Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước:

Ở ẩn, lấy lệ

Ở ẩn, lấy lệ
TP - Trong thực tế, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở hầu hết trong các cơ quan nhà nước thời gian qua, nhìn chung là kém hiệu quả và còn mang nhiều tính hình thức.
Ở ẩn, lấy lệ ảnh 1

Thanh tra nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước Trong ảnh: Hoạt động kế toán kiểm soát chi tại  Kho bạc Nhà nước Hà Nội Ảnh: TTXVN

Có thể nói, suốt nhiệm kỳ hoạt động, BTTND như là người ở ẩn, luôn khép mình trong cơ quan. Mặc dầu trong nhiệm kỳ của mình, BTTND cũng ban hành quy chế hoạt động, kế hoạch công tác; cũng họp hành, tổng kết, báo cáo.

Nhưng, trên thực tế, trong suốt nhiệm kỳ, BTTND cũng chỉ có vài hoạt động lấy lệ. Thậm chí ở một số cơ quan, ban thanh tra không có một hoạt động nào khả dĩ được triển khai.

Thế nhưng, đến khi hết nhiệm kỳ, báo cáo trước hội nghị cán bộ công chức lại nghe rất kêu, dù phần lớn báo cáo chỉ là những đánh giá có tính chất rất chung chung, chủ yếu là “hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Có thể nói, nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả của ban thanh tra nhân dân bắt nguồn từ cơ chế hoạt động. Do ngại va chạm, BTTND chỉ có những hoạt động mang tính hình thức mặc dù, theo quy định của pháp luật, quyền của ban thanh tra nhân dân là khá rộng.

Chẳng hạn, thông qua hoạt động giám sát của mình, BTTND có quyền góp ý, kiến nghị với lãnh đạo về những vấn đề liên quan đến hoạt động, quản lý của cơ quan. 

Thanh tra nhân dân là một chế định pháp lý quan trọng trong Luật Thanh tra. Thanh tra nhân dân được thành lập trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và ở xã, phường, thị trấn;

được tổ chức, hoạt động dưới hình thức ban thanh tra nhân dân, nhằm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các cơ quan, đơn vị.

Trên thực tế, đa số những góp ý, kiến nghị của BTTND với lãnh đạo cơ quan (dù những góp ý, kiến nghị đó là đúng), cũng là những vấn đề để các thành viên ban thanh tra lưu tâm, dù những góp ý, kiến nghị chỉ với mục đích duy nhất là để đơn vị, đồng nghiệp tiến bộ, phát triển.

Nhưng để đồng nghiệp, đơn vị phát triển, tiến bộ đâu thì chưa thấy, vạ mang vào thân thì có thể sớm thấy ngay. 

Một nguyên nhân nữa góp phần làm giảm hiệu quả hoạt động của BTTND là vấn đề nhân sự. Có thể nói, hiện nay, hầu hết thành viên BTTND trong các cơ quan nhà nước là những cá nhân chưa đủ sức nặng để lãnh đạo tổ chức này.

Họ hầu hết là những đoàn viên công đoàn cơ sở có tư cách đạo đức tốt, lối sống trong sáng, ngay thẳng, trung thực, nhưng lại thiếu tầm ảnh hưởng với mọi người và cơ quan, mặc dù họ được hội nghị cán bộ công chức bầu ra.

Dù hoạt động còn kém hiệu quả nhưng, khi góp ý kiến cho BTTND ít thấy ai phê bình hay chỉ trích. Những ai có ý kiến này nọ, cho rằng BTTND cơ quan mình hoạt động còn hình thức, kém hiệu quả thì coi chừng.

Nếu nhiệm kỳ tiếp theo mình là ứng cử viên số một để bầu vào BTTND, cứ phát biểu, nhiệm kỳ qua, BTTND cơ quan mình hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là chắc ăn nhất.

Tiếp theo Luật Thanh tra, Luật Phòng chống Tham nhũng, Luật Thực hành Tiết kiệm, Chống Lãng phí cũng đặt ra nhiệm vụ là nâng cao vai trò của BTTND trong cơ quan nhà nước, nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

Nhưng nâng cao như thế nào, bằng cách nào để BTTND hoạt động hiệu quả là một vấn đề cực kỳ khó khăn.

Vì vậy, theo chúng tôi, cần tổng kết thực hiện vai trò và hoạt động của BTTND trong các cơ quan nhà nước trong thời gian qua để có biện pháp giúp tổ chức này hoạt động thiết thực hơn trong tình hình hiện nay.

Điều 2 Nghị định 99/2005/NĐ-CP, ngày 28/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân (BTTND):

“…giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.

Chức năng, nhiệm vụ của BTTND là rất nặng nề và thực sự có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của cơ quan nhà nước. Với vai trò như vậy, BTTND thực hiện các quyền giám sát của mình ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động của cơ quan nhà nước.

Việc BTTND được thành lập ở cơ quan nhà nước không ngoài mục đích, ý tưởng góp phần làm cho các cơ quan nhà nước hoạt động lành mạnh, đúng quy định của pháp luật.

Với vị trí, vai trò độc lập BTTND có những ưu thế trong hoạt động và, nếu thực hiện đúng với vai trò, vị trí của mình, BTTND đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực thi tính dân chủ trong hoạt động của cơ quan – một yếu tố góp phần mang lại hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

MỚI - NÓNG