>> Xấu hổ cũng là tình cảm cách mạng
>> Cần Thơ: Sẽ trao giải cuộc thi thơ 'Trăng nghẹn'
>> Những cuộc thi chán ngán
>> Vụ 'Trăng nghẹn': Không mới nhưng lạ, hiếm
Trao giải nhì cho hai nữ tác giả ở An Giang và Bến Tre. Bên trái là Trưởng ban Tổ chức Phan Huy, bên phải là Phó Chánh văn phòng UBND TP Cần Thơ Hồ Văn Gia - Ảnh: Sáu Nghệ |
Lèo tèo
Chỉ còn 10 giải được trao, gồm 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích. Buổi lễ dự tính lúc 9 giờ 30 phút nhưng sát giờ thì cúp điện và gần 10 giờ mới bắt đầu trong ánh sáng trời mờ tỏ. Sau khoảng 30 phút, kết thúc.
Không có đại diện Thành ủy TP Cần Thơ, theo ban tổ chức là có mời nhưng do bận chỉ đạo đại hội cơ sở. Đại diện UBND TP Cần Thơ là ông Hồ Văn Gia, Phó Chánh văn phòng UBND.
Không có đại diện ban ngành của TP Cần Thơ. ĐBSCL có 13 hội VHNT, bên cạnh Cần Thơ, có 5 hội VHNT tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu cử đại diện đến dự.
Ba thành viên ban chung khảo cuộc thi không có mặt. Nguồn tin của Tiền Phong, ông Trịnh Bửu Hoài, thành viên ban chung khảo, từ An Giang có xuống Cần Thơ nhưng không vào dự lễ trao giải vì “chấm được giải nhất mà không trao thì không dự”.
Ông Lê Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, từng được mời dự họp trước đây “theo dõi để nắm tình hình sáng tác”, không có mặt. Ông Hoài Tường Phong, tác giả bài thơ Trăng nghẹn, vắng mặt. 10 tác giả được giải, vắng 4 người.
Sau tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi đọc báo cáo tổng kết, danh sách tác phẩm và tác giả được giải, kèm giải thưởng từ cao xuống mỗi giải 4, 2, 1 triệu đồng. Trao giấy chứng nhận, hoa cho những tác giả được giải và kết thúc.
Đại tá - Nhà thơ Bùi Văn Bồng, Trưởng văn phòng báo Quân đội Nhân dân tại ĐBSCL nhận xét: “Chưa thấy cuộc trao giải nào lèo tèo như cuộc này”.
Lý giải
Trưởng ban Chung khảo Phạm Sỹ Sáu: Với tư cách Trưởng ban Chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL năm 2009, tôi vẫn bảo lưu kết quả của Ban Chung khảo đã chấm. Còn việc có công nhận hay không kết quả đó là quyền của Ban Tổ chức. Chúng tôi xin khẳng định một lần nữa là Ban Chung khảo đã làm việc một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, và có bàn bạc thảo luận để đi đến thống nhất. Điểm chấm của mỗi giám khảo chỉ là yếu tố cấu thành quyết định, chứ không phải là yếu tố quyết định cuối cùng như có ý kiến nào đó đã nêu. Và chúng tôi tôn trọng ý kiến của Ban Tổ chức cuộc thi. |
Báo cáo tổng kết cuộc thi của ban tổ chức giải thích, sau khi có kết quả chấm của ban giám khảo “theo thông lệ cuộc thi, ban tổ chức sẽ họp lại đối chiếu với thể lệ cuộc thi và ra quyết định cuối cùng.
Nhưng ban tổ chức chưa kịp thực hiện công việc này thì với tư cách cá nhân, một thành viên của ban tổ chức đã tự ý tung kết quả cuộc thi do ban giám khảo đề nghị lên mạng internet.
Dù là thông tin không chính thức nhưng việc đó đã tạo nhiều dư luận trái chiều, đặc biệt đối với bài thơ Trăng nghẹn của tác giả Hoài Tường Phong được ban giám khảo đề nghị trao giải nhất”.
Trước thực tế đó, cũng theo báo cáo tổng kết, Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần thơ là đơn vị đăng cai tổ chức, Chủ tịch Liên hiệp kiêm Trưởng ban Tổ chức Phan Huy đã báo cáo Ban Thường vụ Liên hiệp.
Chiều 3-3-2010, Ban Thường vụ và Ban Tổ chức họp “đa số ý kiến thống nhất không nên trao giải nhất”. Cuối buổi chiều cùng ngày, Ban Tổ chức họp và “4/4 thành viên nhất trí không trao giải nhất cho bài thơ Trăng nghẹn”.
PV Tiền Phong hỏi Trưởng ban Tổ chức Phan Huy: “Ban Tổ chức cuộc thi gồm những ai?”.
Ông Phan Huy: “Gồm tôi và ông Nguyễn Khai Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ; ông Lê Xuân Bột, Ủy viên BCH Liên hiệp; bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Chánh văn phòng Liên hiệp”.
“Vì sao Ban Tổ chức lại quyết định không trao giải nhất cho bài Trăng nghẹn?”
Ông Hoài Tường Phong: Người ta không phát giải nhất cho bài thơ của tôi thì thôi chứ sao. Tôi biết tin không được trao giải mấy hôm rồi, vì không có giấy mời đến dự lễ. Tâm trạng của tôi bây giờ không vui không buồn, chỉ hơi chán nản. |
“Vì bài thơ không hợp thể lệ cuộc thi, đó là viết về công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, phát triển và hội nhập. Bài thơ thể hiện 50 năm ĐBSCL không thay đổi, trăng vẫn nghẹn hoài không lên được”.
“Đó là cảm xúc cá nhân trong nghệ thuật?”
“Nhưng bài thơ không phù hợp với đề tài của cuộc thi nên chúng tôi không thể trao giải nhất”.
“Ông có ý kiến gì với công luận?”
“Chúng tôi cảm ơn các cơ quan báo chí, các nhà báo đã quan tâm theo dõi dư luận và viết bài phân tích đúng sai, thiếu sót trong quá trình tổ chức cuộc thi.
Chúng tôi cũng cảm ơn công chúng thơ, những người yêu thơ ĐBSCL và cả nước, giúp chúng tôi đi đến quyết định cuối cùng. Chúng tôi chịu trách nhiệm về giải thưởng cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 4-2009”.