> Hơn 450 cán bộ nộp lại quà tặng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN. |
“Chưa chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm”
Theo Phó Thủ tướng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) Nguyễn Xuân Phúc, công tác PCTN trong 5 năm qua đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật có thể khẳng định rằng, công tác PCTN nói chung và việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 nói riêng trong nhiệm kỳ qua chưa đạt mục tiêu “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí” như đã đề ra. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra 9 hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện nghị quyết. Đó là, nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa hấp dẫn, ở một số nơi việc tuyên truyền mang tính hình thức, thiếu tính chiến đấu.
Không có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Nhiều chi bộ đảng không nắm chắc quan hệ xã hội của đảng viên, chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Tính chiến đấu, dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình theo phương châm “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau” còn rất hạn chế. Kết quả tự phê bình, kiểm điểm gần như chưa được công khai theo yêu cầu Nghị quyết T.Ư 3. Cơ chế chất vấn trong Đảng gần như chưa được thực hiện mặc dù Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế chất vấn.
Theo Phó Thủ tướng, việc công khai, dân chủ trong công tác cán bộ còn hạn chế. Dư luận vẫn bức xúc về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”. “Chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý “chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm” chưa đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa được thực hiện nghiêm. Nhiều cấp ủy, chính quyền còn nể nang, né tránh trong việc xử lý. Việc kê khai tài sản, thu nhập tuy đã thực hiện ở nhiều nơi nhưng tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn rất hạn chế, hiệu quả thấp.
Các quy định hiện nay có những điểm chưa hợp lý như: xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi và chưa được khai thác đầy đủ. Việc thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm ở nhiều nơi còn hình thức và chưa được giám sát. Số trường hợp nộp lại quà tặng ít, không phản ánh đúng thực trạng tình hình hiện nay.
Trong khi, tình trạng lợi dụng các dịp lễ, tết và những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc để biếu xén vẫn diễn ra khá phổ biến. Quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa được bảo đảm. Tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung không thuộc phạm vi bí mật nhà nước còn khá phổ biến.
Một hạn chế, yếu kém nữa là số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán còn ít. Trong 5 năm qua, nhiều địa phương không phát hiện được vụ án tham nhũng nào qua kiểm tra, thanh tra…
Nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là, một số cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp, các ngành, lãnh đạo ở trung ương chưa nêu gương về đạo đức, lối sống. Nhiều cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận của mình.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phạm Hữu Bồng cho rằng, hiện nay việc công khai minh bạch còn tù mù, đặc biệt là công khai các dự án thì làm sao nhân dân giám sát được. Có nơi, người tham nhũng thì được về hưu, còn người tố cáo thì bị trù dập. Tham nhũng mà được bao che thì rất nguy hiểm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: M.T. |
Kiến nghị sung công tài sản tham nhũng
Ban Chỉ đạo T.Ư PCTN kiến nghị, phải xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm.
Đặc biệt, công khai danh tính những người thực hiện hành vi tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu; tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.
Thêm vào đó, phải quyết liệt nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu, phai coi PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo chuyển biến trong nhiệm kỳ Đại hội XI.
Một số chức danh có thể phải cam kết công khai trước dân về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng của mình. Mặt khác, mạnh dạn miễn nhiệm, bãi miễn, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mà họ đang quản lý, phụ trách.
Ngoài ra, cần sớm ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức quyền. Quy định từng bước mở rộng phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức, trước hết là diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nghiên cứu cơ chế kiểm tra, xác minh kết quả kê khai tài sản để dần nâng cao tính trung thực của kê khai.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết T.Ư 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng đã xác định nhiệm vụ cấp bách nhất là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trong nhiệm vụ này thì công tác PCTN là vô cùng quan trọng. Thủ tướng chỉ ra một loạt nhiệm vụ và giải pháp phải triển khai, đẩy mạnh thời gian tới.
Về mô hình Ban chỉ đạo PCTN, Thủ tướng cho rằng, dù chọn mô hình nào cũng phải đáp ứng các yêu cầu mà Nghị quyết T.Ư 3 đã đề ra: “đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả”.
6 mô hình Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống tham nhũng Tại hội nghị, Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN đã chính thức đề nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng cho ý kiến về mô hình hoạt động của Ban chỉ đạo T.Ư: 1. Giữ mô hình như hiện nay, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ; song cần hoàn thiện thêm về cơ chế hoạt động, bổ sung thêm một số thành viên cả chuyên trách và kiêm nhiệm. 2. Ban chỉ đạo do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo để đảm bảo thuận lợi trong việc chỉ đạo các cơ quan tư pháp đối với việc xử lý các vụ án tham nhũng và xử lý cán bộ, đảng viên. 3. Ban chỉ đạo do Chủ tịch nước trực tiếp chỉ đạo. 4. Ban chỉ đạo do Quốc hội trực tiếp chỉ đạo. 5. Hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 6. Chuyển Ban chỉ đạo thành Ủy ban PCTN T.Ư, với việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ theo hướng tăng thẩm quyền cho ủy ban này. |