Trong câu chuyện trên, có lẽ nhà thông thái sót một người nữa, đi vì cả danh và lợi. Không có người thứ tư.
Những người sử dụng bằng giả, rồi lại sử dụng công văn giả để bịt bằng giả (tác giả Sáu Nghệ chỉ mặt vạch tên trong số báo này) chính là người thứ ba trong câu chuyện trên. Họ hăng hái đi lại trên quan lộ, không ngần ngại sử dụng sự giả dối cho cả hai mục đích danh và lợi.
Bị phát giác, bị xác minh, cái sự rởm rít sắp vỡ ục, có người vẫn cố níu kéo “chậm chậm hẵng công bố kết quả, cho qua đại hội đã, làm ơn giùm đi”. Mảnh bằng rởm cần cho họ vào việc gì, thế là quá rõ.
Đại hội Đảng các cấp đang được tổ chức. Chuyện của Đảng, cũng là chuyện của dân. Đảng lo công tác cán bộ, là lo sao cho có được đội ngũ “công bộc” thật tốt cho người dân.
Qua thực tế, người dân nhận thấy những cán bộ sử dụng bằng cấp rởm để tiến thân sẽ gây ra ba sự nguy hiểm cho xã hội.
Trước hết, họ thiếu kiến thức, để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Mảnh bằng trung học bổ túc cũng không thể tự học tự thi, phải lấp bằng rởm vào, nền tảng văn hóa thấp như vậy, thiết nghĩ không có gì để nói nhiều.
Tiếp đến, những cán bộ dùng bằng rởm thường tạo bè phái, nhằm tạo ra ê kíp quyền lực, lấp đi sự thiếu hụt về kiến thức trong quá trình công tác.
Tiếp nữa, khi cái ghế vững rồi, những người sử dụng bằng rởm chính là “cán bộ nguồn” cho những việc chạy chức, chạy quyền, vụ lợi trong công tác, lãng phí, tham ô. Không có gì quá khi nhận định những người mua bằng hôm nay sẽ là người chạy chức ngày mai, bởi để tiến thân, họ còn có cách nào khác đâu.
Người dân mong muốn, Đảng cần sớm phát hiện, cương quyết xử lý những cán bộ sử dụng bằng cấp giả. Và vì sao người bị phát hiện lại kịp thời dùng công văn giả để “bịt” đi, như ở huyện Tịnh Biên (An Giang), cũng cần được làm rõ, bởi nó cho thấy khi sự giả dối không bị vạch trần, nó sẽ trở thành hội chứng có thể lây lan từ người này sang người khác.