Trước hết phải nói rằng toán học đối với những nước phát triển là rất quan trọng. Nhưng đối với một nước kém phát triển như VN - mảng khoa học công nghệ quan trọng hơn rất nhiều (chỉ có một số mảng khoa học cơ bản trong đó có toán học là quan trọng).
Chiến lược công nghệ đối với quốc gia được chia làm 4 loại: Chiến lược dẫn đầu (leader) thích hợp với các nước phát triển cao như Mỹ, Nga, Nhật… rất cần chú trọng đến khoa học cơ bản; chiến lược đi theo (follower) chú trọng tới khoa học cơ bản ngả về ứng dụng thích hợp với các nước như Hàn Quốc, Pháp; chiến lược mở rộng (extender) chú trọng đến khoa học cơ bản và mở rộng thành công nghệ mới.
VN nằm giữa chiến lược thứ 4 - khai thác (exploiter) cái có sẵn cải tiến nên chỉ cần một vài thứ nhìn xa. Khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa không ra kết quả ngay, thường là nhiều năm sau (có khi tới 20- 30 năm) mới nhìn thấy kết quả thực tiễn…
Theo tôi với nhân tài khoa học cơ bản nên có sự lựa chọn mảng nào có ích trong 10-15 năm tới cho giai đoạn này. Những tên tuổi như Ngô Bảo Châu là của nhân loại.
Các nhà khoa học muốn phát triển tài năng phải có môi trường, có đồng nghiệp và bạn bè cùng giới nghiên cứu. Ngô Bảo Châu và các nhà khoa học giỏi đã làm nên tên tuổi của VN chỉ nên là chiếc cầu để chắp nối không những các nhà khoa học VN mà còn các nhà khoa học quốc tế thỉnh thoảng về VN truyền đạt, giúp đỡ, động viên, khích lệ anh em trẻ làm khoa học trong nước và đóng góp cho Tổ quốc.
Đối với các nhà khoa học thực sự, vấn đề không nằm ở chỗ đãi ngộ, mà điều cơ bản là vấn đề tự do học thuật. Một điều nữa là, đối với trí thức, việc tôn trọng các giá trị xã hội là quan trọng và điều này không dễ.
Người ta thường nói đùa, trí thức có công cụ lao động nằm giữa 2 lỗ tai. Đó vừa ám chỉ bộ não là công cụ lao động chính của anh ta vừa ám chỉ điều mà người ta nghe được về mình. Vật chất chỉ cần ở mức tối thiểu nhưng lại thể hiện sự trân trọng và tin tưởng đối với trí thức.
Một câu hỏi được dư luận đặt ra sau sự kiện Ngô Bảo Châu là, có nên đầu tư vào ngành toán sau sự kiện này?
Đầu tư vào lĩnh vực nào cũng tốt nhưng phải cân đối và đầu tư đúng. Toán, Lý, Hóa của ta nhiều lý thuyết đóng góp cho nhân loại thì tốt nhưng VN có nhiều việc phải làm. Đó là cần có một chiến lược công nghệ và tìm được công nghệ có lợi thế cho VN và có triển vọng; đó là một cuộc cải cách giáo dục cơ bản, toàn diện (không giống những thứ hiện nay đang làm) để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được công cuộc cải cách phát triển kinh tế xã hội trong 10-15 năm tới và trong đó, nếu có Ngô Bảo Châu thứ hai, tự anh ta sẽ tỏa sáng.