Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên

Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên
TP - Đã có lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự với một số nhà báo rằng: “Cứ mỗi khi nghĩ đến anh Phùng Chí Kiên là tôi lại muốn khóc”.

Thấu hiểu nỗi lòng của Đại tướng, từ đầu năm 2002, một nhà báo tâm huyết đã dày công tìm hiểu thân thế và cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Phùng Chí Kiên.

Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi với đoàn tìm kiếm một phần hài cốt của Liệt sỹ Phùng Chí Kiên

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày bác Phùng Chí Kiên hy sinh (1941), cũng mới chỉ có một số ít bài báo, tài liệu đăng tải với nội dung còn sơ sài, chưa đủ khắc họa chân dung vị tiền bối cách mạng.

Song, dựa trên những tài liệu thu thập được, phát hiện ra rằng hàng chữ “Phùng Chí Kiên - Ủy viên Trung ương Đảng” trên bia mộ của ông trong Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội là chưa chính xác. Nhiều tài liệu khẳng định Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ T.Ư Đảng khóa I (1935).

Như vậy, Phùng Chí Kiên được coi như bậc khai quốc công thần; và cũng chính Phùng Chí Kiên là người đầu tiên chính thức được phong hàm tướng bằng Sắc lệnh 89/SL do Hồ Chủ tịch ký ngày 23/9/1947.

Song, có một bất ngờ tới mức khó hiểu là cho tới tận thời điểm đó (2002), nghĩa là sau 61 năm hy sinh anh dũng, vị tướng đầu tiên của quân đội ta vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ. Vì sao vậy?

Dưới đây, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc một số tư liệu, sự việc, tình tiết còn ít được biết đến trong cuộc đời bi tráng của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên, đồng thời lý giải cho câu hỏi nêu trên.

I - Cuộc truy sát 12 năm có lẻ

Phùng Chí Kiên - cái tên do Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) đặt với ý nghĩa “sự gặp gỡ giữa ý chí và lòng kiên trung” - tên thật là Nguyễn Vỹ, sinh năm Tân Sửu (1901) tại làng Mỹ Quan Thượng, Tổng Vạn Phần, nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Tốt nghiệp tiểu học, 14 tuổi, Nguyễn Vỹ đã thoát ly gia đình, làm cu ly trong nhà máy xe lửa Tràng Thi sớm được giác ngộ, tham gia một số phong trào yêu nước. Tháng 10/1925, Nguyễn Vỹ tìm đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với những người đồng hương như Lê Huy Doãn (tức Lê Hồng Phong), Phạm Thành Tích (tức Phạm Hồng Thái)...

Trước lúc ra đi, để tránh mật thám, Nguyễn Vỹ nhờ chú ruột lo cho tấm căn cước mang tên Nguyễn Hào; sau này, trước sự truy lùng gắt gao của mật thám Đông Dương, Nguyễn Vỹ còn dùng tới hơn 20 bí danh mà, trong đó, mật thám đã lần tìm ra được những bí danh như Sở Vĩ - Nguyễn Vợi - Nguyễn Như - Nguyễn Hào - Mạnh Văn Liễu - Ma - Kan - Cồ Văn Yên - Hừng Đông - Như Bách - Tho - Pho - Phùng - Phùng Nguôn Bình - Phùng Quốc Nghiêu - Phùng Hừng Đông - Uông Thiệu Nguyên - Đông Hải - Lý Đồng - Lý Như Nam - Lý Duy Tân - Hoàng Hầu...

Những người cùng thời đều đánh giá và ghi nhận Phùng Chí Kiên là nhà cách mạng văn - võ song toàn, cũng là một trong những chiến sĩ cộng sản bị địch theo dõi, truy lùng gắt gao nhất.

Ngay khi được tin Nguyễn Vỹ mất tích, Giám đốc Sở Liêm phóng Trung Kỳ, tên trùm Sô-nhi khét tiếng, ra lệnh truy tìm dấu tích của Nguyễn Vỹ và liên tục thúc ép chánh thanh tra mật thám Vinh Billet phải bằng mọi cách nắm được hành tung của Nguyễn Vỹ.

Đến ngày 6/4/1929, Chánh thanh tra mật thám Vinh đã lần ra được dấu vết đầu tiên của Nguyễn Vỹ thông qua một cuộc hỏi cung một nhân vật có tên Lê Mẫn:

“Billet Vitor (hỏi): “Ngày 20/1 trước anh khai sai, lần này anh có nói đúng sự thật không?”

Lê Mẫn (trả lời): “... Như tôi đã nói với ông trong lần cung khai trước, tôi được Nguyễn Năng Tựu lựa chọn đi. Tôi gặp anh ấy (tức Nguyễn Hào) khoảng 10 ngày trước khi tôi đến nhà cháu tôi là Lê Nhiếp ở làng Yên Lý...”.

Ba ngày sau, hồi 14 giờ ngày 9/4/1929 trong Bản cung HS178-C1 xét hỏi Lý trưởng Nguyễn Đức Hinh:

“Billet Vitor (hỏi): Hộ tịch của ông?”.

Nguyễn Đức Hinh (trả lời): “Nguyễn Đức Hinh, 33 tuổi hiện là Lý trưởng làng Mỹ Quan Thượng, Tổng Vạn Phần, Phủ Diễn Châu, Nghệ An”.

Billet Vitor: “Khi ông nhận làm lý trưởng và ông có biết Nguyễn Vợi (tức Vỹ) bỏ đi, tại sao ông không báo cho Tri phủ Diễn Châu biết?”.

Nguyễn Đức Hinh:  “Tôi chỉ biết việc này vào ngày 1/4/1929, nghĩa là ngày mà Tri phủ Diễn Châu bảo tôi điều tra về việc này”.

Billet Vitor:  “Kết quả điều tra của ông như thế nào?

Nguyễn Đức Hinh: “Nguyễn Vợi (tức Vỹ) đã đi ra nước ngoài.”

Sang đến Quảng Châu, với bí danh Mạnh Văn Liễu, Nguyễn Vỹ được cử đi học trường quân sự Hoàng Phố, sau đó, đến đầu năm 1931, được Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) giới thiệu sang học trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva.

Trên đường đi, Mạnh Văn Liễu bị phát xít Nhật bắt giam chín tháng. Sau không tìm được bằng chứng, địch phải thả, Mạnh Văn Liễu tiếp tục sang Mátxcơva.

Tin tức Mạnh Văn Liễu bị bắt ở Quảng Châu, Trung Quốc đã đến tai chánh mật thám Trung kỳ Sô Gay và hắn liền gửi một chỉ thị mật vào ngày 10/10/1931 tới “các ông chánh Cẩm” ở Vinh và Hà Tĩnh.

“Một thám tử của mật thám Đông Dương báo tin là trong những người tham gia hồng quân bị bắt có tên Mạnh Văn Liễu - cựu học sinh trường Hoàng Phố, tham gia Đảng Thanh niên, được Nguyễn Ái Quốc chỉ định đi học ở Mạc Tư Khoa...Mạnh Văn Liễu lấy căn cước ở Vinh ngày 14/2/1925 với tên Nguyễn Hào, số hiệu căn cước là A93634, do Lý trưởng làng Mỹ Quan Thượng Nguyễn Khải giới thiệu...

Mạnh Văn Liễu khi thì như một người Bắc Kỳ nói giọng Ninh Bình, khi thì như người Trung Kỳ, nói giọng Nghệ Tĩnh. Nếu không đúng, phải chỉ thị truy nã Lý trưởng Nguyễn Khải là người đã đảm bảo tính chất chính xác của những điều đã ghi trong căn cước và cho tôi biết ngay những tồn nghi về việc này.

Đính theo đây là một bản hồ sơ về Mạnh Văn Liễu

Chánh Mật thám Trung Kỳ

Đã ký So Gay”.

Sau bức điện mật này, địch tìm về tận quê Nguyễn Vỹ lùng sục gắt gao và gần hai tháng sau, 2/12/1931, Tri phủ Diễn Châu đã hoàn tất bản phúc trình số 25, lột tả khá chính xác về Nguyễn Hào - Mạnh Văn Liễu:

“Kính phúc trình về khoản tên Nguyễn Hào mà các quan lớn ủy tôi dò xét như sau: Nguyễn Hào ấy là con Nguyễn Khoản, 59 tuổi, và Trần Thị Cúc (đều còn sống), lúc bé tên Nguyễn Vỹ, đi học trường Tổng.

Tháng 6 năm Khải Định thứ 10 (1925) làm thư ký cho một người Hoa buôn ngô gạo ở ga Yên Lý, đến cuối năm ấy bỏ đi không thấy về, giấy căn cước A93634 là của Nguyễn Hào chú nó, tuổi xấp xỉ như nó, diện mạo cũng như nhau...”.

