Vua Voi sau ly hôn

Vua Voi sau ly hôn
TP - Trong gian nhà sàn cổ Bản Đôn lộng gió, Ama Kông thư nhàn bày tỏ quan niệm sống mới của ông: Từ nay trở đi Vua Voi không yêu nữa, chỉ cùng các con lo làm ăn thôi!

>> Bi kịch hôn nhân ở tuổi 99 của Vua Voi

Vua Voi sau ly hôn ảnh 1
Khăm Phết bên biển quảng cáo bán thuốc dỏm bà Hồng Khăm mới chôn, phía sau là căn nhà sàn Ama Kông đã nhường lại cho mẹ con Hồng Khăm

Ngày 30/3/2009, các thủ tục “bỏ nhau”, chia của và bàn giao tài sản giữa Ama Kông với vợ tư Hồng Khăm đã hoàn tất trước sự chứng kiến của tổ hòa giải, gia tộc hai bên tại nhà riêng và nhà văn hóa cộng đồng buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Trong đơn Ly hôn điểm chỉ từ ngày 12/3/2009, Ama Kông giận dữ bày tỏ: “Của cải và tài sản của tôi gồm có: 1- Đất thổ cư mặt đường; 2- Hai căn nhà; 3- Đất ruộng; 4- Ba con bò; 5- Tiền bạc bà cầm; 6- Một chiếc xe Dream 50.  Của cải nhà đất của tôi phải lấy hết không cho bà một thứ gì”.

Tuy nhiên sau khi Hồng Khăm sụt sịt khóc và cúi đầu ân hận nhận lỗi, không khí cuộc họp gia tộc chùng xuống. Ông Y Kông - con trai đầu được truyền nghề săn bắt voi của Ama Kông, từng săn được 38 con voi - vuốt mái tóc bạc tuổi bảy mươi, chậm rãi lên tiếng :

- Dì đã biết sai, đã xin lỗi, mong bố không cố chấp. Em H’Búp tuy không phải con đẻ của bố với dì nhưng lâu nay cả gia đình ta đã nhận coi như con em trong gia đình. Nếu không dành phần tài sản cho dì với em sinh sống, học hành thì cũng tội lắm.

Ama Kông mắt rướm lệ, gật đầu. Vậy là của cải được chia cho mẹ con Amí Búp phần nhiều hơn. Tuy nhiên bảng tên Ama Kông trước căn nhà sàn chung của hai người được dỡ bỏ.

Cũng nhường lại căn nhà lớn như cuộc chia tay bà vợ hai, nhưng lần ra đi này Ama Kông chẳng còn con voi nào để cưỡi, đành ngồi lên xe máy cho con trai chở qua ngôi nhà sàn cổ, di sản quý giá của bố vợ KhunJuNốp Y Thu.

Theo lời giới thiệu về ngôi nhà cổ từ một bản dịch có đối chiếu tư liệu bằng các thứ tiếng Việt, Lào, Thái, Campuchia, căn nhà cổ Bản Đôn này được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ theo kiến trúc chùa Tháp. Nhà bằng gỗ thì không có gì lạ, nhưng chất liệu lợp cũng hoàn toàn bằng gỗ thì đây là căn nhà duy nhất hiện có ở Việt Nam.

Nhà vốn có ba gian, ba mái chóp nhọn nhưng năm 1954 cây me già đổ đã làm sập mất một gian. Do trải qua chiến tranh loạn lạc, không có điều kiện trùng tu khôi phục nên phía trong nhà bị hư hỏng nặng, nhất là phần trang trí nội thất.

Nhà chính thức được khởi công ngày 7 tháng 10 năm 1883, do nghệ nhân điêu khắc gỗ người Lào tên Tha Vi Vông Khăm Sao chịu trách nhiệm thiết kế và làm thợ cả, điều hành 14 người thợ lành nghề; 18 con voi được huy động khai thác và kéo gỗ; thi công ròng rã hơn mười sáu tháng mới hoàn thành vào ngày 19 tháng 2 năm 1885.

