Bội ước với dân

Bội ước với dân
TP - Phê bình ngành khác, địa phương khác dễ; phê bình ngành mình, địa phương mình mới khó. Nói người này, người kia sai, dễ hơn nhận cái sai về mình.

> Hội quan thề

Vậy nên vụ việc ở Tiên Lãng, nhiều cấp, nhiều ngành vào cuộc muộn, để cái sẩy nẩy thành cái ung, trước hết phải nhận trong đó có chậm trễ có trách nhiệm của các cơ quan báo chí.

Xin dẫn chứng vụ UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất nuôi trồng thủy sản, rồi cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Lê Đình Thảo ở xã Tiên Thắng. Ông Thảo 4 năm trời long đong khiếu nại, khiếu kiện, từ huyện lên tỉnh, lên trung ương.

Ông Thảo hiện đã mất, tài liệu ông để lại con trai ông cung cấp cho các PV Tiền Phong, có nhiều văn bản bênh vực cho ông Thảo, của Sở TN&MT Hải Phòng, Viện KSND Tối cao, Trung ương MTTQVN, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật…

Tuy nhiên, không thấy có bài báo nào lên tiếng bênh vực ông Thảo (dù trước đấy ông từng được đài báo tung hô làm ăn giỏi, dám nghĩ, dám làm).

Cuộc họp báo về vụ việc ở Tiên Lãng của Thành ủy Hải Phòng, dẫu nhiều người nhận xét khá muộn màng, song cần ghi nhận đây là những tín hiệu tích cực. Thành ủy, mà trước hết là Ban Thường vụ đã mạnh dạn nhận khuyết điểm, mạnh dạn quy trách nhiệm, và mạnh dạn bước đầu xử lý những cá nhân có dấu hiệu sai phạm.

Khoan hãy bàn xử lý vậy thỏa đáng chưa. Về hành chính, còn báo cáo và chờ kết luận của Thủ tướng, rồi sau đó có kỷ luật ai cũng phải đúng trình tự, thủ tục luật định. Về tư pháp, những nghi can hủy hoại tài sản, trộm cắp tài sản, chưa ai bị tòa án tuyên phạm tội.

Vấn đề là, qua cách hành xử bước đầu của Thành ủy Hải Phòng, người dân đang được củng cố niềm tin vốn đã bị xói mòn quá nhiều qua cách hành xử của lãnh đạo huyện Tiên Lãng và lãnh đạo xã Vinh Quang trước đấy.

Sau cuộc họp báo, người viết bài này gọi điện ngay cho ông Lương Văn Trong - Phó chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, chúc mừng thắng lợi bước đầu trên chặng đường khiếu nại nhiều năm nay của ngư dân Tiên Lãng.

Khá thận trọng, ông Trong cho biết ông và nhiều ngư dân chưa hoàn toàn tin vào những tín hiệu ban đầu này. ‘‘Còn nhiều người phải chịu trách nhiệm nhưng chưa bị đình chỉ công tác, điển hình là ông Bí thư Huyện ủy, chắc đã thay đổi được gì’’, ông Trong nói.

Niềm tin không phải là cái gì trừu tượng. Nó được gây dựng từ những việc làm cụ thể. Trở lại chuyện đại diện UBND huyện Tiên Lãng thỏa thuận với hai ngư dân Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân, rằng nếu hai ông rút đơn kháng án, huyện sẽ cho hai ông được thuê lại diện tích mặt đất, mặt nước hai ông đang nuôi trồng thủy sản.

Theo Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính, dẫu thẩm phán của TAND TP Hải Phòng ký và đóng dấu vào, cái biên bản này không có giá trị pháp lý, không có chế tài buộc ai phải thực hiện. Nó chỉ cho thấy ông Vươn, ông Luân tin UBND huyện, tin hai vị đại diện của cơ quan này, vì vậy họ rút đơn kháng án. Bản thân câu hỏi vì sao họ lại tin vào hai vị cán bộ này đã hàm chứa điều gì đó rất không bình thường…

Theo người viết bài này, để bồi đắp niềm tin cho ngư dân huyện Tiên Lãng, Thành ủy Hải Phòng cần xem xét trách nhiệm cả 2 vị cán bộ đã đại diện cho UBND huyện Tiên Lãng, đã ký thỏa thuận với ông Vươn và ông Luân, song sau đó đã bội ước. Đó là ông Vũ Văn Hè, Trưởng phòng Tư pháp huyện, đại diện cho UBND huyện Tiên Lãng trong vụ kiện của ông Vươn.

Người thứ hai là ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN&MT huyện, đại diện cho UBND huyện Tiên Lãng trong vụ kiện của ông Luân. Trong văn bản xử lý hai vị cán bộ này, cần ghi rõ: "Hứa với dân một đằng, làm một nẻo’’, hoặc ngắn hơn, ‘‘bội ước với dân’’.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG