>> Nhiều công trình cao tầng gần bờ hồ là nghịch lý
Tòa thị chính cũ của Hà Nội - Ảnh tư liệu |
Lẵng hoa quý bị đè nát
Nơi đây chính là hồ Lục Thủy xưa kia. Sử sách còn ghi lại: Vào thời Lý, vua Lý Thánh Tông đã cho xây chùa Sùng Khánh và dựng tháp Báo Thiên là những công trình văn hóa kỳ vĩ thời bấy giờ.
Đến thế kỷ 15, vua Lê chọn nơi đây trao trả Kiếm Thần cho Rùa Vàng sau khi quét sạch xâm lược để dệt nên truyền thuyết Hoàn Kiếm mang đậm tính nhân văn về lòng yêu hoà bình của dân tộc ta. Từ đấy khai sinh tên hồ Hoàn Kiếm mà nhân dân thường gọi Hồ Gươm.
Sang thế kỷ 16, các chúa Trịnh lại chọn nơi đây xây dựng các lâu đài cung điện nguy nga, hoành tráng, làm tăng thêm vẻ linh thiêng của vùng đất.
Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, biết bao công trình lịch sử, văn hóa, kiến trúc chung quanh Hồ Gươm, cái mất - cái còn, cái cũ - cái mới đan xen hòa quyện tạo nên không gian văn hóa Hồ Gươm tiêu biểu cho Ngàn năm Văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Một thời, sự can thiệp thô bạo của con người đã làm biến dạng vùng đất địa linh này. Trước hết, thực dân Pháp ngang nhiên phá chùa Báo Ân để xây tòa Thống sứ và Bưu điện Bờ Hồ.
Tiếp đến tòa Bưu điện cũ lại bị phá đi xây Nhà Bưu điện Bờ Hồ như một khối bê tông ngang phè kéo dài bên bờ đông của hồ. Trụ sở UBND thành phố thay tòa thị chính, lại thêm một khối bê tông dựng đứng bên hồ.
Công trình thứ ba góp phần làm xấu Hồ Gươm là cái chòi cao vống lên như chòi canh xua đuổi thú rừng thường thấy trên nương rẫy của đồng bào miền núi của Nhà hát Múa rối nước Thăng Long. Tưởng thế là quá đủ để đè nát lẵng hoa quý giá này!
Thế nhưng cơn lốc thị trường tràn qua đây lại càng khốc liệt hơn. Xin điểm qua vài sự kiện một thời công luận tốn không biết bao nhiêu công sức, giấy mực quyết tâm giữ cho được những gì còn lại quanh Hồ Gươm.
Cú khai tử Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền
Việc Hà Nội nên làm là cải tạo Trụ sở UBND TP. Trong Quyết định 448/BXD/ KTQH ra ngày 3-8-1996 phê duyệt quy hoạch chi tiết Hồ Gươm và vùng phụ cận, có yêu cầu cần sớm sửa chữa kiến trúc tòa nhà Trụ sở UBND TP Hà Nội. Hơn hai tháng sau, ngày 24-10-1996, UBND TP Hà Nội ra quyết định mời 5 đơn vị có uy tín chuyên môn tham gia lập phương án cải tạo kiến trúc công trình nói trên, gồm: Bộ Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Công ty Kiến trúc ADC Hà Nội . Gần 15 năm trôi qua, dự định cải tạo kiến trúc trụ sở HĐND và UBND TP Hà Nội rơi vào quên lãng. |
Vụ thứ nhất: Giấc mơ siêu thị khởi sự từ tháng 4-1993. Công ty Thương mại (Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền) thuộc Sở Thương nghiệp Hà Nội ký kết liên doanh với Công ty Dragon Property Asia Limited để biến Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, mà người Hà Nội và khách thập phương quen gọi là Bách hóa Tổng hợp, thành cái siêu thị Hà Nội - PLAZA với giá cho thuê đất 18 USD/năm trong vòng 50 năm với khối nhà 10 tầng và 20 tầng .
