Nhà thơ Hoàng Cầm bên bờ sông Đuống năm 2000 Ảnh: Tư liệu
Được biết đến như một nhà thơ của Kinh Bắc, tên khai sinh của Hoàng Cầm - Bùi Tằng Việt cũng là tên ghép của hai địa danh Phúc Tằng và Việt Yên (Bắc Giang).
Ông sinh ngày 22 - 2 - 1922 tại Thuận Thành - Bắc Ninh, học tú tài tại Hà Nội và bắt đầu tham gia văn đàn vào năm 1940 bằng những tác phẩm dịch từ tiếng Pháp cho Tân Dân xã của Vũ Đình Long.
Các tác phẩm chính của Hoàng Cầm: - Hận ngày xanh (phóng tác theo Lamartine 1940) - Thoi mộng (truyện vừa, 1941) - Kiều Loan (kịch thơ, 1945) - Men đá vàng (truyện thơ, 1989) - Bên kia sông Đuống (tập thơ chọn lọc, 1993) - Lá diêu bông (tập thơ chọn lọc, 1993) - Về Kinh Bắc (tập thơ, 1994) - 99 tình khúc (tập thơ tình, 1955) |
Vở kịch thơ nổi tiếng đầu tiên của ông Hận Nam Quan cũng ra đời trong khoảng thời gian này (1942). Năm 1945, ông thành lập kịch Đông Phương và đi lưu diễn nhiều nơi trên đất Bắc.
Vở kịch thơ Kiều Loan của ông cũng ra đời trong thời kỳ này, nhưng chỉ diễn được có một đêm thì phải ngừng lại do tình hình chiến sự căng thẳng trước ngày Toàn quốc kháng chiến, ông lên chiến khu và tham gia thành lập đoàn Văn công quân đội năm 1947.
Trong suốt kháng chiến, ông nổi tiếng với vai trò một trưởng đoàn văn công, đi biểu diễn phục vụ chiến ssĩ khắp các chiến trường phía Bắc.
Từ 1958 đến khoảng 1995 ông chuyên tâm làm thơ và những tập thơ hay nhất của ông ra đời trong giai đoạn này: Men đá vàng, Bên kia sông Đuống, Về Kinh Bắc, Lá Diêu bông…
Thơ ông hấp dẫn các thế hệ người đọc khác nhau, vì ngoài những tìm tòi cách tân về nghệ thuật, Hoàng Cầm vẫn gìn giữ cho riêng mình một vốn ngôn ngữ và hình ảnh đặc trưng Kinh Bắc, độc đáo, tài hoa. Có những câu thơ của ông, dù không phải thơ tình, vẫn làm say đắm bao nhiêu trái tim người Việt.
Từ khoảng 1993, thơ ông được in nhiều và liên tục được tái bản do nhu cầu tìm đọc của công chúng. Năm 2007, ông nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Theo Thu Hà
Tuổi Trẻ