Giai đoạn 2009 - 2020:

Hơn triệu người nghèo sẽ xuất ngoại

Hơn triệu người nghèo sẽ xuất ngoại
TP - Theo chương trình thí điểm triển khai Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án hỗ trợ 61 huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, mục tiêu đến 2020, đưa hơn triệu người nghèo sang nước ngoài làm việc.

Cục Quản lý Lao động Ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội vừa công bố chương trình thí điểm triển khai Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án hỗ trợ 61 huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước cho biết, những năm gần đây, số lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động rất ít, trung bình từ 50 - 60 người/năm. Việc triển khai đề án hỗ trợ 61 huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động là cú hích quan trọng, giúp người lao động ra nước ngoài làm việc.

Người lao động sẽ được hỗ trợ từ A - Z, đảm bảo đủ chất lượng theo yêu cầu của từng thị trường.

Về mức phí cho vay, người lao động muốn đi thị trường nào, Cục Quản lý Lao động ngoài nước và ngân hàng sẽ thẩm định, cho vay ở mức cao nhất, theo chi phí của thị trường đó.

Dân số của 61 huyện nghèo khoảng 2,4 triệu người, trong đó hơn một nửa độ tuổi lao động, 90 phần trăm là người dân tộc thiểu số; chỉ có khoảng chín phần trăm trình độ THPT và gần 10 phần trăm lao động qua đào tạo; còn lại có trình độ học vấn thấp, không nghề.

Trước mắt, giai đoạn 2009 - 2010, sẽ thí điểm đưa 10.000 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài.

Giai đoạn 2011 - 2015, đưa 50.000 lao động.

Giai đoạn 2016 - 2020, tăng 15 phần trăm so với giai đoạn trước, góp phần giảm khoảng 19 phần trăm số hộ nghèo của 61 huyện.

Thí điểm tại Thanh Hóa

Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đang xúc tiến phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án ở trung ương và hướng dẫn các huyện thành lập Tiểu ban.

Ba tỉnh được chọn thí điểm triển khai Đề án là Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Ngãi.

Cục Quản lý Lao động Ngoài nước triển khai Đề án tại Thanh Hóa, tổ chức tập huấn cho các huyện nghèo cách thức thực hiện chương trình.

Cục sẽ phối hợp với Thanh Hóa tuyển 500 lao động sang làm việc tại Libi, theo đơn hàng của Cty Sona và giao cho Trung tâm lao động ngoài nước tuyển 70 lao động đi Hàn Quốc (từ nay đến hết tháng 9/2009 là xuất cảnh).

Đối với lao động ở 61 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, Chính phủ sẽ hỗ trợ chi phí làm hộ chiếu cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động, doanh nghiệp đứng ra làm hộ cho lao động trực tiếp tại Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Công khai, minh bạch  

Hơn triệu người nghèo sẽ xuất ngoại ảnh 1
Học tiếng để chuẩn bị đi tu nghiệp sinh tại Nhật. Ảnh: Đức Tùng

Ông Bùi Văn Huy - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, một trong sáu huyện nghèo của Thanh Hóa, cho rằng, cần phải nhìn nhận lại công tác xuất khẩu lao động. Doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động nên coi mục tiêu xã hội cao hơn lợi nhuận.

Trong thực hiện đề án, tiêu chí yêu cầu lao động có trình độ văn hoá từ THCS trở lên không phải là điều đáng lo ngại tại cơ sở, mà vấn đề quan trọng là văn hóa ứng xử, tay nghề, sức khỏe của người lao động.

Theo ông Huy, để thực hiện tốt việc này, cần phải có sự tham gia đồng bộ của nhiều ngành như giáo dục, y tế, văn hóa.

Một số giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho rằng, việc triển khai Đề án cần phải công khai, minh bạch. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội nên đưa ra bộ tiêu chí để thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia, không nên chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp thuộc Bộ là Cty Sona.

Về thị trường, phải chọn những thị trường phù hợp với số đông người lao động nghèo. Nên định hướng cho người lao động đăng ký tham gia thị trường tốt, phù hợp với số đông.

20 tỉnh có 61 huyện nghèo được hỗ trợ làm việc ở nước ngoài

- Hà Giang: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Suphì, Xín Mần;

- Cao Bằng: Hà Quảng, Thông Nông, Hạ Lang, Bảo Lạc, Bảo Lâm;

- Lào Cai: Si ma cai, Mường Khương, Bắc Hà;

- Yên Bái: Trạm Tấu, Mù Cang Chải; Bắc Kạn: Pắc Nặm, Ba Bể; Bắc Giang: Sơn Động;

- Phú Thọ: Tân Sơn; Sơn La: Mường La, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên, Sốp Cộp; Lai Châu: Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè; Điện Biên: Tủa Chùa, Mưởng Ảng, Điện Biên Đông, Mường Nhé;

- Thanh Hóa: Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa;

- Nghệ An: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; Quảng Bình: Minh Hóa; Quảng Nam: Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà Mi;

- Quảng Trị: Đakaroong; Quảng Ngãi: Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây;

- Bình Định: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh; Ninh Thuận: Bắc Ái; Lâm Đồng: Đam Rông; Kon Tum: Kon Plông, Tumơrông.

Bốn chính sách hỗ trợ người lao động nghèo

- Hỗ trợ nâng cao trình độ văn hóa để tham gia xuất khẩu lao động trong thời gian tối đa không quá 12 tháng, gồm: Toàn bộ học phí, tài liệu học tập, sách giáo khoa, vở viết; tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học, tiền tàu xe và trang cấp ban đầu.

- Lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% phí học nghề, các đối tượng khác thuộc 61 huyện nghèo được hỗ trợ 50%.

Người lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, được hỗ trợ thêm: Tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học 40.000 đồng/người/ngày; tiền ở: 200.000đồng/người/tháng; cung cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu: 400.000 đồng/người; tiền tàu xe (đi và về) một lần từ nơi cư trú đến nơi đào tạo; chi phí làm thủ tục xuất cảnh như hộ chiếu, visa, lý lịch tư pháp.

- Hỗ trợ rủi ro: Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 12 tháng phải về nước, thì được hỗ trợ bằng một lượt và máy bay khi gặp một trong các lý do: Sức khỏe không phù hợp yêu cầu; chủ sử dụng lao động gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên người lao động mất việc làm; chủ sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

- Chính sách tín dụng: Người lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số được vay bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; các đối tượng còn lại được vay theo mức lãi suất áp dụng cho đối tượng chính sách.

MỚI - NÓNG