Chuyên gia đầu ngành cần được tự chủ

Chuyên gia đầu ngành cần được tự chủ
TP - “Phải để các chuyên gia đầu ngành từ nước ngoài trở về làm quản lý khoa học có tính độc lập và tự chủ . Đây là trở ngại chính cho chính sách thu hút chuyên gia Việt kiều” - Tiến sỹ Nguyễn Chánh Khê, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Khu Công nghệ cao TPHCM, cho biết.
Chuyên gia đầu ngành cần được tự chủ ảnh 1
TS Nguyễn Chánh Khê tại lễ Vinh danh nước Việt 2005 do Vietnamnet tổ chức.

Đang ở nước ngoài với nhiều lời mời gọi hấp dẫn, vì sao anh lại quyết định về Việt Nam làm việc?

Trước khi về nước để làm việc (tháng 9/2002), tôi đã về thăm quê hương nhiều lần. Lần về đầu tiên là tháng 12/1982 và làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam ở Nghĩa Đô, Hà Nội.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi viếng thăm quê hương Hà Nội trong đời vì tôi sinh ra, lớn lên và đi du học từ trong miền Nam khi quê hương còn chia cắt. Hà Nội trong tôi lúc nào cũng là một nguồn cảm hứng thân thương dù đó không phải là nơi tôi đã được “chôn nhau cắt rốn”.

Chuyên gia đầu ngành cần được tự chủ ảnh 2 Ở một số nơi, các chuyên gia cảm thấy bó buộc vì phải tuân thủ những nhà quản lý trẻ thiếu kinh nghiệm trong chuyên môn nghiệp vụ lẫn chuyên môn khoa học. Cách quản lý đó đã giới hạn chuyên gia Việt kiều trong phòng thí nghiệm.Chuyên gia đầu ngành cần được tự chủ ảnh 3

Tiến sỹ Nguyễn Chánh Khê

Hà Nội lúc ấy còn mang nhiều vết tích của chiến tranh nhưng tôi rất thấm thía lời ca của nhạc sỹ Vũ Thanh khi mô tả về mùa thu Hà Nội “...dặm dài trong gian khó, vẫn ngát xanh xanh mùa thu”.

Đó chính là những động cơ tình cảm trong tôi với mơ ước trở về quê hương để sinh sống và thưởng thức những món quà của đất nước, chưa nói đến những cống hiến mà mình phải làm... Đó là những động cơ mạnh mẽ nhất hơn cả những lời mời mọc.

Kể từ khi về nước làm việc đến nay, anh đã biến những ước mơ của mình thành hiện thực như thế nào?

Cái quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với cuộc đời làm khoa học của tôi tại quê nhà là biến những tài nguyên Việt Nam thành sản phẩm công nghệ nano, từ xơ dừa ở Bến Tre, dó bầu ở Quãng Nam, cà phê ở Đắc Lắc, tre, tầm vông, …

Các thành phẩm như than ống nano (carbon nano tube) ra đời với độ bền cơ học siêu việt, độ dẫn điện, dẫn nhiệt khác biệt với than ống nano của thế giới.

Những sản phẩm này đang gây sự chú ý của  các tập đoàn đa quốc gia như Hitachi, Good Year, AR Brown và hứa hẹn những tiềm năng giải phóng nông thôn Việt Nam ra khỏi những thị trường nội địa truyền thống ít lợi nhuận.

Các vật liệu nano từ phế phẩm nông lâm nghiệp Việt Nam đang trở thành những sản phẩm siêu lợi nhuận mang lại giá trị gia tăng gấp 10.000 lần những thành phẩm nông nghiệp truyền thống.

Tóm lại, nông phẩm Việt Nam đang được chuyển hướng từ một thị trường tiêu dùng truyền thống vào những ứng dụng cao cấp nhất của thời đại như vỏ phi thuyền vũ trụ, vỏ máy bay, mực in kỹ thuật số, y sinh… những cái mà trước đây vài năm  cả thế giới không hề nghĩ đến.

Tôi muốn đưa những tài nguyên trong nước vào ứng dụng mới nhất của ngành công nghệ cao nhất của thế giới và tôi đang đạt được những mong muốn ban đầu này .

Những trở ngại mà anh gặp phải trong quá trình làm việc là gì?

Có rất nhiều trở ngại trong việc thực hiện những mơ ước này. Trở ngại đầu tiên là đội ngũ tham gia các công trình nghiên cứu, các cộng sự viên vốn là những kỹ sư trẻ từ các khối đại học trong nước không có nhiều kỹ năng thực nghiệm, chưa có đủ sáng tạo để mang lại những câu trả lời có tính đột phá, chưa đủ năng lực để thể hiện tính độc lập, tự chủ.

Hiện Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài đang lấy ý kiến để trình dự thảo chính sách thu hút chất xám kiều bào. Nếu được hỏi ý kiến, anh sẽ đưa ra những kiến nghị gì?

Hãy để các chuyên gia đầu ngành từ nước ngoài trở về làm quản lý khoa học có tính độc lập và tự chủ .

Cảm ơn anh!

Tiến sỹ Nguyễn Chánh Khê, sinh năm 1952. 19 tuổi, anh sang Nhật theo học ngành Công nghệ Sinh học rồi chuyển sang lĩnh vực vật liệu xử lý thông tin.

Phát minh đầu tiên cũng là luận án thạc sĩ của anh là vật liệu cảm quang dùng trong máy photocopy. Năm 1985, Nguyễn Chánh Khê sang Mỹ báo cáo khoa học và được nhiều công ty lớn quan tâm và mời làm việc.

Sau đó, hãng HP mời anh về giữ cương vị khoa học gia chủ nhiệm, chức vụ cao nhất của bộ phận nghiên cứu của hãng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp tại Thung lũng Silicon, Califonia (Mỹ).

Tiến sỹ Nguyễn Chánh Khê có 30 phát minh, sáng chế khoa học tại Nhật và 36 phát minh tại Mỹ, ứng dụng nhiều trong lĩnh vực máy tính, máy photocopy...

Lan Anh
Thực hiện

MỚI - NÓNG