Cá lạ Trường Sa

Dựng giàn phơi mực trước giờ xuất bến. Ảnh: Hải Anh
Dựng giàn phơi mực trước giờ xuất bến. Ảnh: Hải Anh
TP - Nửa đêm, chiếc thúng câu của ngư dân Nguyễn Bá Thiên bỗng dưng bị kéo đi xềnh xệch giữa trùng khơi ở Trường Sa. Đó là một trong nhiều câu chuyện kỳ thú về những loại cá, mực khá phong phú tại vùng biển này…

> Ba ngàn cư dân Trường Sa

Dựng giàn phơi mực trước giờ xuất bến. Ảnh: Hải Anh
Dựng giàn phơi mực trước giờ xuất bến. Ảnh: Hải Anh.
 

câu ngư dân!

Một đêm biển lặng sóng như mặt hồ, chỉ có tiếng xào xạc của sóng biển đập vào thành thúng. Ngư dân Nguyễn Bá Thiên (40 tuổi), quê ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn Thiên giật nảy người bởi hiện tượng lạ.

Xoạt…xoạt! Những âm thanh quẫy đạp dưới nước. Dường như có ai đó từ bám vào thành thúng. Ngồi bệt xuống sàn thúng vì thất kinh. Khi định thần lại, anh nhẹ nhàng kéo lưỡi câu lên khỏi mặt nước. Trong ánh đèn thấp thoáng giữa biển, một khối thịt trơn nhầy, màu hồng nhạt đang giãy dụa. Anh Thiên vội vàng ném trả lại biển.

Con vật này tiếp tục lôi chiếc thúng xềnh xệch giữa sóng nước và giật thúng như điệu nhảy trên sàn. Nếu câu trúng cá to thì thúng thường bị kéo chạy và xoay tròn, còn con vật này thì cứ chực dìm chiếc thúng xuống nước. Đến khi con vật đờ đẫn vì mệt, khi kéo lên thúng, anh mới tá hỏa. Đó là một con mực bè hồng, to như xô đựng nước. Sáng hôm đó, ngư dân ở Trường Sa cười ngất khi nghe chuyện mực câu ngư dân.

Anh Hùng, một ngư dân Trường Sa kể lại, đang câu mực bỗng nhiên có một tấm lưng đen sì cứ quần thảo nổi lên gần thúng, còn một số khác thì đảo lại sát bên thúng. Mới nhìn trông giống như lưng con hà mã trong thảo cầm viên.

Ngư dân này nghĩ hay là con trâu biển. Nhưng mà trâu biển thì hồi giờ chưa từng nghe. Sợ Ông cá nổi giận làm úp thúng, anh Hùng chỉ còn biết tắt máy Icom, radio, ngồi bó gối một chỗ không dám nhúc nhích, thậm chí không dám thở mạnh.

Nhiều ngư dân gặp cá dữ cứ phải khấn vái liên tục mong cô bác giúp đỡ, rồi cầu cá Ông Nam Hải Đại Tướng quân tới xua đuổi giùm.

Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Lạt 20 năm gắn bó nghề câu mực Trường Sa
Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Lạt 20 năm gắn bó nghề câu mực Trường Sa.
 

Ông cá vui tính

“Nửa đêm giữa biển, anh em câu mực hay gặp chuyện kỳ dị lắm” - ngư dân Bùi Quang kể. 2h sáng, anh Quang vừa rít xong điếu thuốc cho đỡ buồn ngủ thì “Xào...xào...Phừng!”. Biển dựng lên một bức tường nước mờ mờ ảo ảo.

Anh Quang la to, chồm người ra ôm lấy be thúng. Chiếc thúng bị đưa lên cao rồi đáp xuống trong tư thế lật nghiêng, đổ ngư dân xuống biển. “Chắc chết như con mực khô rồi” - anh Quang nghĩ rồi sải tay bơi cật lực trong những lượn sóng kỳ dị. Anh đưa tay vồ được chiếc thúng nửa nổi nửa chìm. Lên thúng, anh nằm ngửa để hoàn hồn. Mạng sống vậy là còn giữ được. Các ngư dân nghe kể chỉ cười khì: “Mấy Ông cá quật đuôi đùa giỡn với dân câu mực khơi”.

Trong chuyến biển tháng 3 vừa qua, ngư dân Nguyễn Văn Thi (23 tuổi, ở Bình Chánh), khi vào đến bờ vội vàng bán thúng, giã từ nghề câu mực, chuyển sang đi lưới mành gần bờ. Người thân hỏi nguyên nhân. Cạy răng, khai thác mãi anh Thi mới kể những câu chuyện lúc gà gáy canh hai ở giữa biển Trường Sa.

Anh bảo, không dám kể vì sợ dân câu mực mất tinh thần. Hôm đó, anh Thi đang câu cách thúng bạn khá xa. Biển tối đen. Trên thúng le lói chiếc đèn dầu và âm thanh khọt khẹt của chiếc máy Icom 3 băng. Chiếc thúng bỗng bị một cơn sóng đưa lên rồi lại tụt xuống hun hút.

3.000 ngư dân Quảng Ngãi câu mực khơi trên quần đảo Trường Sa, mỗi người có một câu chuyện riêng. Những ngư dân đi câu mực khơi lâu năm kể lại: Hồi trước cá ở Trường Sa còn dày đặc, thỉnh thoảng anh em lại gặp những con cá khổng lồ, lưng to như chiếc tàu ngư dân trồi lên mặt nước. Những năm trước đây, quăng lưới chuồn đánh cá để làm mồi câu mực, cá đóng chật cứng khiến lưới chìm nghỉm xuống dưới. Tàu bè băng ngang cũng không sợ quấn vào chân vịt.

Lưỡi câu mực khơi
Lưỡi câu mực khơi.
 

Cá làm gác chắn

Trong bữa tiệc chia tay chuẩn bị lên tàu ra Trường Sa, các ngư dân tranh nhau kể chuyện Ông Núc còn gọi là Ông Chuông ở Trường Sa. Theo họ, nếu chưa ra Trường Sa thì không bao giờ biết mặt Ông Núc. Ông Núc không phải cá Ông, nhưng các ngư dân cũng kính cẩn dành cho Ông Núc cái từ Ông để thể hiện sự kính trọng.

Vào những ngày trời yên biển lặng, nhất là vào ngày hè oi bức, trong ánh sáng màu bàng bạc từ ánh sao hắt xuống biển, đột nhiên có hàng đống cây gỗ to gần bằng cột nhà nổi hẳn lên trên mặt nước. Đó là Ông Núc. Đôi khi có từ 200 đến 300 ông nổi lên cùng lúc. Nếu lần đầu nhìn thấy, sẽ nhầm tưởng gỗ trên rừng bị nước lụt cuốn trôi ra biển.

Ngư dân câu mực muốn chèo thúng đi cũng không được, đàn cá này không ngại gì con người, chúng cứ lầm lũi nằm ngay bên cạnh và trở thành chiếc barie cản thúng chèo. Có ngư dân khấn vái Ông Núc mở đường cho anh em đi làm ăn, có lúc Ông Núc giãn ra, có lúc cứ nằm lỳ coi như không biết sự có mặt của con người.

Ở quần đảo Trường Sa, những đêm có sao sáng rực bầu trời, đó là những đêm mực nổi nhiều, ngư dân câu lại trúng đậm. Vào đêm trăng sáng, mực lỉnh đi hết, câu không được bao nhiêu. Cũng vào dịp đó, các ngư dân câu mực lại gặp cá cờ. Đây là loại cá to, khi bơi thì chiếc vi trên lưng nổi hẳn lên trên mặt nước to như lá cờ. Mặt biển óng ánh như dát bạc, ngắm những chiếc vi bơi lượn đẹp mắt, nhưng biển vắng lặng quá nên cứ sởn da gà.

“Đi Trường Sa nhé, 3 tháng nữa vô anh em gặp lại”. Các ngư dân vội vã chèo thúng ra tàu câu mực đã chọn giờ nhổ neo ra Hòn Ông bái tạ trước khi nhấn ga đi thẳng một lèo.

Những ngày cuối tháng giêng, không khí Tết vẫn còn phảng phất trên những bó hoa đặt trên mạn tàu. Cái vẫy tay và nụ cười của các ngư dân đã làm cho không khí ngày ra khơi nồng ấm.

Thuyền trưởng Dương Thành Minh đặt chân lên thúng, quay lại nói: “Bây giờ thì đúng là không xa đâu Trường Sa ơi. Ngoài Trường Sa có sóng, có anh em bộ đội mình. Ngư dân điện một cái là biết hết chuyện đất liền”. Câu nói của ông có vần có điệu như hát. Hát giữa Trường Sa là câu chuyện khác về tình yêu biển cả của ngư dân.

Kỳ 3: Những ngư dân thi sỹ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.