Để lợp đủ mái nhà, người ta phải đẽo 8.726 thanh gỗ để làm ngói, tốn gần 7,5m3 gỗ cà chít. Trị giá căn nhà vào thời điểm lúc bấy giờ tương đương giá trị 12 voi có cặp ngà dài. Lễ cúng nhà mới theo phong tục tân gia được tổ chức long trọng ngày 19 tháng 3 năm 1885, mổ thịt hết 22 con trâu...

Do đã di chuyển một lần vào năm 1929, cách nền cũ 1.000m vì những căn nhà xung quanh bị cháy, căn nhà sàn cổ quý giá ấy nay chỉ còn lại một ít chứng tích ở kiểu kiến trúc, giàn cột mối mọt, những tấm ván thưng có chạm trổ công phu quanh vách và lớp ván lót sàn lên nước bóng ngời cùng một số ngói đẽo bằng gỗ cà chít.

Tuy nhiên, so với tất cả những nhà sàn khác trong buôn, kể cả căn nhà trệt thấp tối lè tè của Khăm Phết ở xã Ea Tu mà nhiều lần Ama Kông lánh vợ nương náu, thì ngôi nhà sàn cổ của KhunJu Nốp vẫn đẹp bề thế và mát mẻ nhất giữa những tán lá me già xanh rợp quanh năm, nên Ama Kông quyết ở đây cho tới cuối đời, không đi đâu nữa.

Chiều 7/3, cùng phóng viên báo Tiền Phong trở lại nhà sàn cổ thăm Vua Voi, Khăm Phết Lào - người đã được Cục Sở hữu Trí tuệ ký QĐ số 72097 từ ngày 24/11/2008 chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu kế thừa bài thuốc nam gia truyền chuyên trị đau lưng, nhức mỏi, kém ăn, mất ngủ, khớp, bổ thận tráng dương của Vua Voi Ama Kông - phát hiện bà Hồng Khăm đã tự ý chôn bảng quảng cáo bán thuốc mới trước căn nhà bà được chia.

Khăm Phết mách bố, Vua Voi tức giận bảo “các con phải nhổ bảng ấy ngay, nó có biết gì làm thuốc đâu mà bán”. Ama Kông dặn: Từ nay bố con mình phải lo làm ăn, bảo vệ uy tín cho thương hiệu, để thuốc dỏm bán tràn lan như hiện nay là nguy hiểm lắm.

Điều quan trọng hơn nữa là phải tìm cách trồng được các loại cây Tơm Trơng quý giá, cố gắng gieo trồng nhân giống. Cứ khai thác mãi thế này, lỡ mai kia rừng hết cây thì còn đâu thuốc quý?!

Gia tộc Ama Kông: Báo Tiền Phong viết chính xác

Vua Voi sau ly hôn ảnh 2
Ama Kông đang đọc báo viết về mình
Nhiều độc giả điện thoại, email về tòa soạn thắc mắc: Vừa qua, sau khi Tiền Phong Cuối tuần số 14 (30/3-5/4/2009) đăng phóng sự “Bi kịch hôn nhân của Vua Voi Ama Kông ở tuổi 99”, có một số báo khác đưa tin liên quan đến việc này, nhưng các chi tiết đưa ra lại không giống thông tin báo Tiền Phong đã đưa.

Như: tay Ama Kông chỉ bị xước nhẹ, không ảnh hưởng gì tới việc cử động; Con trai Vua Voi là Khăm Phết Lào cho biết mình không thông tin với ai chuyện Ama Kông bị đứt tới 3 ngón tay; Ama Kông có con chung 15 tuổi với bà Hồng Khăm, 2 người chỉ mới ly thân v...v...

Vậy báo nào viết đúng, báo nào viết sai? Phóng viên báo Tiền Phong có gặp trực tiếp các nhân vật liên quan hay chỉ thực hiện “phóng sự salon”?

