Chuẩn bị và khởi động
Chả phải đột ngột và bỗng dưng việc sắm laptop cho các ĐBQH. Từ nhiều năm trước, dường như chiến lược phải nhắm tới trong một thời gian không xa là các ĐBQH từ bán chuyên trách kiêm nhiệm phải tiến tới chuyên trách chuyên nghiệp. Nghề ĐBQH chuyên nghiệp, nghị sĩ chuyên nghiệp, tại sao không? Hiệu quả hoạt động của một cơ quan lập pháp phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của ĐBQH. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược ấy, những bước đi ngắn có tính chiến thuật nhỏ như tiến tới một quốc hội điện tử dù nhỏ dù muộn cũng phải làm...
Năm ngoái, năm kia các vị trưởng phó đoàn ĐBQH ( QH khóa XII có 63 đoàn) đã được phát laptop. Không phải phát suông mà các vị ấy đã được văn phòng QH tổ chức những lớp tập huấn ngắn ngày để làm quen với những thao tác, những nguyên lý cơ bản ứng dụng trong công việc cụ thể. Những điều học được đã phát huy, ứng dụng trên thực tế và chắc chắn mang lại nhiều hiệu quả nên kỳ họp 6 này, Văn phòng QH quyết định trang bị máy tính xách tay cho các ĐBQH.
Bữa họp báo chuẩn bị cho kỳ họp, các nhà báo đã được thông báo rằng Văn phòng QH sẽ tổ chức hướng dẫn đại biểu QH sử dụng một số tiện tích của phương tiện này để trợ giúp cho công việc chuyên môn như việc sử dụng mạng không dây, thư điện tử và phần mềm E-office để gửi, nhận tài liệu. Việc này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, nhất là trong việc in ấn, gửi tài liệu tới đại biểu QH. Đây cũng là một bước góp phần tiến tới QH điện tử.
Sáng 25/10, Hội trường 37 Hùng Vương nổi bật tấm biển với dòng chữ Văn phòng Quốc hội. Lễ bàn giao và hướng dẫn sử dụng máy tính xách tay cho Đại biểu Quốc hội khóa XII. Vì số lượng đông nên các ĐBQH chia thành 2 đợt sáng và chiều để làm thủ tục nhận laptop và được hướng dẫn sử dụng. Tôi loáng thoáng thấy những người giúp việc, thư ký cho nhiều ĐBQH đang đóng những chức vụ quan trọng của quốc gia có mặt.
Chắc các vị ấy bận nên cử anh chị em giúp việc cho mình đến lĩnh máy lẫn lĩnh hội phương thức sử dụng về để báo cáo lại? Rất nhiều ĐBQH khác đã trực tiếp đến hội trường. Thoáng thấy ĐB Nguyễn Lân Dũng cùng với ĐB Dương Trung Quốc ôm bao bì đựng laptop đang hùng dũng tiến ra. Chắc hai vị đã quá quen với thứ phương tiện này nên khỏi cần dự chương trình hướng dẫn? (ĐB Dương Trung Quốc từ lâu đã có Blog riêng).
Tôi đọc trên bao bì đựng laptop: Máy tính xách tay HP Elitebook 2530p. Nước sản xuất Singapore ( nhóm I) Bộ xử lý trung tâm Intel Core 2 DUO ULV... Nhiều thông số cho tới trọng lượng 1, 45kg mỗi máy vv... Nói tóm lại là đầy đủ và hiện đại kèm thời gian bảo hành 2 năm do công ty Tinh Vân nào đó chịu trách nhiệm! Ngó thêm tờ biên bản bàn giao tài sản của Trung tâm tin học QH được biết thêm, giá vận chuyển mỗi máy là 528.000 VNĐ. Nguyên giá của tài sản cố định (laptop) là 29.120.450 VNĐ.
Lễ bàn giao và hướng dẫn laptop cho các ĐBQH khóa XII |
Tôi không rõ trong số ĐBQH, có bao nhiêu phần trăm đã làm quen với loại máy này? Chắc không phải là ít. Nhìn vào danh sách ĐBQH các khóa từ khóa IX tới nay (khóa XII), có thể thấy mặt bằng trình độ của ĐBQH đã tăng lên đáng kể (tạm theo một tiêu chí là bằng cấp): Khóa IX (1992-1997): 395 ĐB, trong đó 222 ĐB tốt nghiệp ĐH hoặc sau ĐH, chiếm tỷ lệ 56,2%.
