Linh Lê với yêu đương và tình dục

Linh Lê với yêu đương và tình dục
TP - Một cuốn sách đột phá, với trăn trở và vật lộn của những người trẻ tuổi, chủ đề muôn thuở là tình yêu, nhưng với tất cả những gì diễn ra ngày hôm nay.

Tình yêu hiện ra với nhiều dạng kiểu, nhiều cung bậc, được phơi bày bằng cách viết hiện thực đến kiệt cùng trong “Không khóc ở Kuala Lumpur” của Linh Lê.

Linh Lê với yêu đương và tình dục ảnh 1
Linh Lê

Tình yêu thật ra là gì? Người tình thật ra là gì? (trang 196). Có thể nói đây là những câu hỏi lớn nhất làm nên tiểu thuyết này.

Linh Lê đã quan sát rất kỹ, và quan trọng hơn, có tố chất đầu tiên và quan trọng để trở thành một nhà văn, cô đã chiêm nghiệm. Chính sự chiêm nghiệm này, đã khiến Không khóc ở Kuala Lumpur thoát khỏi sự kể lể giản đơn, như thường thấy ở những cây bút mới.

Linh Lê tên thật là Nguyễn Huyền Linh, tuổi Bính Dần (1986). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học, nên dù được hướng nghiệp vào kinh doanh, Linh Lê vẫn viết, như một thôi thúc nội tâm.

Không khóc ở Kuala Lumpur là tiểu thuyết đầu tay của cô, trước đó cô đã có tập truyện ngắn và tản văn Giai điệu hoàng hôn, và đoạt nhiều giải thưởng văn học dành cho lứa tuổi học trò.

Không khí tự do tràn ngập cuốn sách, không chỉ diễn ra trong bối cảnh nước ngoài (Malaysia) mà ngay trong nước, bối cảnh cụ thể là Hà Nội.

Nhân vật nữ chính, người xưng tôi (Việt An) đã hẹn hò từ năm học lớp 10 và yêu – một mối tình thực sự, không chỉ có bâng khuâng, mộng mơ mà có cả sự gần gũi trực tiếp và những suy tính cho tương lai ngay từ khi học lớp 11.

Hoàn cảnh hợp lý cho sự tự do này là mẹ cô, một người mẹ đơn thân, đầy kinh nghiệm và nhạy cảm, nhưng cũng đầy tự do, cái tự do có được bởi bao dung và hiểu biết.

An được tự do gặp gỡ, và lần đầu tiên của cô, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong mối tình đầu đã diễn ra trong ngôi nhà của người bạn trai, sau những đêm gần gũi:

Đấy không phải là đêm đầu tiên chúng tôi gần gũi như thế. Trong hơn một năm yêu nhau, đã có rất nhiều hoàn cảnh đưa đẩy để chúng tôi ở bên cạnh nhau. Anh sống một mình trong ngôi nhà riêng. Nhiều đêm như thế, tôi đến ngủ cùng anh (...) Chúng tôi nằm ôm nhau ngủ sau những nụ hôn rất dài (trang 37).

Một sự thật được kể tự nhiên, nhưng sự thật này, đến hôm nay vẫn chưa được xã hội sẵn sàng đón nhận. Cũng như khi An cùng người yêu thứ hai đi du học ở Malaysia:

Phòng to thì tôi và Chu Minh ở cùng nhau. Ừ thì ở chung phòng, tôi chẳng xấu hổ hay kiểu cách gì, yêu nhau có cơ hội ở gần nhau thì ai cũng thích (...) có ở khác phòng, hay khác nhà thì cùng chỉ là hình thức (trang 170).

Tự do hoàn toàn. Tự do đến và tự do đi. An đã chia tay với Chu Minh sau một thời gian sống “đời sống sinh viên kiểu vợ chồng” để đến với Ken.

Nhưng tự do sống và tự do lựa chọn thì cũng phải tự lãnh nhận tất cả những gì mà đời sống đem lại. Bi kịch ngay liền với niềm hạnh phúc. Với mối tình đầu, đó là thái độ đáng sợ và đáng khinh của người đàn ông coi chữ trinh là đáng giá nhất trên đời.

