Anh đào Ngọc Dung trao tặng Huy chương Vì thế hệ trẻ |
Tôi gặp ông khi vừa kết thúc hội thảo “60 năm độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” do đoàn đại biểu thanh niên (ĐBTN) Việt Nam tổ chức tại Fuerte Tiuna Salon, thủ đô Caracas.
Buổi chiều muộn đầu thu Caracas se lạnh và vô cùng dễ chịu ấy, tôi cùng ông ngồi bệt trên bãi cỏ giữa khuôn viên tuyệt đẹp của khu Fuerte Tiuna Salon và cùng nhau trò chuyện.
Chiếc mũ cối mà ngay ở VN cũng ít người còn dùng, ấy vậy mà ông cứ khư khư bên người. Ông già cựu chiến binh đội mũ cối, anh bộ đội Cụ Hồ thời chống Pháp với hàng chục huân huy chương lấp lánh trên ngực ấy, đã trở thành tâm điểm sự chú ý của các bạn trẻ đến từ khắp 5 châu giữa thủ đô của một nước Nam Mỹ xa xôi. Họ nhìn ông bằng một sự ngưỡng mộ pha chút tò mò…
Đầu năm 1946, chàng trai trẻ Kostas vừa tròn 18 tuổi trong đội quân lính lê dương Pháp cập cảng Sài Gòn. Vừa chân ướt chân ráo tới đây, 2 lính lê dương người Đức đã thiệt mạng trong một cuộc tập kích. Thế là Kostas lờ mờ nhận ra nơi đây đang có một sự kháng cự mạnh mẽ chống xâm lược.
Trong suốt hành trình càn quét từ Sài Gòn qua Phan Thiết rồi tới Mũi Né, Kostas luôn để ý tới một người lính Việt Minh bị bắt có tên Lê Trung Biển. Đánh đập tra tấn kiểu gì người lính trẻ này cũng nhất quyết không khai, thế là anh tìm cách tiếp cận rồi đặt vấn đề: Tôi là người Hy Lạp yêu cộng sản, nếu anh tin tôi thì chúng ta cùng đi với nhau.
Thế là họ trốn và giải thoát cho 25 tù binh khác và mang theo một súng máy cùng 2 khẩu súng trường. Ngoài ra anh còn rủ thêm một người lính lê dương Tây Ban Nha khác có tên Santo Merino (sau này được đặt tên là Nguyễn Văn Vĩ và hy sinh tại chiến trường Lào) gia nhập cách mạng. Sau 2 ngày chạy trốn họ đã gặp được bộ đội liên khu V, Kostas gia nhập bộ đội Cụ Hồ ngày 4/6/1946 với cái tên VN là Nguyễn Văn Lập từ đó.
Thời gian đầu chiến sĩ “mắt xanh mũi lõ” Nguyễn Văn Lập được giao nhiệm vụ làm công tác địch vận tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến cuối năm 1946, chiến sĩ Lập đã lôi kéo được tới 40 lính lê dương khác gia nhập đội quân cách mạng.
Sau đó Lập được phiên vào biên chế Tiểu đội 3, Đại đội 39 do ông Đàm Quang Trung thời đó làm Đại đội trưởng. Chiến sĩ Lập đã chiến đấu dũng cảm như một người lính Cụ Hồ thực thụ trong suốt gần “9 năm làm một Điện Biên”.
Hòa bình lập lại tại miền Bắc sau đó 2 năm, vào năm 1956 ông xuất ngũ rồi đi làm phiên dịch tiếng Đức ở nhà máy in Tiến Bộ. Thỉnh thoảng ông Lập còn được hãng phim truyện mời đi đóng phim.
Duyên số thế nào, ông phải lòng một thiếu nữ Hà thành chính gốc xinh đẹp nết na nhà ngay tại phố Lò Đúc. Đó chính là người vợ thủy chung son sắt với ông cho tới tận bây giờ, bà năm nay đã 74 tuổi.
Tới đây, người lính già bỗng như trẻ trung trở lại, ông say sưa kể cho tôi nghe về mối tình rất đẹp của họ - tình yêu giữa một chàng trai Hy Lạp đi lính Cụ Hồ với một thiếu nữ Hà thành, mà như ông nhận xét là “quá xinh!”.
Năm 1958, họ dẫn nhau ra UBND Hà Nội đăng ký kết hôn. Rồi 3 người con của họ lần lượt ra đời, anh con trai cả tên Thành (sinh năm 1959), 2 cô con gái tiếp sau tên Tuyết (1961) và Nga (1963).
Hà Nội thời chiến tranh và bao cấp đã tôi luyện chàng trai người Hy Lạp trở thành một người Việt thực thụ, một người chồng người cha tận tụy cần mẫn với gia đình 3 miệng ăn...
Được phép của 2 chính phủ, Nguyễn Văn Lập cùng gia đình đã rời VN trở về Hy Lạp năm 1965 qua con đường Sứ quán Hy Lạp tại Mátxcơva. Đến nay cả 3 con của ông bà Lập đều đã trưởng thành, hai cô con gái đang làm nghề dạy học và quản lý trường tư thục tại Hy Lạp.
Các bạn trẻ quốc tế xin chữ ký. Ảnh: Việt Hùng |
Biệt tích suốt hai chục năm trời, đột nhiên ông trở về quê hương mang theo 1 vợ và 3 con khiến mẹ và các em sửng sốt. Ông nhớ lại “Trước đó, mẹ tôi luôn mặc bộ đồ đen vì tưởng đứa con trai thân yêu đã chết trận. Tôi về mẹ đã lập tức thay bỏ bộ đồ đen ấy”.
Cuộc sống bên Hy Lạp của ông cũng vất vả không kém, ông bảo : “Tôi đã mang vợ nước ngoài về thì không bao giờ bắt vợ đi làm. Tôi quyết tâm dù phải vất vả 18 thậm chí 24 tiếng mỗi ngày cũng phải làm để nuôi vợ con. Tôi suốt đời hy sinh cho… vợ con”. Về Hy Lạp ông làm nghề lái xe tải hạng nặng nhờ có bằng lái xe ở VN.
Từ khi trở về, Nguyễn Văn Lập thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự VN qua đài Trung Quốc phát bằng tiếng Pháp. Thời điểm giải phóng miền Nam bác có vui mừng ? - Tôi hỏi, ông đáp “Mừng là thế nào, xúc động đến rụng rời chân tay đi ấy chứ”. Đến nay, ông đã đưa vợ con về thăm quê ngoại tới 7 lần. Lần đầu tiên là năm 1989 và lần gần đây nhất là cuối tháng 7 năm nay.
Ông Lập cho biết, lần đầu tiên trở lại VN ông hơi buồn vì thấy kinh tế và cuộc sống nhân dân VN còn khó khăn lắm. Nhưng rồi càng trở lại những lần sau, mỗi lần ông lại càng thấy sự đổi thay nhanh chóng và càng củng cố niềm tin trong ông về công cuộc xây dựng CNXH ở VN.
Ông tâm sự: “Tôi là một người nước ngoài hiểu về VN nhất, đó là quê ngoại và một phần lớn cuộc đời của tôi. Đổi thay đến không thể tin nổi, cái năm 1946 ấy nhiều người Việt mặc bộ quần áo có tới 99 miếng vá chằng vá đụp, còn bây giờ ăn mặc sang trọng lắm, cũng quần áo, xe hơi, giày dép y như Tây rồi”.
Nguyễn Văn Lập, người đảng viên ĐCS Hy Lạp, anh lính bộ đội Cụ Hồ, quả thực là một nhân chứng sống người nước ngoài đầy sức thuyết phục trong suốt hành trình 60 năm giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH của VN. Chả thế mà khi Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đào Ngọc Dung trao huy chương Vì thế hệ trẻ cho ông ngay tại buổi hội thảo do đoàn ĐBTN Việt Nam tổ chức, hàng nghìn bạn trẻ quốc tế có mặt đã nhất loạt đứng dậy vỗ tay như sấm.
Chính sự xuất hiện của ông, những lời nói mộc mạc của ông tại hội thảo tự nó đã mang đầy tính thuyết phục cho phong trào Festival thanh niên, sinh viên thế giới. Buổi hội thảo vừa kết thúc, hàng trăm bạn trẻ Venezuela, Colombia, Cuba, Pháp, Mỹ, Brazil, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đã vây lấy ông chỉ để xin một chữ ký lên mũ, lên áo hay sổ tay, những ánh đèn flash từ máy ảnh của họ chớp liên tục để có bằng được 1 pô ảnh chụp chung với ông.
Hiện hai ông bà Lập sống một mình tại Hy Lạp, con cái ở riêng. Lương hưu của ông được 1000 euro, bà được nhận thêm trợ cấp xã hội (vì đẻ nhiều con) mỗi tháng 80 euro. Ông tính cho tôi thế này : Tiền thuê nhà hết 400, tiền điện nước, dịch vụ… hết thêm 300 nữa, hai chúng tôi chỉ còn chưa đầy 400 euro tiền ăn mỗi tháng, không đủ đâu.
Trời tối hẳn lúc nào chẳng biết, câu chuyện về người lính già Hy Lạp giữa Festival có tới 20.000 người từ khắp 5 châu đổ về, giữa thủ đô một đất nước Nam Mỹ như Venezuela hiện nay, thực sự đã gây ấn tượng mạnh trong tôi.
Trước khi chia tay, ông siết chặt tay tôi rồi nói “CNXH chắc chắn là một xã hội tươi đẹp, là mơ ước của tôi và của bao người khác…”. Tôi cứ đứng nhìn theo mãi bóng dáng cao lớn của ông tây Việt Minh đầu đội mũ cối khuất dần trên đường phố Caracas vừa mới lên đèn…