Sau cuộc khám xét rạng sáng 28/4/2007, thông tin về vũ trường NC cũng như về ông chủ Nguyễn Đại Dương - không rõ bao nhiêu phần trăm từ cơ quan điều tra, bao nhiêu từ sự thêu dệt của công luận- khiến người ta cứ ngỡ nơi đây không chỉ là tụ điểm ma túy mà còn là chốn thác loạn, sàn vũ trường đầy ma tuý lẫn bao cao su qua sử dụng...
Thế rồi, vụ án kéo dài. Hồ sơ trả đi trả lại, không phải để điều tra mở rộng, chỉ loay hoay tìm chứng cứ cột tội chủ vũ trường.
Bản kết luận điều tra bỏ qua số phận thủ kho và thủ quỹ (bị bắt khẩn cấp ngay những ngày đầu), chỉ đề nghị viện kiểm sát truy tố ông chủ và kế toán trưởng vũ trường NC về hành vi “chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy”.
Viện kiểm sát sau đó miễn tố cho hai người này tội danh ma túy, bởi chứng cứ không đủ cột tội. Cuối cùng, chỉ có chủ vũ trường ra tòa với hành vi “kinh doanh trái phép”.
Một số tờ báo đặt tên cho vụ án này là “đầu khủng long, đuôi thạch sùng”.
Có căn cứ để đình chỉ vụ án?
Theo cáo trạng, chủ vũ trường Nguyễn Đại Dương sẽ bị xét xử về hành vi kinh doanh rượu trên 30 độ cồn không có giấy phép của Sở Thương mại Hà Nội.
Theo Nghị định 11/1999/NĐ-CP của Chính phủ, rượu là mặt hàng bị hạn chế kinh doanh. Thông tư số 12/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại quy định việc bán rượu trên 30 độ cồn phải có giấy phép, riêng kinh doanh rượu trên 30 độ cồn tại vũ trường, quán bar, karaoke (nơi sinh hoạt văn hóa công cộng) thì bị cấm.
Do những quy định như vậy, các vũ trường thường lách luật bằng cách pha thêm nước đá vào rượu cho khách uống. Đã xuất hiện nhiều vũ trường, quán bar, karaoke núp bóng “cà phê ca nhạc” để có thể xin được giấy phép kinh doanh rượu.
Vũ trường NC từng bị xử phạt hành chính về hành vi bán rượu trên 30 độ cồn. Khi bị khám xét khẩn cấp, vũ trường NC vẫn chưa có giấy phép kinh doanh rượu. Đây là lý do khiến chủ vũ trường bị truy tố về hành vi “kinh doanh trái phép”.
Tuy nhiên, thời điểm Viện KSND quận Hoàn Kiếm ra bản cáo trạng, Nghị định 40/2008/NĐ-CP và Thông tư 10/2008/TT-BCT đã có hiệu lực thi hành, thay thế các nghị định và thông tư trước đây. Theo các văn bản này, việc kinh doanh rượu trên 30 độ cồn tại vũ trường không bị cấm, không bị coi là “gây nguy hiểm cho xã hội” nữa.
Điều 25 Bộ luật Hình sự 1999 quy định: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Cuốn “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự” của tác giả Đinh Văn Quế giải thích: “Căn cứ để xác định do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là những quy định của Nhà nước có liên quan đến hành vi phạm tội, những quy định này nhất thiết phải bằng văn bản có tính pháp quy”.
Có thể thấy, Nghị định 40/2008/NĐ-CP và Thông tư 10/2008/TT-BCT chính là yếu tố “chuyển biến của tình hình” để đánh giá hành vi kinh doanh rượu trên 30 độ cồn không còn bị coi là nguy hiểm cho xã hội.
Trước ngày TAND quận Hoàn Kiếm mở tòa, một tờ báo đã trích đăng ý kiến các chuyên gia pháp luật, cho rằng cần miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho chủ vũ trường NC.