Cứ như quy định trong dự thảo đưa ra, thì tới đây lực lượng CSGT phải học qua lớp đào tạo chuyên môn về MBH, mới có đủ trình độ nhận biết thật, giả; chưa kể mỗi khi đi làm nhiệm vụ, lực lượng này còn phải mang theo thước để đo lưỡi trai mũ dài, ngắn thế nào..., từ đó mới có căn cứ xử phạt người đội MBH không hợp quy.
Bởi theo dự thảo, thì người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông trên đường bộ có trách nhiệm sử dụng đúng MBH đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy CR theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đội MBH, cài quai đúng quy cách.
Nếu đội mũ không phải là mũ bảo hiểm theo quy định sẽ bị phạt, mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng; Với loại mũ lưỡi trai cứng, thì phần lưỡi trai không được lớn hơn 5 cm; MBH phải có đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo...
Thông thường, CSGT khi làm nhiệm vụ, đứng từ xa quan sát khó có thể biết MBH của người đang ngồi trên mô tô, xe gắn máy có được dán tem hay không, hoặc nó có đủ ba lớp, lưỡi trai dài ngắn thế nào. Bởi thế, việc đưa ra quy định này, có lẽ nó chỉ có tác dụng răn đe, nhắc nhở người dân khi mua MBH, hơn là lấy làm căn cứ pháp luật để xử phạt người đội MBH kém chất lượng.
Quanh chiếc MBH, từ cuối năm 2008, Bộ KHCN đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH cho người đi mô tô, xe máy. Theo đó, những loại mũ không có dấu xác nhận phù hợp tiêu chuẩn (CS) và dấu chứng nhận hợp quy (CR) sẽ không được phép sản xuất, lưu hành.
Với quy định này, nếu nó được cơ quan chức năng (quản lý thị trường) giám sát, thực thi nghiêm túc, thì đã có thể giải quyết tận gốc vấn đề chất lượng MBH. Tuy nhiên, hiện MBH kém chất lượng được bày bán tràn lan, tự do ngay trên những vỉa hè ở các đô thị lớn, như những mặt hàng hợp pháp.
Ở bất cứ quốc gia nào, vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hoá trước khi nó được phép lưu hành trên thị trường là lẽ đương nhiên, chứ không phải để hàng lậu, hàng giả bày bán tràn lan, sau đó kiểm soát người mua.
Việc đưa ra quy định xử phạt người đội MBH kém chất lượng, nó chỉ chứng tỏ cơ quan quản lý muốn khắc phục sự tắc trách trong quản lý, giám sát thực thi pháp luật của mình, bằng việc bắt bẻ người tiêu dùng. Như vậy, có khác nào cơ quan quản lý đang làm một việc tốn sức, kém hiệu quả là “thả gà ra đuổi”.