Lục bát có phải là thơ thuần Việt?

Lục bát có phải là thơ thuần Việt?
TP - Mãi đến hôm nay, đa số người vẫn còn nghĩ lục bát là thuần Việt, “bản sắc độc đáo riêng của người Việt”.

Có riêng một cõi đâu mô! Lối gieo vần kiểu lục bát, song thất lục bát là truyền thống chung Đông Nam Á chứ đâu riêng gì Việt. Ngôn ngữ mỗi dân tộc có cấu trúc mỗi khác (đa âm/ đơn âm tiết là một trong những) từ đó cô nàng lục bát có lối đi yểu điệu thục nữ mỗi lúc mỗi nơi mỗi khác, thế thôi! Lục bát Chăm với tên gọi ariya cũng vậy, so với Việt đã có sự sai lệch nhất định.

Lục bát có phải là thơ thuần Việt? ảnh 1

Cho dù đến nay chưa có tài liệu nào xác minh thời điểm ra đời của lục bát Chăm. Thế nhưng ngay từ cuối thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XVII được ghi nhận là thời điểm ra đời của sử thi Akayet Dewa Mưno, lục bát Chăm đã có mặt.

Và trước đó nữa, trong ca dao Chăm, lục bát là thể thơ được độc quyền sử dụng, đủ thấy lục bát Chăm đã có mặt sớm như thế nào rồi. Tiếng Chăm đa âm tiết nên lục bát khi thì gieo vần theo lối đếm âm tiết, khi thì theo dạng nuốt âm - là điều lục bát Việt không có.

Còn việc lục bát Chăm gieo vần lưng, chữ thứ sáu dòng lục hiệp với chữ thứ tư dòng bát, thì ta đã thấy xuất hiện trong lối gieo vần xưa trong ca dao Việt:

 Thei mai mưng deh thei o

Drơh phik kơu lo yaum sa urang

 Kiểu như:

 Trèo lên cây bưởi hái hoa

 Bước xuống vườn hái nụ tầm xuân

Chăm còn gieo cả vần bằng lẫn vần trắc nữa, rất linh hoạt. Hiện tượng này dù hiếm nhưng không phải không từng xuất hiện trong thơ ca dân gian Việt:

 Tò vò mà nuôi con nhện

 Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi

                                            (Ca dao)

Ngoài các kiểu lục bát kể trên, Chăm còn có thể pauh catwai (biến thể từ ariya) mà mỗi cặp lục bát đều đứng biệt lập như một bài thơ hoàn chỉnh với đầy đủ ý nghĩa, được kết nối liên hoàn đến cả mấy trăm câu mà vẫn thống nhất qua giọng điệu.

Lục bát Chăm và Việt, dù chưa thể khẳng định được ai có trước ai có sau, nhưng điều chắc chắn là có sự ảnh hưởng và tác động qua lại. Học tập lẫn nhau. Như giới làm thơ Chăm và chục năm qua đã học làm thơ theo thể lục bát thuần Việt: chỉ gieo vần bằng và hiệp vần ở chữ thứ 6 dòng bát. Không hay sao?

MỚI - NÓNG