Cầu vượt và tầm nhìn

Cầu vượt và tầm nhìn
TP - Không chỉ các chuyên gia mà nhiều người dân Thủ đô cũng thót tim khi một chuyên gia nêu ý kiến rằng có khả năng 3 cây cầu vượt cả ngàn tỷ đồng vừa xây dựng sẽ bị phá bỏ để phục vụ một dự án giao thông mới.

Tuy chỉ là phương án được các chuyên gia đưa ra nhưng nó cũng làm cho người ta liên tưởng đến việc đập bỏ này giống như đập bỏ những ngôi nhà dân trước đây để xây cầu vượt. Theo các chuyên gia xây dựng, khi thành phố chưa có quy hoạch chi tiết cho mạng lưới giao thông thì làm bất kỳ công trình nào cũng cần tính toán và lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. "Chuyện về tương lai 3 cây cầu vượt có lẽ chẳng có gì phải nói nếu như trước đó nó được xây dựng với kết cấu thép trên một mặt bằng chưa có quy hoạch ổn định", PGS. TS Nguyễn Quang Đạo, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay.

Việc nhiều người dân và chuyên gia bị thót tim chỉ được giải tỏa một phần khi thông tin về việc phá bỏ 3 cầu vượt được Văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định là không có chủ trương, còn đại diện các chủ đầu tư cũng kịp thời trấn an rằng, họ chưa tính đến phương án phá cầu vượt khi dự án chưa có tiền để làm tiếp (!?). Không biết chuyện đường trên cao "đè" lên trên cầu vượt đã được các nhà quy hoạch giao thông dự tính ngay từ khi làm cầu vượt, hay đó cũng là một giải pháp tình thế, một cú giật mình của chính những người làm quy hoạch? Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, sau vụ này người dân Thủ đô vẫn giật mình bởi cách quy hoạch và làm dự án hiện nay. Theo ông Nghiêm, không chỉ cầu vượt mà tình trạng dự án chồng dự án vẫn diễn ra phổ biến ở Hà Nội hiện nay. "Một tuyến đường, một nút giao thông đang có từ 2 đến 3 dự án chồng chéo và kéo lùi tiến độ của nhau là chuyện bình thường", ông Nghiêm nhận xét.

Theo khảo sát của Tiền Phong, hiện các nút Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch, Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến… là ví dụ cụ thể cho các nhận định trên. Không chỉ có đường vành đai 3, tại nút Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến hiện còn có đường bộ, đường sắt trên cao và hầm chui cơ giới, tức là 5 dự án trọng điểm trên một nút giao thông, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt gần 5 năm nay nhưng vẫn nằm bất động.

Sau đường gom và đường trên cao vành đai 3 được triển khai, không biết các dự án còn lại sẽ phân chia không gian ở nút Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến như thế nào, liệu có chuyện dự án đi trước phế bỏ dự án đi sau? Các chuyên gia, nhà khoa học liệu có còn phải lên tiếng như câu chuyện của 3 cây cầu vượt? Câu chuyện về những cây cầu vượt ở Hà Nội rất cần được soi chiếu và minh định bởi một tầm nhìn vượt xa hơn thực tại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.