Một tiết mục trình diễn trong Festival Huế |
Các chương trình nghệ thuật của nước chủ nhà xuất xứ từ nhiều vùng miền văn hóa. Phía nam có đoàn Bông Sen, ATB - Ánh Tuyết... Phía bắc có Nhà hát Thăng Long, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Trung ương, Múa rối, múa bài bông Yên Tử. Miền Trung có ca múa nhạc Sao biển, tuồng Bình Định… Bản sắc Huế vẫn là giai điệu chủ của Festival.
Bên cạnh các đoàn nghệ thuật của nước chủ nhà là sự góp mặt của các đoàn đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Nga, Anh, Úc, Mỹ, Italia, Bỉ, Tây Ban Nha, Rumani, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel.
Đối tác phối hợp tổ chức Festival vẫn là Pháp. Mỗi đoàn là một sứ giả văn hóa, giới thiệu những loại hình nghệ thuật thể hiện sắc thái văn hóa của mỗi quốc gia.
Ngoài các chương trình nghệ thuật đa sắc màu, mỗi kỳ Festival đều có nhiều sản phẩm du lịch mới.
Với ý tưởng tổ chức một Festival có không gian rộng mở, nhiều hoạt động lễ hội đường phố, lễ hội cộng đồng, các tour du lịch lên rừng, xuống biển, hương xưa làng cổ… kéo du khách về với hương đồng gió nội, Festival là cơ hội để Huế quảng bá và tôn vinh di sản văn hoá, cũng là cơ hội đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch mới, khai thác nhiều tiềm năng để phát huy lợi thế so sánh của điểm đến.
Festival năm nay có 4/7 lễ hội mới được phục dựng. Đó là lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung, lễ tế Xã Tắc, lễ thi Tiến sĩ Võ, chương trình Huyền thoại sông Hương.
Các lễ hội cũ cũng được làm mới về nội dung, hình thức. Lễ hội Áo dài ngoài bộ sưu tập mới là không gian và sân khấu mới. Lễ hội Nam Giao là lễ tế thật chứ không phải “sân khấu hóa”...
Các hoạt động của Festival đã có sự tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hoá, du lịch, thúc đẩy Huế đột phá, tăng trưởng nhanh hơn. Các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, nhiều lễ hội hấp dẫn, cùng với công tác quảng bá đã tốt hơn nên lượng khách đến với các các hoạt động của Festival lần sau nhiều hơn lần trước.
Nhưng chỉ có 9 ngày?
Cầu Tràng Tiền, sông Hương |
Festival Huế là một bữa tiệc văn hóa đặc sắc. Mới xem qua tờ chương trình Festival 2008 cũng đủ thấy kho tàng văn hóa truyền thống Việt Nam được bảo tồn, lưu giữ tại Huế rất phong phú, đa dạng và hấp dẫn.
Nó sẽ “đẻ trứng vàng” nếu chúng ta biết đánh thức các giá trị và biết khai thác hợp lý. Du khách đi trọn một tour 3 ngày vẫn thòm thèm, tiếc rẻ vì không thể đủ quỹ thời gian để dự khán hết các chương trình.
Cho dù chỉ cưỡi ngựa xem… Festival. Bữa tiệc thịnh soạn thì sang trọng, đẹp mắt. Nhưng sẽ bị bội thực. Và dĩ nhiên là không tránh khỏi sự tốn kém và lãng phí. Nhiều hoạt động diễn ra liên tục, nhiều chương trình diễn ra đồng thời điểm. Sẽ có những chương trình khách lưa thưa, hoặc khách mời nhiều hơn khách bỏ tiền túi mua vé.
Cũng có những chương trình dở - có thể hay ở xứ người nhưng lạc lõng với xứ ta? Đầu tư cho mỗi chương trình đều rất công phu và tốn kém cả về sức người lẫn sức của. Đầu tư lớn mà thu không bù được chi là một kiểu lãng phí.
Chưa thấy lần nào Ban tổ chức công bố kinh phí đã đầu tư cho mỗi kỳ Festival là bao nhiêu, bị âm bao nhiêu? Lần nào Ban tổ chức cũng né tránh câu hỏi này trong các buổi họp báo? Lý do đưa ra là nhằm tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhằm quảng bá hình ảnh Huế, hình ảnh Việt Nam...
Lý lẽ hay là thế nhưng tại sao lại không tổ chức quảng bá thường xuyên, liên tục, mà Festival chỉ diễn ra trong 9 ngày? Nói chính xác là 12 ngày trong 2 năm - năm lẻ có Festival nghề truyền thống do UBND TP Huế tổ chức. Là thành phố Festival nhưng 2 năm chỉ tổ chức được 12 ngày thì thật lãng phí.
Festival thường xuyên hay chiến dịch?
Thành phố Festival thì quanh năm phải sống trong bầu không khí lễ hội, liên hoan, giao lưu văn hóa - nghệ thuật. Tại sao không tạo ra cơ chế tích cực để cho các lễ hội dân gian, tôn giáo lành mạnh được duy trì thường xuyên, nghiêm túc và có tác động tích cực đến đời sống văn hoá, đời sống tâm linh của người dân và du khách.
