Sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất, họ đang phải trải qua những ngày sống tạm bợ, đầy bất trắc.
Gà trống nuôi con, mất nhà mất chồng
Ngày 13/1/2004 tức 22 tháng Chạp năm Quý Mùi, khi chỉ còn 1 tuần nữa là đến Tết Giáp Thân, UBND thành phố Nha Trang cưỡng chế thu hồi hơn 2,2 ha đất của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà. Khi đó chỉ có chị Hà cùng 2 đứa con nhỏ và bà mẹ già 84 tuổi ở nhà. Chồng chị là anh Lê Văn Phước đang ra Hà Nội “tìm Bao Công”.
Dù ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã can thiệp, cuộc cưỡng chế vẫn được tiến hành, hơn 100m2 nhà, bếp, giếng vẫn bị phá sập (Tiền Phong, 15/1/2004)… Bây giờ, gia đình tá túc trong căn nhà lụp xụp chưa đầy 20m2 ở chợ Phước Thái (phường Phước Long).
Khi nắng, trong nhà nóng hầm hập. Lúc mưa, nước dột tứ bề. Quá bức xúc, ngày 15/8/2004, chị Hà cùng một số người dân treo băng rôn ở khu vườn xoài Sông Lô, phản đối sự bất công trong việc thu hồi đất và giao đất tái định cư ở Sông Lô. Khi tổ công tác liên ngành của TP.Nha Trang đến yêu cầu tháo gỡ băng rôn, sau một hồi đôi co chị Hà tụt quần mình và vỗ vào mông...
Khi đó Công an xã Phước Đồng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với chị Hà. Tuy nhiên, 7 tháng sau, ngày 8/3/2005 Công an TP.Nha Trang ra QĐ hủy bỏ QĐ xử phạt hành chính, đồng thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chị Hà về tội “làm nhục người khác”.
Chị Hà bị bắt ngày 4/4/2005 theo lệnh truy nã (?) và đang chịu án tù giam 9 tháng. Anh Phước vừa làm “gà trống nuôi con”, vừa phải vay mượn tiền mua thuốc trị bệnh nan y cho vợ. Trong khi đó, khu đất bị cưỡng chế giải tỏa dịp Tết năm đó, nay Cty Hoàn Cầu vẫn bỏ hoang. Kể chuyện với phóng viên, người đàn ông 50 tuổi ứa nước mắt…
Ngôi biệt thự xây trên đất rừng của ông Tùng (em ông Chi) vẫn sừng sững, hiên ngang |
Ngồi trò chuyện với anh Phước, tôi nhận ra 2 người đàn bà Sông Lô lam lũ đang ngồi với gánh hàng rong trước nhà anh, bên con đường lầm bụi. Trước ngày 9/3/2004 khi toàn bộ cơ ngơi trong khu vườn rộng hơn 4.000m2 của gia đình chị Bùi Thị My bị cưỡng chế phá dỡ, chị bán đồ giải khát, làm vườn, nuôi hàng trăm con thỏ và gà.
Nay, vợ chồng chị dựng căn nhà nhỏ trên đất của người quen ở thôn Phước Hạ (Phước Đồng), ngày ngày chị ra chợ mua đi bán lại vài chục quả trứng, mấy bó hoa cúng. Anh Tạ Quang Trào chồng chị đi làm thợ hồ, việc bữa có bữa không… Báo Tiền Phong số ra ngày 5/4/2004 đăng bài “Chỉ người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật?”, trong đó có ảnh vợ chồng bà Phạm Thị Hoa thẫn thờ trước cảnh căn nhà của họ bị phá dỡ.
Bà Hoa cũng đang kiếm sống bằng gánh rau mua đầu chợ bán cuối chợ. Vợ chồng bà thuê một gian nhà nhỏ ở Phước Trung với giá 150.000đ/tháng, ông Trần Văn Thuận đã 70 tuổi, thỉnh thoảng giúp vợ kiếm thêm bằng cách nấu rượu. Nhưng nay ông đang phải đi chữa bệnh…
Trong hồ sơ thu hồi đất không có tên vợ chồng chị Dương Thị Hồng và anh Nguyễn Văn Loan, nhưng ngày 15/3/2004 nhà của họ cũng bị phá dỡ. Họ chẳng được đồng tiền đền bù hay hỗ trợ nào, nói gì đến đất tái định cư! Chị Hồng dựng chòi để ở và bán thuốc lá bên cạnh Núi Đất, đắp đổi qua ngày.
Khi bị cưỡng chế, anh Loan không có ở nhà. Hôm sau về thấy khung cảnh tan hoang, anh bèn trút mọi nỗi bức xúc lên đầu vợ. Từ đó đến nay anh đi đốt than, mỗi khi xuống núi cũng không về ở với chị. “Vậy là chị mất nhà, mất cả chồng?” - Chị trả lời bằng nụ cười héo hắt…
Lều ở tạm, phiếu ăn từ thiện
Anh Hồ Sĩ Đường là thượng úy quân đội phục viên, gia đình anh vốn ở xã Cam Nghĩa (nay là phường Cam Nghĩa, thị xã Cam Ranh). Năm 1992 anh sơ ý để xảy ra tai nạn làm chết con của một cán bộ xã, phải bán nhà giải quyết hậu quả và “bán xới” về Sông Lô.
