Nước tinh khiết thành nước bẩn: Quản không xuể?

Nước tinh khiết thành nước bẩn: Quản không xuể?
TP - Nhiều năm nay, việc thanh kiểm tra trên 300 cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai ở TP Hồ Chí Minh gần như bị bỏ ngỏ cho đến thời gian gần đây, y tế địa phương phát hiện nhiều bình nước tinh khiết là nước bẩn.

Chỉ sau cảnh báo của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM vào cuối năm 2008 - khi nơi đây có báo cáo kết quả kiểm nghiệm nước đóng bình, đóng chai không đảm bảo vệ sinh gửi Bộ Y tế, ngành chức năng mới vào cuộc và phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất nước không an toàn.

Tính đến ngày 30/3, Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra trên 70 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, chai trên địa bàn và phát hiện 27 cơ sở không đảm bảo vệ sinh với hơn 20 mẫu nước nhiễm vi sinh.

Ngày 15/2/2009, sau khi báo chí cảnh báo nguy cơ nước tinh khiết, Thanh tra Sở Y tế TPHCM bắt đầu thanh tra và phát hiện mẫu nước loại đóng bình bảy lít nhãn hiệu Aquaphar của Cty TNHH SX-TM Tâm Đăng ở 84/7 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, nhiễm Pseudomonas aeruginosa - một loại vi trùng gây bệnh mủ xanh. Danh sách các cơ sở làm nước bẩn ngày một dày lên.

Người dân lo lắng hơn khi ngày 26/3, Sở Y tế TPHCM tiếp tục công bố bảy mẫu nước uống đóng chai, đóng bình của năm cơ sở trên địa bàn thành phố qua kiểm nghiệm phát hiện nhiễm vi sinh. Đến nay, cơ quan chức năng đã niêm phong tiêu hủy gần 60.000 lít nước.

Liệu có bao nhiêu cơ sở sản xuất nước không đảm bảo vệ sinh, nước nhiễm vi sinh, bị niêm phong vẫn lén lút sản xuất và tung ra thị trường mà ngành chức năng khó kiểm soát được?

Quản không xuể?

Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, hiện thành phố có hơn 300 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai. Ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay, để quản được nước đóng bình, chai trên địa bàn, nhiều ngày qua Thanh tra Sở và 24 quận huyện ráo riết thanh kiểm tra và sẽ công bố danh sách đen trong thời gian sớm nhất.

Để cho ra sản phẩm nước tinh khiết, cơ sở tự lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm rồi nộp kết quả cho Sở Y tế TPHCM. Dựa trên kết quả đó, Sở Y tế cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

Tuy nhiên, trong khi chờ ngành chức năng vạch mặt chỉ tên các cơ sở làm nước tinh khiết gian dối, người tiêu dùng vẫn phải tự cứu lấy mình trước. Đại diện Sở Y tế cho biết, trách nhiệm của ngành là thanh kiểm tra, hậu kiểm nhưng có lúc vẫn làm theo chiến dịch.

Trong một cuộc làm việc tại Sở Y tế TPHCM mới đây, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP, đặt nghi vấn, trong hơn 300 cơ sở làm nước tinh khiết, liệu ngành y tế đã thanh kiểm tra, hậu kiểm hết. Đó là chưa kể còn rất nhiều cơ sở khác lén lút hoạt động, cho ra lò nhiều nhãn nước tinh khiết khác nhiễm bẩn ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu từ nay đến 20/4, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, bình phải nộp kết quả kiểm nghiệm tất cả các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn Việt Nam của sản phẩm nước uống đóng chai, bình có thời hạn kiểm nghiệm không quá sáu tháng về Sở Y tế TPHCM.

Các cơ sở này phải nộp phiếu kiểm nghiệm nước thực hiện định kỳ các chỉ tiêu đã công bố đối với sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường.  

MỚI - NÓNG
Mùa mưa ở TPHCM và Nam bộ bao giờ kết thúc?
Mùa mưa ở TPHCM và Nam bộ bao giờ kết thúc?
TPO - Dự báo từ ngày 28-29/11, khu vực TPHCM khả năng có mưa rào và dông rải rác, vài nơi có mưa vừa, những ngày còn lại không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng mưa không đáng kể. Từ đầu tháng 12, khu vực Nam bộ sẽ kết thúc mùa mưa và bước sang giai đoạn mùa khô.