QH thảo luận tình hình kinh tế - xã hội:

Lãng phí nhiều, lo ngại lớn

Lãng phí nhiều, lo ngại lớn
TP - Hôm qua, Quốc hội dành trọn cả ngày để thảo luận về tình hình KT-XH 2009, kế hoạch 2010. Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, nhưng một số đại biểu cũng lo ngại về tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô khi bội chi ngân sách tăng cao, lãng phí nhiều nơi.

Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) đặt vấn đề, phải chăng Chính phủ đã bốc thuốc quá liều cho nền kinh tế dẫn đến bội chi ngân sách ở mức cao kỷ lục so với những năm qua. Chưa khi nào bội chi ngân sách vượt quá xa so với tốc độ tăng trưởng như năm nay.

“Đành rằng cần tăng chi để chống suy thoái kinh tế, nhưng tăng chi quá mức cần thiết nên hiệu quả kém, thể hiện là chỉ số ICOR (chỉ số phản ánh hiệu quả đầu tư) trên 8, cao nhất trong khu vực” - Ông Việt nói.

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) đồng tình, chất lượng tăng trưởng đã và đang trở thành thách thức lớn.

Điều đáng lưu ý là đầu tư của Nhà nước ngày càng lớn nhưng lại phân tán, dàn trải cho quá nhiều chương trình, dự án. Trong khi đó, đầu tư vào các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại lại chưa có hoặc không đáng kể.

Nếu tiếp tục tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác các ngành có lợi thế về tài nguyên và lao động có trình độ thấp thì “không những không tăng trưởng bền vững như chúng ta mong muốn mà còn có nguy cơ triệt tiêu những thành quả chúng ta đã đạt được” - Ông Dũng nói. 

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) bày tỏ, tình trạng lãng phí trong đầu tư vẫn diễn ra trong bối cảnh nguồn đầu tư hạn hẹp.

“Chúng ta mua một con tàu trên 1.000 tỷ đồng để chở khách du lịch. Tàu chưa chạy được bao lâu đã hỏng, vậy mà lại chuẩn bị mua tiếp chiếc nữa. Việt Nam có mấy ai đi du lịch trên biển đâu, họ đi máy bay, tàu hỏa tiện hơn nhiều nhưng chúng ta vẫn mua cho nên rất lãng phí” - Ông Thanh nói.

Nuông chiều tập đoàn

Theo đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), chúng ta đã quá nuông chiều các tập đoàn, tổng Cty nhà nước. Khi khó khăn thì Nhà nước chìa tay ra hỗ trợ. Đến khi doanh nghiệp lãi lớn thì không có sự phân phối lại cho xã hội. Nhiều ngành khoán chi hậu hĩnh tạo ra sự đặc quyền, đặc lợi. Lương một ông giám đốc bảo hiểm xã hội huyện cao hơn lương chủ tịch huyện.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, chính sách của chúng ta còn những lỗ hổng lớn. Điển hình là việc mua sắm trang thiết bị y tế bằng vốn trái phiếu Chính phủ.

Cơ sở khám chữa bệnh được cấp vốn mua phương tiện, nhưng họ lại không được quyền quyết định mua loại nào cho phù hợp với cơ sở mình. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào hội đồng đấu giá cấp trên nên đã xảy ra tình trạng dở khóc, dở cười cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Máy họ đang sử dụng tuy cũ nhưng vẫn hoạt động tốt. Nay nhờ trái phiếu Chính phủ họ phải thay máy cũ bằng máy mới nhưng lại lỗi thời. Có trường hợp thay máy siêu âm màu bằng siêu âm đen trắng.

“Thực trạng trên đang làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây thiệt hại cho người bệnh, gây khó khăn cho cán bộ y tế, nhưng mang lại lợi nhuận kếch sù cho các nhà cung cấp thiết bị. Vì nếu không nhờ trái phiếu Chính phủ có lẽ hàng của họ phải xếp vào loại cần thanh lý” - Ông Thường nói.

Nhiều đại biểu cũng lo ngại những chính sách đối với nông dân không đồng bộ, không đi vào cuộc sống. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường thẳng thắn: Nông dân chưa hài lòng với việc tổ chức thực hiện một số chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ông Cường dẫn chứng việc Thủ tướng chỉ đạo nông dân sản xuất lúa gạo phải có lãi ít nhất 30 phần trăm, tuy nhiên, thực tế vụ hè thu vừa qua thì nông dân không có lãi. Ngoài ra, năm nay khả năng chúng ta xuất khẩu được 6 triệu tấn gạo nhưng đó chỉ là số lượng, còn giá trị thì rất thấp, bởi vì giá bán thấp.

“Nhiều người cho rằng giá gạo Việt Nam thấp nhất thế giới, mà bán thấp thì không thể mua giá cao cho nông dân được. Tôi đề nghị Chính phủ xem xét cho thành lập quỹ hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo xuất khẩu, để có điều kiện hỗ trợ hoặc tái đầu tư trở lại cho nông dân và nông thôn ở những vùng sản xuất lúa hàng hóa” - Ông Cường nói. 

Lãng phí nhiều, lo ngại lớn ảnh 1
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu:

Sai phạm trong kích cầu là nỗi nhục của cán bộ ngân hàng

Trả lời báo chí về sai phạm trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất kích cầu tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, đã ngay lập tức yêu cầu Ngân hàng  Ngoại thương Việt Nam báo cáo rõ sự việc.

Thống đốc nói:

“Tại tất cả các hội nghị triển khai tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt, chính sách gì có ưu đãi sẽ tác động đến đạo đức. Tôi đã nhiều lần nhắc anh em không được vi phạm đạo đức.

Nếu vi phạm đạo đức bị pháp luật xử lý thì đây là nỗi nhục nhã của mỗi cán bộ công chức và gia đình. Nhà nước đang giải cứu nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn mà mình đi làm như thế thì không được”.

Lãng phí nhiều, lo ngại lớn ảnh 2

 Bộ trưởng Bộ GT&VT Hồ Nghĩa Dũng

Bộ trưởng Bộ GT&VT Hồ Nghĩa Dũng:

Mua tàu là quyền của Vinashin

Về việc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mua tàu nghìn tỷ nhưng để nằm bờ, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết:

Đây là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Họ mua tàu kết hợp hai nội dung là kinh doanh du lịch và vận chuyển ô tô bằng đường biển.

Đây là quyền đầu tư, tự do kinh doanh của doanh nghiệp chứ không nằm trong dự án quản lý mà Nhà nước phải quyết định. 

Hà Nhân
ghi

MỚI - NÓNG