Hội quan thề

Hội quan thề
TP - Trong lúc ở Tiên Lãng - Hải Phòng xảy ra vụ việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất xem ra có dấu hiệu không quang minh, chính đại dẫn tới đối đầu, đổ máu, thì ở huyện Kiến Thụy kế bên có một lễ hội truyền thống mang tên Minh Thệ, là nơi quan lại chức sắc làng xã tuyên thề sẽ không nhũng nhiễu bức hại dân.

Trong lúc mấy địa phương đang chạy đua tổ chức lễ phát ấn đền Trần, quan chức, công chức, thương nhân khắp nơi giẫm đạp lên nhau giành giật lá ấn cầu quan lộ,

chức tước bổng lộc, thì lễ hội Minh Thệ là nơi những quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thề sẽ công tâm, không xà xẻo tư túi, tham nhũng của công; không dùng quyền uy để chèn ép bóc lột của dân, không bao che tội phạm…

Lễ hội Minh Thệ diễn ra ngày 14 tháng giêng hàng năm tại đền Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng), có lịch sử trên 500 năm. Sử ghi, Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ vua Mạc Đăng Dung cùng hoàng tộc, quan lại góp tiền xây dựng đền, và cấp đất cho dân đinh cày cấy mà không phải nộp thuế, gây quỹ giúp người nghèo.

Đặc biệt, Thái Hoàng Thái hậu đã cùng dân làng lập ra Hịch văn hội Minh Thệ gồm 4 điều mà quan lại, hương chức và người dân được và không được phép làm. Nếu vi phạm sẽ bị thần linh đánh chết (chư thần đả tử). Tại lễ hội, mọi người cùng tấu lên Hịch văn, và cùng cắt máu (gà trống) uống rượu ăn thề sẽ giữ mình trong sạch. Nhiều dòng họ trong làng còn soạn ra bản Văn thề dựa trên nội dung của Hịch văn để răn dạy cháu con trong họ.

Đáng buồn, trong khi những lễ hội cầu tài cầu lộc cầu quan như phát ấn đền Trần ngồn ngộn người đua chen, thì lễ hội Minh Thệ lại thường vắng vẻ. Và liệu những vị quan chức có liên quan đến vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng vào ngày lễ Minh Thệ này có chịu quá bộ về Thuận Thiên để nguyện thề rằng trong vụ việc này mình đã làm tất cả vì dân một cách quang minh chính đại ?

Mùa Xuân - mùa lễ hội, mùa tâm linh hướng thượng của con người. Tâm linh ấy, ngoài những điều mong tốt đẹp cho bản thân, còn phải lo cho hưng thịnh của nước, an vui no ấm của dân. Nỗi tiên ưu hậu lạc (lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ) ấy phải phẩm chất hàng đầu của những người làm quan, từ trung ương tới làng xã, thôn xóm.

Là “Chăm lo dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận, oán sầu” như Ức Trai Nguyễn Trãi từng dạy. Tiếc thay, bây giờ rất nhiều quan chức to nhỏ đã không có, và không còn hai chữ “tiên ưu” vì dân, vì nước.

Giá như không chỉ ở Kiến Thụy, mà trên cả nước có thật nhiều lễ Minh Thệ, để quan chức khắp nơi lấy làm nơi tự răn mình. Để biết lo, biết sợ trước những hậu quả khôn lường từ những hành vi sai quấy do mình gây ra …

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG