Đại sứ Tôn Quốc Tường:

Gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi

Gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi
TP - Sáng 6-1, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường nói rằng năm 2010 là năm rất quan trọng đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi ảnh 1

Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường tại cuộc họp báo sáng 6-1 - Ảnh: Đ.P

Phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội về chủ đề làm sao tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm năm 2010 là năm hữu nghị Việt - Trung, ông Tôn Quốc Tường nói năm hữu nghị Việt - Trung được lãnh đạo cấp cao hai nước lựa chọn để không ngừng thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Đại sứ nói là hai nước láng giềng,  hai nước có 100 lý do để hợp tác phát triển. Đảng, Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, bao giờ cũng đặt quan hệ với Việt Nam ở vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Trong năm 2010 sẽ có nhiều hoạt động năm hữu nghị Việt - Trung diễn ra trên ba nhóm lĩnh vực: Chính trị; Kinh tế, thương mại; Văn hóa nhân văn...

Đại sứ Tôn Quốc Tường đã trả lời câu hỏi của các phóng viên Việt Nam và Trung Quốc.

Tuổi trẻ: Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông như thế nào?

Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em. Cũng như quan hệ với nhiều nước khác, quan hệ song phương chắc chắn phụ thuộc vào nhiều vấn đề.

Tôi thường nói với các nhà lãnh đạo và các bạn Việt Nam rằng trong gia đình, vợ chồng cũng có lúc cãi nhau. Đây là vấn đề giữa hai nước anh em chúng ta. Làm thế nào để giải quyết được vấn đề đó?

Đây là một thách thức đòi hỏi phải có thiện chí, trí tuệ và khả năng để giải quyết vấn đề này. Nếu có điều kiện chín muồi hai bên giải quyết được vấn đề đó thì chắc chắn thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước.

Nếu điều kiện chưa chín muồi và hai bên để vấn đề này cản trở quan hệ hai nước thì điều hai bên cần phải làm và nên làm là gác lại vấn đề đó.

Trong quan hệ hai nước có nhiều công việc cần hai bên nỗ lực, nhiều vấn đề hợp tác cần được tiến hành. Trong khi chúng ta phát triển quan hệ hai nước và đang chờ điều kiện chín muồi thì hai bên sẽ giải quyết vấn đề này tốt hơn và cũng sẽ đưa ra phương án giải quyết hợp lý hơn nữa.

Trong quan hệ hai nước có ba vấn đề do lịch sử để lại: Phân định biên giới trên đất liền; Phân định Vịnh Bắc Bộ; và vấn đề trên biển. Bây giờ chúng ta đã cố gắng giải quyết hai vấn đề đầu tiên, nay chỉ còn lại vấn đề Nam Hải (Biển Đông - PV)...

Hai bên đã thiết lập cơ chế đàm phán vấn đề trên biển. Bây giờ đang thực hiện nhận thức chung của cấp cao hai nước thúc đẩy quá trình đàm phán.

Gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi ảnh 2

Kiểm tra sức khỏe cho ngư dân Trung Quốc Ngô Phủ Lý - được ngư dân đảo Lý Sơn cứu trong cơn bão xảy ra tháng 4-2008 - Ảnh: Văn Chương

Giải quyết tranh chấp này tôi nghĩ hai bên cần xuất phát từ toàn cục, đại cục, lợi ích căn bản của nhân dân hai nước và tạm gác lại tranh chấp đó, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường thuận lợi của quan hệ hai nước. Tôi nghĩ đây mới là cách làm phù hợp nhất.

Vietnamnet: Đâu là thuận lợi và khó khăn trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên biển?

Tôi nghĩ đây là vấn đề nổi cộm trong quan hệ hai nước. Hai bên đã thiết lập cơ chế đàm phán và đang tiến hành thuận lợi.

Về thuận lợi, hai nước đều là nước XHCN do hai Đảng Cộng sản lãnh đạo nên không có vấn đề nào tồn tại mà không thể giải quyết được. Nhiệm vụ quan trọng ưu tiên của hai nước chúng ta bây giờ là tiến hành công cuộc đổi mới cũng như công cuộc cải cách mở cửa làm thế nào phát triển được sự nghiệp XHCN ở hai nước và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Hơn nữa, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần đạt được những nhận thức chung hết sức quan trọng đó là không để cho vấn đề Nam Hải (Biển Đông - PV) ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định lâu dài bình thường của quan hệ hai nước. Tôi nghĩ những vấn đề nói trên là mặt thuận lợi.

Chắc chắn còn những mặt không thuận lợi. Vấn đề lãnh thổ bao giờ cũng là vấn đề phức tạp và khó khăn. Lập trường và quan điểm giữa hai bên chắc chắn là sẽ khác nhau nhiều. Quan trọng nhất là làm thế nào đối xử với các vấn đề tranh chấp và vấn đề quan điểm khác nhau.

Cho nên lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến mang tính xây dựng đó là gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác. Ý nghĩa của nó là không nhắc đến vấn đề tranh chấp mà hai bên có thể cùng nhau tiến hành hoạt động và phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của hai nước chúng ta. Bởi vì lợi ích đó là hai bên cùng có lợi hai bên cùng chia sẻ.

Trước khi vấn đề này có điều kiện giải quyết, sáng kiến đó có lẽ là con đường thiết thực để hai bên thực hiện. Về vấn đề này, chúng tôi đang cố  gắng tiếp xúc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để thúc đẩy.

Tiền Phong: Ở Việt Nam có nhiều thế hệ rất quí trọng tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc. Họ là những người luôn hết lòng vun đắp cho tình hữu nghị đó. Trong con mắt của đa số nhân dân Việt Nam họ coi Trung Quốc là anh, Việt Nam là em.

Những gì xảy ra trong tranh chấp ở Biển Đông thời gian qua, có những việc như Đại sứ vừa nói là không thể tránh khỏi, nhưng trong cách hành xử của phía Trung Quốc đối với các ngư dân Việt Nam vừa qua không thực sự là nhân đạo, không được đàn anh cho lắm.

Điều đó làm đau lòng những người quí trọng tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc. Đại sứ bình luận gì về điều đó?

Tôi cũng rất cám ơn bạn vừa nêu hai vấn đề hết sức thẳng thắn. Thông tin đăng trên báo chí có một số là sự thật, có một số không phải là sự thật.

Tôi phải nói rằng Trung Quốc luôn luôn đối xử với vấn đề này hết sức có trách nhiệm. Mỗi khi các đồng chí Việt Nam nêu ra vấn đề này chúng tôi đều đã xác minh và kiểm tra lại ngay lập tức. Nhưng kết quả xác minh của chúng tôi khác với kết quả của phía Việt Nam.

Ví dụ, một số báo chí đã đưa tin rằng phía Trung Quốc đối xử không nhân đạo với ngư dân Việt Nam. Chúng tôi đã tiến hành xác minh rất nghiêm túc nhưng kết quả cho thấy đó không phải là sự thật.

Ví dụ, có lần phía Việt Nam can thiệp với phía Trung Quốc rằng Trung Quốc thu giữ công cụ đánh bắt cá cũng như hải sản của ngư dân Việt Nam. Sau khi xác minh thấy phía Trung Quốc chỉ đuổi những tàu cá đó ra khỏi lãnh hải Trung Quốc chứ không có hành vi tiếp xúc với ngư dân Việt Nam.

Tôi cũng thắc mắc rằng nếu không tiếp xúc làm thế nào có thể thu giữ được đồ đạc của ngư dân Việt Nam.

Khi tàu cá của Việt Nam đi tránh gió tại những cảng không phải cho tránh gió ở phía Trung Quốc, chúng tôi đối xử rất nhân đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho họ cập cảng. Nhưng sau khi họ ra khỏi cảng lại chỉ trích phía Trung Quốc rằng chúng tôi đối xử không nhân đạo. Thế là làm đau lòng cho những cơ quan hữu trách của  phía Trung Quốc.

Sau khi những việc này xảy ra chúng tôi đã trao đổi riêng với phía Việt Nam. Chúng tôi có nhận thức rằng không nên đưa tin về những việc xấu như thế này.

Các bạn phóng viên của Việt Nam nên kiểm tra lại rằng ở phía Trung Quốc, báo chí không đưa tin về tranh chấp trên biển, tranh chấp nghề cá. Chúng tôi luôn xuất phát từ đại cục, tuy rằng chúng tôi có lý nhưng chúng tôi không đưa tin.

MỚI - NÓNG