Đây là lần đầu tiên trong lịch sử soạn thảo báo cáo từ 32 năm nay, thay vì ngồi trong “tháp ngà” tại Washington để viết ra bản báo cáo thường niên đầy tham vọng do Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Mc Namara khởi xướng nhằm khẳng định vị thế của tổ chức này không chỉ về tài chính mà cả về trí tuệ nhằm định hướng cho sự phát triển cho thế giới.
Bản thân những sự việc này đã thể hiện sự thay đổi của thế giới và sự cầu thị của Ban soạn thảo. Họ ý thức được rằng khó có thể phản ánh được những vấn đề đa dạng của thế giới nếu không lắng nghe những vấn đề phát triển của châu Phi và châu Á, những lục địa đã thức tỉnh và ngày càng có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của thế giới.
Ban soạn thảo đang ở trong quá trình xác định chủ đề cho Báo cáo, có thể là chủ đề về xung đột, an ninh và phát triển hay bảo đảm phát triển với nội dung có thể làm gì để phát hiện, phòng ngừa, giải quyết các loại xung đột khác nhau trong và ngoài nước để phát triển.
Nhằm mục đích đó, tất cả các cuộc xung đột lớn nhỏ trên thế giới đã tìm được một giải pháp nhất định đều được đưa ra phân tích: từ Mindanao ở Philippines, đến Aceh ở Indonesia, Campuchia đến Nepal hay sự xung đột giữa tín đồ đạo Hồi và nhà biếm họa Đan Mạch.
Các nguồn gốc khác nhau có thể dẫn đến xung đột trong tương lai cũng được đem ra mổ xẻ: sự chuyển dịch địa - chính trị với sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế, quân sự đến sự giành giật nguồn nước, tài nguyên đến cả việc mất cân đối về giới dẫn đến thừa đàn ông, buôn phụ nữ qua biên giới v.v. Các giác độ kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo, chính sách, thể chế đều được đưa ra trao đổi.
Trong bối cảnh đó, Ban soạn thảo rất quan tâm đến kinh nghiệm phát triển rất đặc biệt của Việt Nam: thống nhất đất nước sau 30 năm chiến đấu, mất 10 năm thử nghiệm mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung và đã có những thành tựu nổi bật từ sau đổi mới.
Điểm nổi bật của cuộc trao đổi ý kiến là tinh thần bao dung, tôn trọng sự khác biệt để tìm kiếm đồng thuận, thống nhất trong sự đa dạng để cùng phát triển.
Ví dụ của tiến sĩ Vong Sam Ang từ Campuchia trong việc Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen tiếp nhận những phần tử Khmer Đỏ từ bỏ hàng ngũ vào làm việc trong bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền kinh doanh của họ như một công dân bình đẳng được đánh giá cao.
Nhiều đại biểu cho rằng nhờ chính sách này mà Campuchia đã tránh được xung đột, đã không trở thành một Afghanistan khác.
Việc tìm ra những tiêu chí để sớm phát hiện, tìm ra các giải pháp phòng ngừa các loại xung đột khác nhau cũng được thảo luận.
Đại biểu Trung Quốc, đại sứ Wu Jianmin, nhấn mạnh vai trò của ASEAN ở châu Á. Theo đại sứ Wu nếu Trung Quốc hay Nhật Bản đứng ra lãnh đạo châu Á sẽ khó tạo được sự đồng thuận, song nếu ASEAN đứng ra làm trung tâm quy tụ được Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc thì châu Á có thể thống nhất để hợp tác.
Các đại biểu đều thống nhất cho rằng cần tìm kiếm các giải pháp để tránh đối đầu, khắc phục chủ nghĩa dân tộc quá khích và các lợi ích dân tộc hẹp hòi.
Tinh thần bao dung, chấp nhận sự khác biệt để tìm kiếm sự đồng thuận, thống nhất trong sự đa dạng thay cho đàn áp và đối đầu là bài học quan trọng nhất mà tôi rút ra được từ Hội nghị quốc tế này. Tinh thần ấy rất giống tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chủ tịch mà Người đã thực hiện trong lãnh đạo kháng chiến gian khổ để đi đến thắng lợi.