Một lò phản ứng hạt nhân chưa đảm bảo về quy mô kinh tế

Một lò phản ứng hạt nhân chưa đảm bảo về quy mô kinh tế
TP - Đó là ý kiến của ông Lê Tuấn Phong - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) - trả lời việc các nhà khoa học cho rằng chỉ nên xây dựng một lò phản ứng hạt nhân thay vì xây 4 lò cùng lúc.
Một lò phản ứng hạt nhân chưa đảm bảo về quy mô kinh tế ảnh 1
Ông Lê Tuấn Phong. Ảnh: M.H

Thưa ông, trên cơ sở nào Bộ Công Thương đề xuất xây cùng lúc 4 lò phản ứng hạt nhân?

Rất tiếc, tôi không có điều kiện tham dự cuộc họp này. Tuy nhiên, theo tôi việc phát triển điện hạt nhân căn cứ vào dự báo nhu cầu, cân bằng năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng.

Về nhu cầu, phải tính toán, dự báo trên kịch bản tăng trưởng, phát triển kinh tế, trình Chính phủ, chứ đâu phải Bộ quyết định được.

Kinh tế càng phát triển tiêu thụ điện càng nhiều, dự kiến năm 2020 Việt Nam sẽ tiêu thụ từ 200  – 240 tỷ kWh, tùy thuộc tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 8 – 8,5%/năm (kịch bản cơ sở) hoặc 10 – 11% năm (kịch bản cao).

Về cân bằng năng lượng, trong tương lai gần chúng ta sẽ phải nhập khẩu năng lượng, ví dụ như than. Việc nhập khẩu than gặp nhiều khó khăn. Nhập khẩu khối lượng lớn phải có hạm đội tàu, cảng lớn, than đốt xong lại thải ra lượng xỉ rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường...

Về an ninh năng lượng thì Việt Nam phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng. Theo nghiên cứu, giá điện hạt nhân rẻ hơn than nhập khẩu. Còn về vấn đề tại sao xây 4 lò chứ không phải 1 lò thì tôi phải nói là chỉ xây một lò về quy mô kinh tế là không hợp lý.

Nếu làm ăn nhỏ lẻ thì không bao giờ có giá rẻ. Xây một tổ máy Nhà nước cũng phải xây dựng một bộ máy quản lý về tiêu chuẩn, giám sát, thanh tra, ra văn bản pháp luật liêu quan, rồi phải xây dựng trương trình đào tạo, nội địa hóa, nâng cao năng lực... mà xây nhiều lò cũng phải làm như vậy.

Hơn nữa, xác suất xảy ra sự cố ở một lò hay nhiều lò là như nhau. Vậy tại sao lại xây một chứ không phải nhiều lò? Chỉ làm một lò thì không nên làm. Trong Quy hoạch điện 6 đã có tiến độ cụ thể cho từng tổ máy chứ cũng không hoàn toàn xây dựng liền một lúc.

Ông đánh giá thế nào về tiềm lực của Việt Nam hiện nay trong vận hành và quản lý điện hạt nhân, đặc biệt là vấn đề nhân lực?

Trong chương trình phát triển năng lượng hạt nhân đã có chương trình đào tạo nhân lực điện hạt nhân, đã trình Chính phủ cách đây 2 – 3 năm. Giai đoạn nào cần bao nhiêu nhân lực, loại nào đã được tính toán rồi. Hiện nay chương trình này đang được triển khai.

Một số nước như Nhật, Hàn Quốc đã nhận đào tạo các đợt ngắn hạn và đã đào tạo được nhiều đợt rồi. Đào tạo ngắn hạn là cho các cán bộ đang làm việc trong ngành điện. Họ đã có kiến thức về ngành này nên học quy trình vận hành rất nhanh. Nhà máy nhiệt điện và nhà máy điện hạt nhân khác nhau mỗi cái lò. Nhà máy nhiệt điện thì lò đốt bằng than, dầu, khí còn nhà máy điện nguyên tử là lò phản ứng.

Giai đoạn nào cần gì thì đào tạo để đáp ứng. Chẳng hạn hiện nay đang cần cán bộ quản lý dự án, cán bộ xây dựng văn bản pháp lý thì phải cử cán bộ trong ngành điện đi học. Còn muốn đào tạo chuyên gia để vận hành nhà máy thì phải cử sinh viên đi. Lớp trẻ đã ra trường hiện đang đi làm cho các dự án. Chỉ còn lớp sinh viên. Sau khi được đào tạo sẽ quy về tiếp tục làm dự án. Ai giỏi thì học tiếp làm chuyên gia.

Khi nào chọn được công nghệ nào cho nhà máy điện hạt nhân của ta thì đưa sinh viên đi đào tạo vận hành công nghệ ấy. Đào tạo đến khi thành thục mới cho vào vận hành. Có sát hạch đầy đủ mới được làm.

Các nhà khoa học cho rằng, nguy cơ thiếu điện trầm trọng năm 2020 là không có cơ sở và hoàn toàn có thể bù đắp phần năng lượng thiếu hụt bằng các nguồn năng lượng tái tạo cộng với chính sách tiết kiệm. Do đó, không thể nói thiếu điện trầm trọng để tạo áp lực xây dựng cùng lúc 4 lò phản ứng hạt nhân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi ủng hộ phát triển năng lượng tái tạo. Sử dụng năng lượng tái tạo sạch nhưng giá điện rất cao. Nếu phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cần xem xét khả năng kinh tế. Việc lựa chọn điện hạt nhân phải dựa trên tính toán tổng thể các vấn đề kinh tế xã hội.

Giới khoa học cũng cho rằng, chỉ nên xây trước một lò phản ứng cơ hội để có thể hoàn thiện những mặt yếu kém và thay đổi về công nghệ nếu có những bất lợi trong quá trình vận hành?

Khi đấu thầu quốc tế đã phải chọn công nghệ tốt nhất, cao nhất. Các nước phát triển họ cũng liên tục cải tiến công nghệ. Nếu chờ thì chờ đến bao giờ làm cái thứ hai? Bao giờ có công nghệ cao hơn nữa?

Cảm ơn ông. 

Tại sao đã gần 10 năm kể từ khi Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng báo cáo tiền khả thi dự án nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, Bộ không thành lập hội đồng khoa học để lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học?

Trong quá trình thực hiện, đã có rất nhiều hội thảo được tổ chức. Các chuyên gia về năng lượng hạt nhân thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử cũng là những người cùng xây dựng báo cáo này.

Bộ Công nghiệp trước đây đã làm, nguyên tắc là phải lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan trước khi trình Chính phủ, các chuyên gia về điện nguyên tử ở Viện Năng lượng Nguyên tử thì đã tham gia từ lâu rồi. Nếu Chính phủ thời gian tới yêu cầu phải tiếp tục lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ là đơn vị đứng ra chủ trì và làm việc với Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước.

 Mỹ Hằng thực hiện

MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.