Giọt mưa sa...

Giọt mưa sa...
TP - Lấy chồng Hàn - câu chuyện diễn ra hơn cả chục năm nay, nhưng loạt bài thâm nhập vào đường dây dự tuyển lấy chồng Hàn của một nữ phóng viên Tiền Phong một lần nữa gợi cho người đọc nhiều nghĩ suy.

Phải chăng các cô gái vì gia đình nghèo túng, vì chán cảnh chân lấm tay bùn nên mới mơ được sánh vai cùng anh Hawn, anh Lee, anh Park...? Chợt giật mình tự hỏi duyên do từ đâu, rồi lại tự trả lời có lẽ do thời cuộc cũng như do từ những sự va đập của sự hội nhập mở cửa. Đó là một sự đương nhiên.

Cái cung ấy, cái cầu ấy, nó đang tồn tại cụ thể, mà tồn tại là chân lý, cái không phủ nhận. Nhìn nhận hiện trạng này với góc nhìn nào, đó lại là một cách chọn điểm đứng của người trong và ngoài cuộc. Phê phán và cổ súy lúc này đều là hai cách luận cực đoan.

Tĩnh tâm để suy ngẫm sự việc không mới này, thấy hé lộ vấn đề biện chứng của nó là khách quan và chủ quan.

Những rủi ro mà những người con gái thôn quê gặp phải khi thân gái dặm trường, đánh cược cuộc đời “thân em như giọt mưa sa” ai đã chuyển tải đến cho họ.

Những kỹ năng sống, những sự ứng biến tối thiểu trước những lời mật ngọt của các bà mối ai giúp họ kiểm chứng, họ tìm chồng theo “bản năng gốc” có được tổ chức nào truyền thông cho khỏi trật đường ray pháp luật?...

Vùng xa ấy, vùng sâu ấy nghiệp mưu sinh manh áo, miếng cơm luôn câu thúc, thì khó làm sao để được đến lớp chứ chưa nói đến việc được hưởng những kỹ năng sống của cuộc sống hiện đại.

Bao người con gái thôn quê lớn lên như hạt lúa củ khoai, hồn hậu, chân chất và mộc mạc. Mảnh ruộng và lũy tre làng như không thể làm hại được họ. Bản năng tự vệ vốn có như không được rèn giũa, nên nó khó ứng biến trước những cạm bẫy dày đặc của cuộc sống xô bồ và gấp gáp.

Sa chân vào những trò lừa đảo, vào những tổ quỷ như là hệ quả đương nhiên, khó tránh của những thôn nữ muốn tự làm mới mình, muốn hướng ngoại, muốn đổi thay.

Xa xót chăng sau lũy  tre làng vẫn còn những cô gái đang tự cứu rỗi cuộc đời mình, tự quẫy đạp khỏi sự nghèo túng bằng cách hy sinh phẩm giá, sắp hàng cho những người đàn ông đã hai đời vợ, có kẻ đáng tuổi cha chú mình, nhiều kẻ đã có tiền sự điểm danh tuyển vợ?

Rồi nữa, cha mẹ của các cô, hoặc làm ngơ hoặc khuyến khích con gái làm điều đó để có cơ đổi đời. Chẳng lẽ không còn cách nào khác?

Năm 1936, khi viết lời tựa cho thiên phóng sự “Kỹ nghệ lấy Tây” (Vũ Trọng Phụng), Lãng Nhân Phùng Tất Đắc viết: “Nước ta hiện đương sống một cuộc đời biến đổi lạ lùng, có một không hai trong lịch sử. Chỉ trong vòng năm mươi năm, bao nhiêu lề thói, bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu hình dạng của bốn nghìn năm phải phá hủy hết...”.

Trong buổi ồ ạt của bao luồng văn hóa đang thổi vào như ngày nay, những cuộc hôn nhân không tình yêu, vì những lý do ngoài tình cảm, ngoài hiểu biết khả dĩ về văn hoá phong tục âu là một minh chứng cho sự đảo lộn văn hoá truyền thống vậy. 

MỚI - NÓNG
Tuyển futsal nữ Việt Nam hủy diệt Indonesia
Tuyển futsal nữ Việt Nam hủy diệt Indonesia
TPO - Đã không có bất ngờ nào trong trận đấu giữa tuyển nữ futsal Việt Nam và Indonesia. Với trình độ vượt trội, các học trò của HLV Trần Đình Hoàng khiến đối thủ tối tăm mặt mũi và ra về với chiến thắng 5-0.