Độc lực của vi khuẩn tả có thể tăng lên nhiều lần

Độc lực của vi khuẩn tả có thể tăng lên nhiều lần
TP - "Điều đáng lo ngại là nếu vi khuẩn tả lan truyền nhiều lần từ người này sang người kia thì độc tố của nó có thể tăng lên nhiều lần"- Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư Nguyễn Trần Hiển nói.
Độc lực của vi khuẩn tả có thể tăng lên nhiều lần ảnh 1
Ông Nguyễn Trần Hiển

Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), chính thức trả lời báo chí ngày 9/11, về những nghiên cứu quan trọng mà Viện đang tiến hành nhằm xác minh con đường phát sinh và lây lan bệnh tả tại Việt Nam.

Vi khuẩn tả được xác định chính xác xuất phát từ đâu, thưa ông?

Mặc dù chưa khẳng định được nguyên nhân gây bệnh, nhưng qua các số liệu nghiên cứu củaViện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, có thể khẳng định vi khuẩn tả xuất phát từ thực phẩm.

Không chỉ mắm tôm, bất cứ thực phẩm nào hiện nay cũng có thể là nguồn gây bệnh nếu không có nguồn gốc rõ ràng hoặc không được nấu chín, đun sôi.

Con đường lây nhiễm bệnh này được xác định như thế nào?

Tiêu chảy cấp, tiêu chảy cấp nguy hiểm và tả có chung đường lây truyền là đường phân miệng. Nghĩa là từ người lành mang bệnh và từ người bệnh, vi khuẩn qua phân ra môi trường, nhiễm vào nguồn nước.

Từ nguồn nước vi khuẩn nhiễm vào thực phẩm theo nhiều cách: Qua chế biến thức ăn như rửa rau; qua đồ dùng, vật dụng sử dụng trong quá trình chế biến như dao, thớt, thìa…; qua trồng trọt khi người nông dân sử dụng phân tươi có vi khuẩn tả để bón ruộng, trồng rau…

Đến thời điểm này đã có thể loại mắm tôm ra khỏi danh sách các nguồn gây bệnh chưa?

Chúng tôi đang nghiên cứu liệu mắm tôm có vai trò lây truyền thực sự hay không. Qua số liệu điều tra của NIHE, chúng tôi nhận thấy thời điểm đầu của dịch, 80 – 90% bệnh nhân có tiền sử ăn mắm tôm, thịt chó, rau sống.

Vì vậy xác định có thể đây là thủ phạm. Nhưng qua xét nghiệm 50 mẫu mắm tôm lấy của bệnh nhân, lấy từ các quán ăn, chợ, nơi phân phối mắm tôm của Hà Nội, Hà Tây, Thanh Hóa…, chúng tôi chưa phát hiện một mẫu mắm tôm nào dương tính với phẩy khuẩn tả.

Chúng tôi tiếp tục điều tra, nghiên cứu việc pha loãng mắm tôm bằng nước. Giả thuyết đặt ra là ở môi trường mắm tôm đặc, nồng độ muối cao, vi khuẩn không sống được.

Nhưng khi hòa loãng bằng nước, nước đó ô nhiễm bởi vi khuẩn tả và nó lưu trú mắm tôm đã pha trong một thời điểm nào đó, từ đó nhiễm vào người ăn.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ của đợt dịch này so với các vụ dịch trước đây?

Chưa bao giờ có một vụ dịch nào phức tạp như bây giờ. Gần như đồng loạt tất cả các quận huyện của Hà Nội đều có dịch. Trong khi đó, các ổ dịch lại không liên quan đến nhau. Các bệnh nhân không sống cùng nhau, không ăn cùng nhau…

Tuần đầu tiên phát dịch có 33 ổ dịch thì 33 bệnh nhân ăn ở những chỗ khác nhau, sống ở nhiều nơi khác nhau. NIHE đang nghiên cứu về dịch tễ học phân tử để tìm ra cấu trúc của vi khuẩn tả ở các vùng khác nhau có khác nhau về di truyền học hay không.

Nếu giống, có thể vụ dịch gây ra do một nguồn nhiễm khuẩn tả. Cụ thể ở vụ này dịch là từ một quận của Hà Nội. Nếu khác, các vụ dịch này không liên quan đến nhau.