Dựa trên bản Phúc trình của Tri phủ Diễn Châu, chánh Cẩm Vinh điện cho chánh Mật thám Trung kỳ Sô Gay, ngày 15/1/1932: “Tiếp theo mật thư của ông ngày 10/10/1931, tôi hân hạnh báo cáo với ông, theo sự điều tra của Sở, kết luận rằng: -Tên Mạnh Văn Liễu tức Nguyễn Hào, tức Như Bách A8310, không ai khác là tên Nguyễn Vỹ, tức Sở Vỹ, tức Nguyễn Vợi, tức Nguyễn Như A8411, đã bỏ quê ra đi từ tháng 10/1925 cùng với tên Lê Mẫn A8299.

Thẻ căn cước số A93634 được cấp ở Vinh ngày 14/2/1925 không phải của Nguyễn Vỹ mà của chú nó - tức Nguyễn Hào...hiện ở trong liên đội thứ 4, đội lính khố đỏ Bắc Kỳ ở Nam Định. Tuy vậy, để đảm bảo chính xác hơn, cần hỏi Nguyễn Hào về việc mất thẻ căn cước”.

Hơn một tháng sau, ngày 23/2/1923, trùm mật thám Trung kỳ Sô-Nhi lại gửi tin mật cho chánh Cẩm Vinh:

“Kính gửi ông chánh Cẩm Vinh!

Tiếp theo công văn số 85-CS ngày 15/1/1932 của ông, việc tầm nã được tiến hành dưới sự kiểm soát của liên đội 4 bộ binh, vẫn không tìm được tên lính khố đỏ Nguyễn Hào mà Nguyễn Vỹ bí danh Mạnh Văn Liễu đã đánh cắp thẻ căn cước A93634, nên cần tiến hành gấp cuộc điều tra, báo cho tôi biết mọi tin tức thu thập được, có thể tìm được dấu vết của Nguyễn Hào”.

Trong khi bọn địch vẫn loay hoay với tấm thẻ “căn cước Nguyễn Hào” thì Mạnh Văn Liễu đã an toàn tới Mátxcơva và theo học Đại học Phương Đông và Trường Quân sự Lục quân.

Năm 1934, sau khi tốt nghiệp hai trường trên, Mạnh Văn Liễu và Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản phái về tăng cường cho Ban Lãnh đạo Hải ngoại - Đảng Cộng sản Đông Dương ở Hồng Công. Sau khi Mạnh Văn Liễu rời Mátxcơva, trùm mật thám Sô-Nhi mới nhận được mật thư số 170 ngày 24/5/1935:

“...Tiếp theo thông báo số 1152 ngày 15/5/1934, sự có mặt của Nguyễn Hào tức Kan, tức Mạnh Văn Liễu, tức Như Bách, tức Cồ Văn Yên, tức Nguyễn Vợi, tức Nguyễn Vỹ, tại trường Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa, đã được mấy tên người Nam kỳ là Nguyễn Văn Dut (tức Sắn) và Trần Văn Minh (tức Nam) xác nhận”.

Tháng 8 năm 1936, theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản và Hội nghị Lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương (Khóa I), Phùng Chí Kiên và Hà Huy Tập về Sài Gòn chỉ đạo phong trào cách mạng.

Ngày 22/3/1938, Trùm Sô-Nhi nhận được điện báo cáo mật số 599 của Thanh tra An ninh: “Về hội nghị BCH T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Bà Điểm - Gia Định trong tháng 8+9/1937..., tên cộng sản từ Trung Quốc về tham gia Hội nghị Toàn thể BCH T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương, họp ở Bà Điểm (Gia Định) trong tháng 8+9/1937 là Mạnh Văn Liễu, tức Kan, tức Nguyễn Hào, quê ở Mỹ Quan Thượng, Phủ Diễn Châu (Nghệ An).

Nó đã được các đại biểu hội nghị cử vào ban lãnh đạo, đúng như những lời khai báo mà Nha An ninh đã thu thập được trong ngày 27+28/5, nói về thành phần ban lãnh đạo ở Ma Cao, năm 1935”.

Có lẽ, báo cáo mật trên nhắc đến việc tại Đại hội lần thứ I của Đảng (Ma Cao - 1935), Mạnh Văn Liễu (tức Phùng Chí Kiên) là một trong năm người được bầu vào Ban Thường vụ (có tài liệu nêu Ban Thường vụ chỉ có ba người gồm Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên và Đinh Thanh (Tổng Thư ký - Tổng Bí thư  là Lê Hồng Phong - PV).

