Đặc điểm chung của bệnh cúm A/H1N1

Đặc điểm chung của bệnh cúm A/H1N1
TP - Bệnh cúm A(H1N1) là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A, bệnh do một virus cúm A(H1N1) mới. Đây là virus mới chưa từng được ghi nhận trước đây. Virus cúm mới này có các vật liệu di truyền do sự tái tổ hợp của virus cúm lợn, virus cúm gia cầm (không phải H5) và virus cúm người.

Triệu chứng của người mắc bệnh do virus cúm mới giống với hội chứng cúm mùa, bệnh diễn biến cấp tính từ nhẹ đến nặng, từ sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, đau đầu, rét run, mệt mỏi; một số trường hợp có tiêu chảy, nôn, đến viêm phổi nặng và tử vong. Thời kỳ ủ bệnh từ một đến bảy ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh từ một ngày trước cho tới bảy ngày sau khi khởi phát.

Bệnh cúm A(H1N1) là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây đại dịch. Bệnh lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi của người bệnh. Ngoài ra bệnh có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.

Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Vaccine cúm mùa hiện nay không chứa thành phần của virus cúm mới này. Hiện chưa có bằng chứng liệu vaccine cúm mùa hiện nay có tác dụng bảo vệ chéo chống lại virus cúm A(H1N1) này hay không.

Tổ chức Y tế Thế giới đang nghiên cứu để bổ sung thành phần của vaccine cúm để có thể dự phòng được virus cúm mới này. Virus mới này đã kháng với thuốc kháng virus Rimantadine và Amantadine, nhưng còn nhạy cảm với Oseltamivir và Zanamivir. Nếu được điều trị sớm thì có thể giảm biến chứng và tử vong.

Virus cúm có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia cực tím, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70oC và các chất tẩy rửa thông thường. Tuy nhiên, virus cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Bất ngờ về người vừa ngồi ghế Chủ tịch VNG
Bất ngờ về người vừa ngồi ghế Chủ tịch VNG
TPO - Đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã rời chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG, người thay thế là ông Võ Sỹ Nhân. Đến nay, ông Nhân từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và ông Minh quay lại ghế chủ tịch. Hiện vị trí tổng giám đốc của công ty này đang bỏ trống.