Trong gần một tháng bùng phát dịch, vi khuẩn tả đã có những biến đổi nào, thưa ông?

Độc lực của vi khuẩn tả có thể tăng lên nhiều lần ảnh 2
Bệnh nhân tả điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia.       Ảnh: M.H

Một điều đáng lo ngại hiện nay là nếu vi khuẩn tả lan truyền nhiều lần từ người này sang người kia, tức là số lần thứ phát tăng lên, thì độc tố của nó có thể tăng lên nhiều lần, bệnh cảnh lâm sàng sẽ phát triển nặng hơn, trầm trọng hơn.

Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, 40% số bệnh nhân mắc tả có thể tử vong do mất nước. Một bệnh nhân tả có thể mất 5 – 10l/nước/ngày.

Ông đánh giá như thế nào về diễn biến dịch tiêu chảy cấp ở Hà Nội trong thời gian tới?

Hà Nội bắt đầu qua đỉnh dịch, vì vậy trong vài ngày tới số bệnh nhân mắc tả và tiêu chảy cấp nguy hiểm có thể sẽ giảm. Thời gian vi khuẩn phơi nhiễm ra môi trường từ 3 – 5 ngày.

Trong 5 ngày đó số người mắc có thể vẫn tăng nhưng sau đó sẽ giảm, nhất là khi chúng ta thực hiện các biện pháp mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, ở các tỉnh số bệnh nhân có thê vẫn tăng do các ca thứ phát bắt đầu tăng lên. Nhiều người chăm sóc bệnh nhân cũng đã bị nhiễm bệnh.

Chúng ta không thể nhận biết được người lành mang bệnh, vậy có thể phòng tránh lây nhiễm từ những người này như thế nào?

Một người mắc tả phải nằm viện thì 20 người mang vi khuẩn tả vẫn khỏe mạnh. Họ là nguồn lây nhiễm ra môi trường qua đường thải phân trong thời gian từ 7 – 14 ngày.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là rửa tay trước khi ăn, không ăn thực phẩm chưa đun sôi, nấu chín và không rõ nguồn gốc.

Các thực phẩm đã chế biến sẵn như giò chả, bánh cuốn… khi mua về có thể hấp nóng lại hoặc cho vào lò vi sóng để tiệt trừ vi khuẩn.

Xin cảm ơn ông!

Bộ Y tế chính thức xác nhận 159 trường hợp mắc tả

Ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu chính thức xác nhận có 159 ca mắc tả trong tổng số 1.378 trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm trong cả nước, tính từ đầu vụ dịch đến nay.

So với những ngày đầu của đợt dịch, số ca mắc mới đã giảm đáng kể. Trong ngày 9/11 dù có thêm 162 ca nhưng chỉ có 2 trường hợp được xác định dương tính với vi khuẩn tả.

Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm và điều tra dịch tễ cho thấy nguyên nhân gây bệnh chủ yếu vẫn là ăn uống mất vệ sinh. Vì vậy, Bộ Y tế xác định công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay được coi là ưu tiên số một.

Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị triển khai ngay một một số biện pháp tăng cường VSATTP để dập tắt và kiểm soát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Bộ Y tế cũng đang xem xét, chuẩn bị phát động chiến dịch trên quy mô toàn quốc về VSATTP. Trong đó, tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về vệ sinh thực phẩm và môi trường; Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát dịch vụ thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể ở trường học, khu công nghiệp, các lễ hội.

Tại Hà Nội – nơi đầu tiên phát dịch –153 bếp ăn tại các trường học và 12 nhà máy nước đã được kiểm tra, giám sát. Hà Nội cũng chủ động mua thêm 90.000 đôi găng tay để phát ngay cho các cơ sở bán thực phẩm đường phố.

Ban chỉ đạo VSATTP thành phố sẽ kiểm tra việc sử dụng găng tay tại các cửa hàng ăn uống. Cửa hàng nào không sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định, đồng thời buộc đóng cửa và thu hồi giấy phép kinh doanh.

Mỹ Hằng ghi

MỚI - NÓNG