ba để anh làm tròn nhiệm vụ.
Chị choáng váng, sững sờ... Những người thay mặt cho tổ chức để gặp chị không ai khác, toàn những người quen biết, thậm chí đã cùng vào sinh ra tử ở chiến khu những năm địch ruồng bố ác liệt! Chị dần bình tĩnh lại “ Trước kia chúng tôi lấy nhau cũng hai bên bàn bạc đồng ý, bây giờ muốn bỏ nhau cũng phải có ý kiến hai bên. Việc này phải chờ anh Ba ra, chúng tôi gặp nhau thì mới trả lời được...”.
Rồi anh Ba ra...
Xin trích một đoạn trong nhật ký.
Gặp anh tôi rất mừng. Một hôm, anh nằm gần cửa sổ để tôi nhổ tóc bạc. Tôi nói “ Các anh các chị có đề nghị chúng ta nên ly dị nhau...’’ Anh khóc bảo tôi “Trong hoàn cảnh nào chúng ta lấy nhau, giờ trong hoàn cảnh nào chúng ta bỏ nhau? Lại có với nhau hai đứa con rồi... Cho dù anh làm Tổng Bí thư đi nữa mà phải bỏ nhau trong lòng anh không bao giờ yên ổn được. Người cộng sản phải có thủy có chung, có tình có nghĩa... Nếu làm như vậy không đúng với tấm lòng người cộng sản, anh không thể làm thế được. Và như vậy rồi gia đình cũng tan nát thôi”.
Tôi khóc và nhìn anh khóc mà đau lòng. Anh gầy như que củi, đen như củ súng. Tuy râu anh đã cạo nhưng sự tàn phá của chiến tranh còn in dấu trên người anh. Tôi nghĩ nếu anh hy sinh ở miền Nam thì cũng mất tất cả rồi. Vì vậy mà tôi nguyện làm vợ anh, vượt qua tất cả khó khăn cùng nhau xây dựng một gia đình hòa hợp.
Anh đưa tôi tới Trung ương Hội Phụ nữ... Anh trình bày hoàn cảnh của chúng tôi mong có sự thông cảm... Nhưng nhiều chị phản đối kịch liệt. Không như hồi anh còn trong Nam, chị em Nam Bộ rất thương anh. Giờ đây tôi trở thành đối tượng nhiều người ghét bỏ... Tôi là Tỉnh ủy viên, cán bộ trung cấp. Khi tôi ra miền Bắc, mọi chế độ về học tập chính trị nhận báo Học Tập của Đảng hằng tháng, tiêu chuẩn nằm Việt Xô... Nay Phụ nữ Trung ương cắt hết quyền lợi đó.
Tôi buồn rầu cô độc. Chiều thứ Bảy, tôi nhìn dòng người lũ lượt trên đường. Họ đi với nhau có cặp có đôi. Có người lại dắt theo con cái nữa. Họ vui biết bao. Họ hạnh phúc biết mấy! Phải chăng họ chỉ có một vợ một chồng? Hay là tôi giải quyết không đúng chăng?
Trích nhật ký
Có đêm chúng tôi đang nằm bên nhau đùa giỡn với bé Thành thì có người về đập cửa rầm rầm khóc la ầm ĩ... Anh khuyên tôi “Thôi em tạm lánh đi cho yên”. Không biết đi đâu, tôi đến nhà chị bảy Huệ ở đường Nguyễn Biểu (lúc đó anh Mười Cúc đang ở miền Nam).
Thấy tôi ngồi ủ rũ đến nửa đêm, chị Bảy hỏi han rồi động lòng, chị dắt tôi trở lại số 6 Hoàng Diệu. Người đến đập cửa đã đi. Anh Ba thấy chị Bảy Huệ đưa tôi về, anh mừng mắt sáng rỡ...
Có hôm anh Lê Thám, trước đây là cán bộ Phòng dân quân Nam Bộ, đến trước nhà gọi “Chị Ba ơi, chị mở cửa cho tôi vào chơi với anh Ba chút”. Cả nhà làm ầm lên đuổi anh ấy đi. Anh Hai tôi và em út tôi đến thăm nhà, cũng gặp trường hợp như vậy. Tôi đau lòng quá!
Có lẽ đó là duyên do khá nặng ký để bà quyết tâm sang học tập ở Trung Quốc trong lúc có mang đứa con thứ 3 mới 3 tháng?
(Còn tiếp)