Không phải liên hoan nào cũng phải do chính quyền, do ngành Văn hóa- Du lịch tổ chức. Một Hội vật làng Sình, một lễ hội Cầu Ngư ở Thuận An - ban đầu chỉ mang tính tự phát - mà không khí lễ hội ở đó đã sôi động vài ba ngày, khách thập phương đổ về cũng không ít.
Cách đây chưa lâu, vào trung tuần tháng 5, lễ Phật đản diễn ra trang trọng và sâu lắng trong suốt một tuần lễ. Không khí và hình ảnh của tuần lễ Phật đản vẫn còn tràn đầy với những cổng vòm và hoa sen nở khắp các đường phố chính.
Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ngày và đêm vẫn quyến rũ với bộ sưu tập ảnh danh lam cổ tự. Sông Hương hàng đêm vẫn lung linh 6 đóa sen hồng nâng gót tịnh...
Tuần lễ Phật đản mới đây như là một hoạt động khởi đầu của Festival Huế 2008 và làm cho Huế thêm đẹp, thêm hàm lượng văn hóa, mà không phải tốn kém kinh phí từ ngân sách nhà nước. Không lễ hội nào ở Huế có sự cộng hưởng mạnh mẽ từ lòng dân, từ sức dân như lễ hội Phật đản.
Cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa có sẵn, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Huế đủ điều kiện để tổ chức những chương trình lễ hội đặc thù trong từng tháng.
Tháng giêng Kinh Bắc các làng Quan họ “đi hát hội” tại sao Huế không kết nối lễ hội Huyền Trân công chúa, Hội vật làng Sình, Hội Cầu Ngư Thuận An, Hội tết Nguyên tiêu - gắn với Festival thơ nhân ngày thơ Việt Nam - thành một chương trình du xuân? Lễ hội mùa xuân hàng năm của Huế sẽ được kết thúc bằng lễ hội Nam Giao, lễ tế Xã Tắc?
Tổ chức lễ hội phải đúng mùa, đúng ngày thì mới có ý nghĩa, không cần quảng bá du khách cũng nườm nượp đổ về như lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Đền Hùng, lễ hội Làng Sen...
Cũng với chừng đó kinh phí, nếu sắp xếp hợp lý, khoa học, Huế có thể tổ chức được nhiều Festival trong mỗi năm. Cơ hội quảng bá hình ảnh Huế, hình ảnh Việt Nam hiển nhiên sẽ được nhân lên nhiều lần.
Các chương trình lễ hội được dãn ra ở nhiều thời điểm sẽ có điều kiện tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng nghệ thuật. Chất lượng các dịch vụ phục vụ du khách cũng tốt hơn và giá tour sẽ rẻ hơn nhiều, du khách sẽ không bị “chặt chém” do bội thực và quá tải.
Festival không có ngày bế mạc?
Festival Huế như lâu nay đang sa đà, miên man với các chương trình quảng diễn trên sân khấu và hoạt động lễ hội bất thường, không đúng với thời điểm đã ăn sâu trong tiềm thức, trong đời sống tâm linh của người dân.
Công việc đáng được quan tâm hàng đầu trong Festival là xây dựng cho được nhiều sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt là những sản phẩm đầu tư kinh phí ít nhưng lại có hiệu quả cao, có khả năng khai thác thường xuyên. Hiện nay đang có những lễ hội, những sân khấu chi phí khá lớn cứ dựng lên một lần rồi dỡ bỏ thì thật là lãng phí, cần tính toán lại.
Đây không phải là ý kiến của riêng chúng tôi. Sau ngày bế mạc Festival 2006, trên báo Lao động có bài viết: “Festival không có ngày bế mạc!”.
Tác giả nhấn mạnh: “Không gian, hơi thở Huế đã thấm đẫm vào lễ hội, những điều này không phục dựng được, nó là có sẵn nguyên thế, chất chứa hồn vía Huế như thế, ẩn vào trong từng ánh mắt mỗi diễn viên mà tạo nên khí sắc thiêng liêng, rạng rỡ hay trầm lắng của lễ hội. Mỗi lần đến với Festival Huế du khách đều thấy Huế rất mới vì Huế biết làm cho mình xưa cũ. Huế mãi là nhịp sống festival.
Không diễn viên nào thay thế được vai trò người dân trong festival ở Huế... Tôi vẫn mong những kỳ festival sau chẳng cần phải quá dụng công tạo nên những chương trình lễ tốn kém, chẳng cần phải chen vào Huế những sân khấu biểu diễn, chẳng cần phải quá mất sức cho việc tổ chức, sắp xếp, dàn dựng lễ hội, hãy để Huế như thế, bình yên như thế, trầm lắng như thế, với những cánh diều ngày ngày vẫn bay, với những con đò chở nặng tiếng hò lặng trôi, với một làng nghề như thường ngày, với một hoàng thành ngày nào như cũng đang có thiết triều, đang có vua chúa, đang có mỹ nhân; với một đường phố, mảnh làng xưa cũ... chỉ cần thế thôi Huế sẽ mãi mãi là một thành phố festival. Đó sẽ là festival không ngày bế mạc”.
Thanh Tùng