Bão số 9 :

113 người chết và mất tích, thiệt hại trên 10.000 tỉ đồng

113 người chết và mất tích, thiệt hại trên 10.000 tỉ đồng
TPO - Thống kê sơ bộ từ các địa phương cho thấy, số người thiệt mạng vì bão số 9 lên đến 99 người, 14 người khác mất tích. Thiệt hại ước tính lên tới trên 10.000 tỉ đồng.
113 người chết và mất tích, thiệt hại trên 10.000 tỉ đồng ảnh 1
Làng mạc miền Trung (Quảng Nam) ngập chìm trong lũ dữ. Ảnh: Nam Cường (chụp từ máy bay trực thăng)

Đến ngày 2/10, có 14 địa phương thông báo số người thiệt mạng với tổng số lên tới 99 người, trong đó 31 người chết do bị lũ cuốn trôi, 3 người chết do lật, chìm thuyền, 5 người chết do sập nhà, 6 người bị điện giật, cây đè, đất đá vùi lấp, 2 người chết trong lúc đang đi cứu nạn, cứu hộ, 3 bệnh nhân chết do không chuyển viện được, 49 người chết do các nguyên nhân khác và chưa xác định.

Số người mất tích tại các địa phương cũng lên tới 14 người, trong đó Quảng Bình 1 người; Quảng Trị 2 người; Thừa Thiên Huế 2 người; Đà Nẵng 1 người; Quảng Ngãi 3 người; Phú Yên 3 người; Kon Tum 2 người. Có tổng cộng 252 người bị thương.

Theo ước tính của các địa phương tổng thiệt hại do bão số 9 gây ra đã lên tới 10.484 tỉ đồng.  Quãng Ngãi là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 4.600 tỉ đồng, kế đến là Quảng Nam với 3.500 tỉ đồng. Tỉnh Quảng Trị cho biết bị thiệt hại 909 tỉ đồng, Thừa Thiên – Huế 343 tỉ đồng, Đà Nẵng 495 tỉ đồng, Kon Tum 307 tỉ đồng, Đắc Lắc 130,67 tỉ đồng, Bình Định 115 tỉ đồng...

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão, lụt

Tại cuộc họp ngày 1/10, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh bị thiệt hại 10.000 tấn gạo, 460 tỷ đồng cùng với thuốc khử trùng nước, thuốc khử trùng môi trường.

Tỉnh Quảng Trị đã cấp 8.000 thùng mì ăn liền, 50 cơ số thuốc và 500 kg hoá chất xử lý nước sinh hoạt về 9 huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ nhân dân. Tỉnh Thừa Thiên  - Huế, UBND tỉnh đã xuất 90 tấn mỳ tôm dự trữ hỗ trợ 8 huyện và thành phố Huế, mỗi đơn vị 10 tấn. Các huyện, thành phố phát động toàn dân tổng vệ sinh môi trường theo phương châm “nước xuống đến đâu, làm vệ sinh đến đó”.

Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cho nhân dân về lại nơi cư trú ban đầu đảm bảo an toàn; tổ chức cứu chữa người bị thương, chôn cất người bị chết; tập trung sửa chữa, dựng lại nhà cửa, trường học, trạm xá, các cơ sở hạ tầng kinh tế bị hư hỏng; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, sớm ổn định tình hình đời sống cho nhân dân.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng hoãn toàn bộ các cuộc họp chưa cấp thiết từ ngày 30/9 đến 4/10 để tập trung phòng chống và khắc phục bão lũ. Lãnh đạo tỉnh cũng phân công các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp tại các huyện, thành phố.  Tổng huy động các lực lượng hỗ trợ giúp dân khắc phục nhà cửa, trường học bị hư hại, vệ sinh môi trường.

Tỉnh Quảng Ngãi quyết định xuất 10 tỷ đồng kinh phí dự phòng năm 2009 còn lại của tỉnh để phân bổ cho các địa phương triển khai các biện pháp khắc phục về dân sinh. Tỉnh Quảng Ngãi cũng xin cấp hỗ trợ trực tiếp hơn 11.000 thùng mỳ tôm cho nhân dân vùng bị ngập nước và bị cô lập.

Kon Tum: Trẻ em vùng lũ không có Trung Thu

Tổ dân phố 1, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, nơi bị thiệt hại nặng trong trận lũ vừa qua đang gồng mình khắc phục hậu quả.

Trong hai ngày 1 và 2/10, hàng trăm chiến sĩ thuộc Sư đoàn 10 và thanh niên tình nguyện cùng nhân dân tại chỗ tích cực thu dọn những đống đổ nát, tìm kiếm tài sản còn sót sau lũ.

113 người chết và mất tích, thiệt hại trên 10.000 tỉ đồng ảnh 2
Em A Lực, A Thi, lớp 7 Trường Nguyễn Huệ, TP Kon Tum đang phụ giúp gia đình ở 48 Trương Quang Trọng thu dọn nhà cửa bị sập. Ảnh: Huỳnh Kiên

Ông Phạm Ngọc Hà, Tổ trưởng Tổ dân phố 1, cho biết: Tổ có 90 nhà bị ngập, trong đó, 47 nhà bị sập hoàn toàn. Nhiều gia đình lâm cảnh trắng tay sau lũ.

Về việc tổ chức tết Trung thu cho các cháu, ông Hà buồn bã: “Năm nay, Tổ còn quỹ hơn 500 nghìn, định kêu gọi mọi người đóng góp thêm để tổ chức Trung thu cho gần 300 thiếu nhi trong khu vực thì lũ tràn về. Bây giờ, người dân chúng tôi không còn tâm trạng đâu để lo Trung thu cho các cháu".

"Những gia đình có nhà bị sập đã đi khắp nơi tìm chỗ trú ngụ từ ba ngày nay; số còn lại lo thu dọn nhà cửa. Ngay cả địa điểm dự kiến tổ chức Trung thu cho các cháu cũng đã bị bùn đất lấp đầy” - ông Hà cho biết thêm.

Trước tình hình đó, chiều 2/10, Thành đoàn thành phố Kon Tum tặng 150 suất quà cho các cháu ở tổ dân phố. Song, không ít cháu đã theo gia đình chạy lũ nên không thể nhận món quà Trung thu.

MỚI - NÓNG
Tin vui cho người Việt tự lái ô tô ở nước ngoài
Tin vui cho người Việt tự lái ô tô ở nước ngoài
TPO - Ngoài lệ phí phải nộp ít hơn so với hình thức trực tiếp, người đổi giấy phép lái xe quốc tế online còn tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại khi có thể thực hiện thủ tục và nhận ngay tại nhà. Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp được công nhận tại 85 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước Vienna 1968.