Biết rõ Mạnh Văn Liễu trở về nước hoạt động trong một khoảng thời gian khá dài, và cũng đã giăng lưới khắp nơi nhưng đám tay chân của Sô - Nhi vẫn không sao nhổ được cái gai trong con mắt của tên trùm mật thám này.

Sau một thời gian hoạt động trong nước, theo yêu cầu của tổ chức, Mạnh Văn Liễu trở lại Hồng Công thay cho Lê Hồng Phong, hoạt động trong Ban Hải ngoại (còn gọi là Ban Chỉ huy ở Ngoài của Đảng), dưới cái tên mới Phùng Nguôn Bình, người Trung Quốc (Theo Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan, Phùng Chí Kiên rất giỏi tiếng Trung Quốc, trong giao tiếp hàng ngày, không ai biết được ông là người ngoại quốc).

Vào ngày 25/10/1938, khi Phùng Nguôn Bình đang ở trong căn nhà số 71 phố Đại Nam - Hồng Công thì bị cảnh sát Anh vây bắt. Do không phát hiện được tài liệu, chứng cứ gì, Thống đốc Hồng Công phải ký lệnh trả tự do cho Phùng Nguôn Bình và trục xuất khỏi Hồng Công vào ngày 6/12/1938.

Rất tức tối sau bao năm truy lùng vẫn không bắt được Nguyễn Vỹ - Mạnh Văn Liễu, liên tục trong hai năm 1938 - 1939, trùm mật thám Trung Kỳ Sô - Nhi liên tục ra hết mật lệnh này đến mật lệnh khác.

Ngày 16/3/1938, Sô - Nhi lại ra tiếp một mật lệnh số 4762 gửi chánh cẩm các tỉnh Trung Kỳ, nêu rõ “...Tiếp theo Thông báo số 1152 ngày 18/5/1934 của tôi: Tên xuất dương Nguyễn Hào tức Mạnh Văn Liễu, tức Phùng, ủy viên Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, bị các nhà chức trách Anh bắt ở Hương Cảng ngày 25/10/1938, đã bị trục xuất về Sán Đầu ngày 6/12 cùng năm. Nguyễn Hào, tức Mạnh Văn Liễu có ý định trở về Đông Dương, với một căn cước giả làm người Trung Quốc”.

Gần một tháng sau, ngày 9/1/1939, Sô - Nhi lại gửi tiếp mật thư  số 92: “Tiếp theo Thông báo số 4672 ngày 16/12/1938 của tôi: Lúc bị bắt ở Hồng Công ngày 25/10/1938, trong người tên Nguyễn Hào, tức Mạnh Văn Liễu, tức Phùng, bắt được một mảnh giấy chứng nhận người Hoa kiều, cấp ở Sài Gòn ngày 18/10/1937 cho Phùng Nguôn Bình 36 tuổi, là tên Hoa kiều A - Ka, mang thẻ căn cước số 117076...”

Hơn ba tháng sau, không biết xuất phát từ nguồn tin nào, Sô - Nhi lại ra tiếp mật thư số 1130  khẳng định... Mạnh Văn Liễu, tức Phùng có ý định trở về Đông Dương, nó đang tìm cách kiếm tiền để về”.

Cùng thời gian này, Tổng đốc An Tĩnh - Vinh cũng nhận được mật lệnh... tên Nguyễn Hào, bí danh Mạnh Văn Liễu, tức Phùng, có ý định đi thăm bà con bạn bè... Tôi yêu cầu ông chỉ thị cho Tri phủ Diễn Châu, tìm mọi cách để bắt được tên lãnh tụ cộng sản này”.

Trong khi Sô - Nhi lồng lộn tìm tung tích và đón lõng Nguyễn Hào tại quê, thì Phùng Chí Kiên vẫn đang hoạt động tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Tại đây, Phùng Chí Kiên gặp ông Trần (bí danh của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động tại Côn Minh).

Đầu năm 1941, ông Trần cùng Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh, Đặng Văn Cáp... mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ Việt Nam.

Sau khi bế mạc lớp học này, sáng mồng 2 tết Tân Tỵ (tức 28/1/1941), Phùng Chí Kiên cùng già Thu (bí danh mới của Nguyễn Ái Quốc) và một số cán bộ khác vượt biên giới về bản Pắc Bó...