Nếu dự án này thực hiện thì Nhà Bưu điện Bờ Hồ và trụ sở UBND thành phố sẽ chỉ là những anh chàng lùn đứng bên vị khách ngoại quốc khổng lồ!
Việc trọng đại như vậy mà hơn 500 cán bộ và nhân viên Công ty không hề biết cho đến khi báo Đầu Tư in bằng tiếng nước ngoài đưa tin. Đến lúc đó, lãnh đạo Sở Thương mại mới tổ chức họp để giải thích.
Tháng 5-1994, Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp giấy phép đầu tư số 855/GP thành lập Công ty Liên doanh Trung tâm Thương mại Hà Nội với cái tên The Hà Nội - PLAZA.
Tháng 5-1995, kiến trúc sư trưởng thành phố cấp phép cho khai tử Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền để biến thành The Hà Nội - PLAZA. Nó vẫn còn ngoi ngóp thêm 4 tháng, cho đến ca bán hàng cuối cùng vào tối 29-9-1995 thì ngừng hoạt động.
Đấy cũng là ngày cuối cùng của hơn 500 cán bộ và nhân viên Cty ngậm ngùi rời khỏi nơi họ đã gắn bó phần lớn cuộc sống của mình suốt thời kỳ chiến tranh.
Người Thủ đô và khách thập phương không khỏi tiếc nuối một địa danh đầy ắp kỷ niệm. Đây không chỉ là nơi đến mua hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ mỗi khi xa Hà Nội trở về để hiểu thêm tình hình kinh tế đất nước.
Thế rồi những nhát búa tạ bắt đầu bổ xuống. Đến tháng 12 năm ấy, công việc phá dỡ cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền hoàn tất.
Sáu tháng sau, ngày 28-5-1996, người ta tổ chức long trọng lễ động thổ với bài phát biểu hùng hồn của ngài Giám đốc Công ty: “… Đây là một trong những công trình liên doanh thương mại và dịch vụ có tầm cỡ lớn nhất thủ đô… lung linh soi bóng bên Hồ Gươm cổ kính của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật sẽ thu hút 1.200 lao động và… Đây cũng là niềm tự hào của người Hà Nội và của ngành thương nghiệp thủ đô.
Ba năm sau ngày động thổ, đây vẫn là bãi đất hoang.
Tháng 12-1998, Bộ Kế hoạch & Đầu tư ký quyết định chấm dứt hiệu lực pháp lý của Giấy phép Đầu tư số 855/GP ngày 4-5-1994 vì công ty nước ngoài chưa kiếm được tiền (!) và Sở Thương mại Hà Nội “đã có dự án” thành lập Công ty Đầu tư Thương mại Hoàn Kiếm xây dựng công trình này. Dự án sẽ trình Thành phố phê duyệt trong tháng 1-1999 và hoàn thành vào tháng 10-2000.
Hết Hàm Cá Mập, Hà Nội vàng, đến…
Vụ thứ hai, toà nhà khoác tấm áo choàng màu đen bên Hồ Gươm mang tên DAEWOO. Khôi hài hơn, bên tường, họ gắn mấy con rùa đang bò ngược lên trời!
Thành phố cũng nên tính đến chuyện di dời một số công sở bên Hồ Gươm, dành một quảng trường và một tượng đài xứng đáng cho Vua Lê Thái Tổ - vị anh hùng giải phóng dân tộc gắn bó với Hồ Gươm xứng tầm với quảng trường Vua Lý Thái Tổ hiện nay (trước kia là vườn hoa Chí Linh - tên của chiến khu khởi nghĩa Lam Sơn). Huyền thoại Hoàn Kiếm biểu trưng cho lòng yêu hoà bình của dân tộc. Có làm như vậy, Hà Nội mới thực sự xứng đáng mang danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình. |
Toà nhà này dân Hà Nội đặt tên là Hàm Cá Mập. Công trình là sự kết hợp sai giấy phép (nhà xe điện cũ) và không giấy phép (Bách hóa Bờ Hồ).
Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông báo số 64/TB ngày 19-8-1996: “Yêu cầu UBND TP Hà Nội xử lý nghiêm khắc đối với chủ đầu tư công trình này, thiết lập lại kỷ cương quản lý xây dựng thành phố, buộc chủ đầu tư phải sửa kiến trúc công trình (về hình khối và chiều cao cho phù hợp với cảnh quan chung). Xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật nếu thấy cần thiết để đề cao kỷ cương trật tự”.
Thế mà hai năm sau nó vẫn ngang nhiên nhe răng nằm đó không hề hấn gì! Thế rồi ông kiến trúc sư trưởng thành phố lại dẫn: … có ý kiến cảnh báo không khéo sửa Cá Mập thành Cá Sấu. Cái mặt đã méo thì sẽ khó mà sửa thành tròn được…
Còn trong kiến trúc mà nói, bất kỳ sự phê phán nào cũng có thể là vội vàng, bởi vì khi tháp Eiffel được xây dựng, ngay từ đầu có ý kiến cho rằng đây là con quỷ hù dọa Paris, nhưng hôm nay nó trở thành kỳ quan thế giới.
Như vậy chắc cứ để tòa nhà Hàm Cá Mập tồn tại rồi nay mai chắc sẽ trở thành kỳ quan thế giới! Nhưng cuối cùng nó cũng đã được cải tạo lại trông cũng đỡ ghê hơn.
Vụ thứ ba đã được dẹp bỏ từ trong trứng nước. Đó là dự án liên doanh giữa Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch tại khuôn viên 16 Lê Thái Tổ.
Tháng 3-1996, người ta định xây dựng ở đây toà nhà 4 tầng, cao 16 m với diện tích 762,7 m2, áp sát chân tượng vua Lê - Di tích Lịch sử Quốc gia.
Tôi và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ phản đối dự án này. Công luận đồng tình. Cuối cùng dự án được dẹp bỏ.
Nhờ thế mà khu tưởng niệm vua Lê trở nên thoáng đãng và được tôn tạo tháng 9-2000 để chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
Vụ thứ tư, tiếp sau dự án về toà nhà 16 Lê Thái Tổ, là dự án Khách sạn Hà Nội Vàng, một công trình nếu thực hiện sẽ đè nát không gian kiến trúc Hồ Gươm, gây nên phản ứng mạnh mẽ nhất, được báo chí ghi nhận là sự kiện thứ sáu trong 10 sự kiện văn hóa và báo chí năm 1996 với 103 bài báo.
Sang năm 1997 còn có thêm 39 bài nữa về dự án này, nâng lên tổng số 143 bài. Có lẽ đây là kỷ lục về một sự kiện mà báo chí đồng loạt lên tiếng.
Sau gần 10 năm, từ liên doanh lòng vòng với các nhà đầu tư nước ngoài, sau cùng lại quay về Công ty Bảo hiểm Hà Nội và Vietcombank đến nay đã làm xong cũng tạm chấp nhận được.
Vụ thứ năm, dự án cải tạo khu vực số nhà 69 Đinh Tiên Hoàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại được Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội bật đèn xanh, trên diện tích 14.772 m2 án ngữ 3 mặt phố lớn (Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ).
Mặt đứng nhìn ra Hồ Gươm là một khối kiến trúc dày đặc, nặng nề, dài 105 m (dài gấp vài lần toà nhà bưu điện), mặt ngoài cao 5 tầng (21 m), mặt trong giáp phố Lý Thái Tổ, chồng cao thêm 8 tầng, tính từ mặt đất thì cao tới 54 m, toàn bằng kính, dưới đất là 5 tầng hầm.
Dự án phải hủy bỏ vì vi phạm quá thô bạo đối với văn hóa Hồ Gươm.
Đây là vụ thứ sáu, dự án Trung tâm thương mại khách sạn văn phòng cho thuê số 10 phố Trần Nguyên Hãn và số 27-29 phố Lý Thái Tổ.
Hãy dừng lại. Đừng đè thêm lên không gian văn hóa Hồ Gươm.
Hà Đình Đức
Hội Di sản Văn hóa Việt Nam