Khóa IX (1997-2002): 450 ĐB, trong đó 411 người tốt nghiệp ĐH hoặc sau ĐH, chiếm tỷ lệ 91,33%. Khóa XI (2002-2007): 498 ĐB, trong đó 465 người tốt nghiệp ĐH hoặc sau ĐH, chiếm tỷ lệ 93,37%. Khóa XII (2007-2011): 493 ĐB, trong đó 473 người tốt nghiệp ĐH hoặc sau ĐH, chiếm tỷ lệ 95,94%. Biên ra vài thông tin (nguồn Văn phòng QH) để thấy tính khả thi và cấp bách của việc ĐBQH sử dụng laptop.
Bữa mới đây, khi đứng với ông Vũ Văn Ninh (ĐBQH Nam Định) ông cho biết, từ khi ở Việt Nam có laptop thì ông đã có và sử dụng thành thạo. Chiếc laptop từng theo ông ở tất cả các ngạch bậc của ngành tài chính và với cương vị Bộ trưởng Tài chính hiện nay, ông nói không thể thiếu nó trong quá trình điều hành công việc lẫn sinh hoạt.
Ông Bộ trưởng có 2 laptop, tại cơ quan và mang theo người. Ông nói vừa qua đi công tác nước ngoài, ông đã thay cái cũ bằng loại thế hệ mới với nhiều chức năng tiện dụng. Qua ông được biết thêm, những buổi giao ban của Chính phủ, nhiều thành viên Chính phủ đều sử dụng thành thạo laptop để phục vụ cho công việc của mình. Ông bộc bạch mong ước trong một thời gian ngắn ngành tài chính sẽ sử dụng hệ thống tài chính điện tử để điều hành công việc mang lại rất nhiều tiện ích.
Chuyện cùng ông mới biết thêm rằng chi phí laptop cho mỗi ĐBQH từ nguồn ngân sách cấp ( thử nhẩm tính, giá mỗi laptop như thế nhân với 493 ĐB thì so với chi phí mỗi kỳ họp là rất bình thường và có lẽ chả thấm gì so với niềm tin cử tri cả nước đã đang và sẽ trông mong vào họ!) Ông Bộ trưởng cũng sòng phẳng, nếu ĐB nào đã được cấp trước đây hoặc đã được cơ quan trang bị thì nên thôi hoặc hết nhiệm kỳ khóa XII thì nên trả lại cho QH!
Ngó những gương mặt măng tơ của những chàng trai bận áo màu sẫm lấp lánh dòng chữ vàng BkavPro thuộc Trung tâm an ninh mạng, len lỏi trong hội trường sà xuống bên những mái đầu trắng cước của nhiều ĐBQH tận tình hướng dẫn phần mềm diệt virus cho các nghị sĩ thấy dậy lên những cảm giác ấm áp.
Con hơn cha nhà có phúc (ấy là chỉ riêng về lãnh vực CNTT này thôi!) Đợi cho ông YaDuck ĐBQH người dân tộc K’ Ho, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Lâm Đồng đóng máy, thoáng thấy những giọt mồ hôi rịn trên vầng trán nâu bóng của vị nghị sĩ tuổi đã thất tuần trong hội trường mát lạnh, biết ông vừa qua một đợt sát hạch có lẽ cũng khá căng.
Nhưng cái cười cởi mở kèm chất giọng mộc mạc chân tình thì chứng tỏ chủ nhân của chiếc laptop mới tinh kia đang rất hài lòng cảm ơn Đảng cảm ơn QH, từ nay tôi khỏi phải mang vác tài liệu, được cập nhật thông tin hàng ngày với QH cho dù mình ở xa, lại được đọc các loại báo thoải mái...
Quay sang phía một màn hình đang hắt xanh lên sắc nâu của chiếc áo cà sa, đó là hòa thượng Thích Minh Tiến, thư ký cụ ĐBQH Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng có trách nhiệm đến lĩnh máy và về bạch lại với Thượng tọa cách sử dụng. Cũng được biết thêm tại chùa Quán Sứ, nơi trụ trì của Thượng tọa đã nối mạng, chắc Thượng tọa làm quen nhanh với việc sử dụng laptop!