Khi bị thu hồi hơn 4.000m2 đất vườn trên đó có nhà cửa, cây trái, gia đình anh chỉ được “hỗ trợ” 38,9 triệu đồng. Hội đồng đền bù của TP. Nha Trang nói rằng họ còn nhà ở Cam Ranh, nên không được giao đất tái định cư! Ngay sau khi bị cưỡng chế phá dỡ nhà ngày 15/3/2004, gia đình họ được bà con giúp dựng lại chiếc lều trên nền nhà cũ.
Bởi, họ còn biết đi đâu? Mãi đến ngày 21/5/2004, hơn 2 tháng sau khi đã cưỡng chế phá dỡ nhà anh Đường, UBND Nha Trang mới quyết định giao cho gia đình anh lô G33, khu dân cư Sông Lô. Để được nhận lô đất này, họ phải nộp 47,04 triệu đồng tiền sử dụng đất, nhiều hơn 8 triệu đồng so với toàn bộ số tiền họ được “hỗ trợ” khi bị giải toả trắng!
Không có tiền để nhận đất và cũng không chấp nhận cách giải quyết trái pháp luật, gia đình anh Đường tiếp tục ở “trọ” ngay trên mảnh đất vốn là của mình. Cũng may, khu đất đó Cty Hoàn Cầu được giao rồi nhưng “chưa cần sử dụng”.
Hàng ngày, chị Lê Thị Hoa lên rừng cắt lá giang về bán ở chợ Phước Thái và đi xin nước cơm thừa về nuôi lợn. Gánh nặng gia đình 4 miệng ăn, 2 đứa trẻ đi học và người chồng lâm bệnh hiểm nghèo dồn lên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé ấy.
Từ 2 năm trước anh Đường bắt đầu thấy đau ở hàm trái, nhưng vướng chuyện giải tỏa, khiếu nại nên anh cứ lần lữa việc đi khám. Tháng 4 năm nay, khi hàm trái bắt đầu sưng thấy rõ, ăn uống khó khăn, anh mới chịu đi khám ở TP Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, anh bị ung thư tuyến dưới hàm trái…
Lẫn trong đống phiếu xét nghiệm, biên lai viện phí của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh… của anh Đường, tôi thấy “Phiếu cấp cơm” của Từ thiện Bảo Hòa mang số B864. Cúi mặt cầm tờ phiếu trên tay, chị Hoa nói giọng rầu rĩ: “Nhà em ngày xưa đủ ăn, bị thu hồi đất lâm cảnh nghèo, bây giờ đói rồi anh ơi..!”. Lời an ủi vợ chồng chị Hoa cứ nghẹn trong cổ, tôi chui ra khỏi lều của họ để tĩnh tâm. Lấp ló sau mấy ngọn bạch đàn mé Đông Nam nhà họ là mái ngói đỏ của một ngôi biệt thự.
Nghịch cảnh
Cũng trong khu vực đó, một ngôi biệt thự kiểu nhà sàn sang trọng vẫn sừng sững, hiên ngang. Dù nó tọa lạc trên mảnh đất rừng nguyên là đất của một số cán bộ xã Phước Đồng sang tay. Có phải vì nó là nhà của ông Tùng (em trai ông Phạm Văn Chi – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) nên pháp luật cũng không dám đụng tới.
Người dân Sông Lô thường thấy ông Chi vào đó cuốc đất trồng cây, bơi thuyền trên hồ cá… Đầu năm 2001, UBND thành phố Nha Trang đã ra nhiều quyết định thu hồi đất do một số hộ lấn chiếm, chuyển nhượng không hợp pháp ở khu vực này. Nhưng dinh cơ trên khu đất rừng không hiểu mua bán theo kiểu gì vẫn nghiễm nhiên tồn tại đến hôm nay…
Từ cái gọi là nhà của anh Đường giữa khu vườn hoang tàn ra đường lớn, tôi đi qua bên cạnh nhiều trang trại, dinh cơ bề thế khác của các cán bộ đương chức hoặc mới nghỉ hưu của tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang.
Ra đến đại lộ Nguyễn Tất Thành, tôi gặp ngay khu tái định cư Sông Lô. Có một khoảng rộng ở mặt tiền khu này bị bạch đàn tái sinh phủ kín. Đó chính là 23 lô đất của các cán bộ có nhà cửa đàng hoàng ở Nha Trang được cấp để “tái định cư”. Nhưng có lẽ do họ chưa có nhu cầu “tái định cư”, nên đất vẫn bị bỏ hoang. Đứng trước khu đất này, tôi cứ bần thần liên tưởng đến những người dân bị cưỡng chế thu hồi đất, nay đang ăn nhờ ở đậu, đêm ngày mong có một mái ấm của chính họ…