Với mối tình thứ hai, đó là cái chết thảm thương của Chu Minh, để lại sự day dứt, là thứ An sẽ phải mang theo đến cuối đời.

Với mối tình thứ ba, An không thể quan hệ tình dục vì nhiều lý do, mà chủ yếu là vì những lý do tinh thần (ở đây, cần nhấn mạnh, dù không bị ai hay cái gì ngăn trở nhưng An cũng như vài nhân vật nữ khác -ngay cả như Lam, vẫn không rơi vào buông tuồng xác thịt thuần tuý.

Yếu tố xác thịt ở đây, luôn không thoát khỏi những vấn nạn tinh thần, như một phạm trù cặp đôi tất yếu.

Đây cũng là điểm tinh tế của tiểu thuyết này). Tuy nhiên, Ken - dù rất yêu An - nhưng lại không thoát khỏi được trò chơi nhục dục, với chính người bạn gái thân thiết của An.

 Linh Lê đã gợi ra được yếu tố người nhất, đi đúng vào mạch ngầm mong manh nhất ở văn cảnh này. Nó khiến tất cả những biểu hiện có bề ngoài trắng trợn, nhẫn tâm nhất trở nên lung linh dưới ánh sáng tinh thần.

Cùng kiểu tư duy tiểu thuyết là diễn biến sự tha hoá tinh thần của Chu Minh, trước khi chết, Chu Minh đã cưỡng ép An, dùng nhục dục như một phương tiện đòi nợ, như một cách hạ nhục người mình yêu và chính mình. Như một cách giết chết tình yêu cao thượng của mình, trước khi tự tử.

Linh Lê với yêu đương và tình dục ảnh 2

Tự do yêu đương, tự do tình dục đậm đặc nhất được biểu đạt qua nhân vật nữ chính thứ hai – Hiên Lam. Không còn tin vào sự cứu rỗi diệu kỳ của tình yêu, Lam coi tình yêu chỉ như sự giải trí trong đời sống nhiều buồn tẻ, thậm chí, cô coi tình yêu như một phương tiện để giải quyết một vài khó khăn trong đời sống.

Trò chơi đi từ phương diện nhục dục, tất yếu chuyển sang phương diện tinh thần. Lam cũng vướng vào tình yêu thực sự, để rồi thất bại và thất vọng. Cô đưa trò chơi đến sự tàn nhẫn.

Hình như tôi lại tiếp tục trò chơi của mình.

Trò chơi này rất lạ. Có một người đàn ông, có một người đàn bà.

Người đàn ông không thương yêu tôi. Và tôi cũng không yêu thương anh ta. Nhưng tôi cảm giác đang kéo được anh ta về phía mình.

Trò chơi này, rất sợ. Vì đó là người đàn ông của An. Tôi thích những điều gây sự sợ hãi và hồi hộp. Nó kích thích tôi. (trang 362).

Có thể nói Hiên Lam và Chu Minh là những nhân vật thành công nhất của Không khóc ở Kuala Lumpur. Thậm chí thành công hơn cả nhân vật xưng tôi (Việt An). Về kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết, có thể nói Linh Lê đã khá cứng tay với các tuyến nhân vật chính và phụ vu hồi phục vụ chủ đề.

Tuy nhiên, việc sắp đặt quá nhiều mối quan hệ tình cảm của các nhân vật (chính và phụ) vào cùng một bối cảnh ngôi nhà chung gợi đến một hình thức sân khấu thiếu tự nhiên.

Một số đoạn trữ tình ngoại đề và suy nghĩ nội tâm của nhân vật Việt An vẫn sa vào dàn trải. Quá nhiều cái chết trong một tiểu thuyết, phải chăng cái bi thương bị đẩy lên quá sức chịu đựng...

Không khóc ở Kuala Lumpur đã rất thành công trong việc trần hiện một mảng đời sống của người trẻ hôm nay..

MỚI - NÓNG