Cuối buổi sáng, tôi nán lại một chút với một nhân viên trẻ măng có tên là Trần Xuân Nguyên. Nguyên hồ hởi cho hay, các ĐBQH hầu hết tiếp thu khá nhanh ba việc mà các anh phải có trách nhiệm hướng dẫn. Nguyên lý sử dụng, vào mạng không dây (WiFi) thư điện tử và phần mềm E-office để gửi, nhận tài liệu.
Rồi đây, trong mỗi laptop của các nghị sĩ ta, chắc không chỉ có những văn bản dự án Luật và những dữ liệu thông dụng mà còn nhiều những tài liệu với cấp độ Mật này khác thuộc tầm cỡ quốc gia...
Tiện ích và… Quốc hội điện tử
Trong kỳ họp thứ 6 này ít nhất có hơn 40 văn bản. Mà mỗi văn bản như thế thường ít nhất hơn mười trang chả hạn như báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2009 của Chính phủ trình trước QH đã hơn 20 trang khổ A4)
Tôi thử cầm một dự án luật có tên là Luật người cao tuổi sẽ trình trong kỳ họp này, chưa biết bao nhiêu trang với những phụ lục này khác không rõ nhưng tròm trèm gần trọng lượng của một cái laptop. Tiện tay tôi thử bê 5 dự án Luật luật khám chữa bệnh, Viễn thông , Tần số vô tuyến điện, Dân quân tự vệ (dứt khoát phải được thông qua trong kỳ họp này) thì trọng lượng có tới hơn nửa yến! Mà kỳ họp này đâu như hơn 10 Dự Luật phải được thông qua.
Chưa kể một số Luật khác trình QH cho ý kiến. Mà đã trình thì các ĐBQH dứt khoát phải có trong tay những dự án Luật ấy. Nếu chiếc cặp mà các đại biểu QH vẫn thường sử dụng từ đầu khóa XII đến giờ, dẫu có bệ vệ hoành tráng thì cũng chỉ chứa được khoảng vài dự luật là hết. Vậy nên tiện lợi lắm thay những văn bản những dự luật ấy không phải in (nội số trang kể ra thì các phụ huynh của các trò tiểu học trung học hơi bị sốt ruột!) mà được truyền thẳng đến từng laptop của mỗi nghị sĩ!
Tôi hơi băn khoăn hiện QH đang phải họp tại nhà tạm là hội trường của Bộ Quốc Phòng, chỗ ngồi họp cũng chưa được khang trang nhất là vị trí khoảng bàn trước mặt tóm lại là còn chật thì các ĐB để cái laptop ở vị trí nào? Lại nữa, dám chắc không ít ĐB trong quá trình nghiên cứu tài liệu có thói quen đọc văn bản bằng giấy rồi bây giờ thay đổi phản xạ đó kể cũng là nhiêu khê lẫn dũng cảm để tạo thói quen làm việc mới? Nhưng biết làm sao, thời thế đổi thay vả lại các ĐB cũng phải tiên phong để tiến tới một quốc hội điện tử cơ mà?
Khi ngó qua danh sách tài khoản (tạm hiểu là Email) của tất cả các ĐBQH ở 63 Đoàn, tất cả đuôi email ấy, sau chữ @ đều ghi qh.gov.vn. Có người giải thích với tôi rằng đó là tài khoản chỉ dành cho các ĐBQH trong mỗi kỳ họp. Tức là chỉ mỗi khi Quốc hội họp toàn thể hai lần/năm ở hội trường? Chợt mạo muội nghĩ thêm, tại sao không nếu như tất cả các ĐBQH đều công khai tài khoản - email mà họ vẫn thường xuyên sử dụng một cách rộng rãi cho cử tri biết?
Việc ngày càng dày lên sự kết nối giữa cử tri và ĐBQH bằng hình thức sử dụng email sẽ khiến sợi dây nối liền cử tri với các ĐBQH sẽ thêm được bền chặt khăng khít. Chức năng giám sát của ĐBQH ngày một tăng cường... Có lẽ đó cũng là phương tiện hữu hiệu để chúng ta thực hiện một xã hội điện tử trong một xã hội dân sự đặng hòa nhập tự nhiên với nhân loại?
Có lẽ khi sắm laptop cho các ĐBQH, Văn phòng QH cũng đã tính đến sự nhất cử nhiều lưỡng tiện trong đó có việc khắc phục những sự phàn nàn của cử tri về chất lượng hoạt động của ĐBQH?
Thu 2009