Gần hai tháng sau khi Phùng Chí Kiên về nước cùng già Thu, ngày 19/3/1941, từ Huế, Sô - Nhi đã gửi nhanh cho Giám đốc Sở Liêm phóng Trung Kỳ và viên công sứ Vinh mật thư số 1530 với nội dung: “Về việc xuất dương trở về Đông Dương của Mạnh Văn Liễu...

Tên Mạnh Văn Liễu có thể vừa trở về từ Đông Dương, tôi yêu cầu các ông cho tích cực truy nã... Ảnh của Mạnh Văn Liễu đã đính kèm Thông báo số 256 ngày 20/1/1924 của tôi, gửi tất cả các ông cảnh sát trưởng ở Trung Kỳ”.

Bẵng đi một thời gian dài cho đến ngày 2/12/1941, Giám đốc Sở cảnh sát Đông Dương, Rô-be Pê-rô-sơ, ra bản Thông báo số 8801-C gửi các viên cảnh sát trưởng ở Trung Kỳ về việc nhận dạng một tên phiến loạn bị giết ở Khau Pàn, tỉnh Bắc Cạn ngày 22/8/1941:

“... Những vật và tài liệu tìm được trong xác tên phiến loạn, đã bị giết ở Khau Pàn (Bắc Cạn) là của tên  Phùng quê ở Trung Kỳ... Ngoài ra, một cuộc thẩm tra các tang vật... đã khám phá ra một bó dây điện trong người tên phiến loạn, còn có một con dấu có những chữ Hán sau đây: Phùng Quốc Nghiêu - Ấn - con dấu của Phùng Quốc Nghiêu.

Những tang vật trên đây, cho phép chúng ta nhận ra Phùng Quốc Nghiêu là tên của tên phiến loạn bị giết. Đến nay, chưa có đích xác về căn cước của tên An Nam này, vì vậy, tôi yêu cầu các ông báo cho tôi biết tất cả những điều gì các ông biết hoặc thu thập được về vấn đề này.

Tên phiến loạn này có đặc điểm sau đây: khoảng 38 tuổi, cao 1,65 mét, thân hình vừa phải, mặt bầu dục, gò má cao, tóc hất ngược ra sau.”

16 ngày sau, 18/12/1941, thanh tra an ninh Vây - Ren từ Vinh có thư trả lời số 535: “... Trả lời Mật thư số 8801-C ngày 2/12/1941 của ngài: Tôi xin  báo cùng ngài rõ, tên Phùng, tức Phùng Quốc Nghiêu, nói trong thông báo mật thư trên của ngài, có thể đúng là tên xuất dương đã được chúng ta biết rõ là Mạnh Văn Liễu, tức Phùng, tức Ma ( A8310) quê ở Mỹ Quan Thượng, Tổng Vạn Phần, Phủ Diễn Châu, Nghệ An”.

Nghiên cứu kỹ lưỡng các mật thư cũng như thủ đoạn của Trùm Sô - Nhi và đối chiếu với những bước đi, chặng đường hoạt động của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên thì thấy rõ một điều rằng, mặc dù với mạng lưới mật vụ giăng tỏa khắp nơi, lại được sự hỗ trợ đắc lực của mật thám Anh ở Hồng Công và Trung Quốc, trong cuộc đấu trí  này (nếu có thể gọi như thế) thì Sô - Nhi và đám tay chân của y luôn luôn là người đến sau.

Phải mất ngót bảy năm trời, Sô - Nhi mới xác định được Nguyễn Hào - Mạnh Văn Liễu chính là Nguyễn Vỹ. Rồi đến những đợt truy lùng trước đây đều thể hiện cứ mỗi khi Sô - Nhi nắm được tung tích thì Mạnh Văn Liễu đã rời khỏi nơi đó...

Còn lần này thì sao? Phải chăng Phùng Chí Kiên đã rơi vào cái bẫy do Sô - Nhi giăng sẵn? 

-------------------------

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Mùa mưa ở TPHCM và Nam bộ bao giờ kết thúc?
Mùa mưa ở TPHCM và Nam bộ bao giờ kết thúc?
TPO - Dự báo từ ngày 28-29/11, khu vực TPHCM khả năng có mưa rào và dông rải rác, vài nơi có mưa vừa, những ngày còn lại không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng mưa không đáng kể. Từ đầu tháng 12, khu vực Nam bộ sẽ kết thúc mùa mưa và bước sang giai đoạn mùa khô.