Tiền Phong nói rõ về việc này như sau:

Chiều 23/3, ông Khăm Phết Lào đến trụ sở Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên gửi đơn của Ama Kông tố cáo về việc bà Hồng Khăm chém đứt tay.

Đơn viết: “12 giờ đêm 27/2, bà dùng bạo lực đánh đập và lấy dao chém vào đầu tôi. Tôi giơ tay đỡ nên tay trái tôi bị đứt cả 4 ngón, mỗi ngón phải khâu 3 mũi, 2 ngón bị đứt gân không cử động được...”. Kèm đơn Tố cáo là đơn xin Ly hôn  và giấy Chứng thương.

Trong giấy chứng thương, BS Nguyễn Xuân Thắng ghi rõ bệnh nhân Ama Kông điều trị từ ngày 7/3 - 13/3/2009  tại phòng khám 39 Trần Hưng Đạo, Buôn Ma Thuột sau khi đã được điều trị tại cơ sở y tế huyện Buôn Đôn.

Tình trạng: nhiễm trùng các vết thương bàn tay trái, ngón 3 và ngón 4 bàn tay trái bị đứt gân, bầm tím sưng nề bàn chân trái.

Điều trị: thay băng, tiêm kháng sinh hàng ngày, truyền đạm bồi dưỡng nâng cao thể trạng. Ý của gia đình không nối gân tiếp, để nguyên vì bệnh nhân tuổi đã cao, sức yếu.

Sáng 24/3, cùng đi với tác giả bài báo về Buôn Đôn thăm và làm việc với Ama Kông và bà Hồng Khăm có cả Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Nguyễn Ngọc Nam và trưởng phòng Nghiên cứu - Phát triển báo Tiền Phong Nguyễn Văn Hải. Các vết thương trên bàn tay trái của Ama Kông sắp lành, riêng hai ngón đứt gân không cử động được.

Ảnh bìa 1 TPCT số 14  Ama Kông thổi tù và vào trưa ngày 24/3 cho thấy 2 ngón tay trái của Ama Kông không co nắm được như các ảnh Ama Kông thổi tù và chụp trước sự cố 27/2.

Bé H’Búp năm nay học lớp 6, sổ hộ khẩu gia đình ghi năm 1997, đồng bào địa phương ở buôn Yang Lành khẳng định tuổi thật bé sinh năm 1998, là con của bà Hồng Khăm với một thợ xây dựng quê ở Huế. Trong đơn xin ly hôn Ama Kông cũng viết rõ ông với bà Hồng Khăm không có con chung.

Ngày 7/4/2009 tại Buôn Đôn, cha con Khăm Phết Lào, Ama Kông xác nhận tất cả các thông tin trên báo Tiền Phong về Ama Kông là hoàn toàn chính xác. Me Lẽn, con gái đầu của Ama Kông cung cấp thêm cho phóng viên “Biên bản giải quyết về việc vợ chồng Ay Vễ  (tức Am Kông, gọi theo tên con gái đầu Me Lẽn tức cháu nội Ama Kông theo tập quán mẫu hệ) và Hồng Khăm bỏ nhau, chia tài sản hiện có”, do tổ hòa giải và gia đình hai bên lập trong 2 ngày 29, 30/3/2009 tại buôn Yang Lành.

Cha con Ama Kông khẳng định những đơn thư tư liệu hình ảnh của gia tộc Ama Kông liên quan đến các vấn đề này, cho tới nay cha con ông chưa hề gửi cho báo nào khác ngoài báo Tiền Phong.

Khăm Phết tuyên bố chưa từng làm việc với phóng viên báo nào khác về chuyện “đứt hay không đứt tay” của Ama Kông, nếu báo nào khác còn tiếp tục đăng tải những thông tin thất thiệt về Ama Kông, ông sẽ khiếu nại thậm chí kiện ra tòa.

MỚI - NÓNG