> Kiến nghị tước quyền bố mẹ của vợ chồng đánh con nuôi
Tình trạng ngược đãi trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp. Ảnh: Internet. |
Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mặc dù công tác bảo vệ trẻ em trong những năm qua được chú trọng, song tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, buôn bán trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Chỉ tính trong các năm 2008-2010 xảy ra 3.179 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện, trung bình hơn một ngàn vụ/năm. Đáng lưu ý, số vụ hiếp dâm chiếm trên 65% tổng số vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Phân tích của Chính phủ cho thấy, số trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang bị xâm hại là 11,6% trong tổng số các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng xâm hại trẻ em nam, đối tượng là người nước ngoài, xâm hại thông qua internet.
Cùng với đó, tình trạng bạo lực trẻ em cũng xảy ra phổ biến với khoảng hơn 4.300 vụ trong các năm 2008-2010, trong đó có tới 170 vụ giết trẻ em. Rất nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận, có vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng rồi ảnh bị tung lên mạng ở Hà Nội.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến gia tăng trẻ bị xâm hại, bạo lực, bà Hải Chuyền cho rằng, chính là do sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội đã dẫn đến sự chênh lệch về cơ hội phát triển, mức sống giữa các vùng miền, các nhóm dân cư trong xã hội.
“Khó khăn kinh tế dẫn đến tình trạng gia đình sao nhãng, ít quan tâm hoặc bỏ mặc trẻ em trước nguy cơ hoặc thực tế đã bị ngược đãi, xâm hại. Ngoài ra, do một bộ phận người dân có lối sống thực dụng, quá coi trọng đồng tiền và của cải vật chất, sự thiếu gương mẫu của người lớn, xem thường các giá trị đạo đức” – bà Chuyền phân tích.
Trong khi đó, Thiếu tướng Trần Trọng Lượng (Bộ CA) cho rằng, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em ở một số bộ ngành liên quan còn hạn chế, nặng tính hình thức. Lực lượng CA ở cơ sở có nơi, có lúc còn buông lỏng quản lý.
Giải pháp gì?
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, việc phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nói riêng được chú trọng hơn. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
Vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành cần đánh giá đúng tình hình, tìm ra nguyên nhân, giải pháp và đặc biệt là phải có một lộ trình, quyết tâm để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em.
“Để đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp có tính đột phá ngay từ năm 2012, nhưng đó là giải pháp gì phải cụ thể”- ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị.
"Tính chất các vụ xâm hại tình dục trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp rồi giết trẻ em, thầy giáo xâm hại tình dục trẻ em, thậm chí có một số vụ mang tính loạn luân như cha dượng hiếp con riêng của vợ, cha đẻ hiếp dâm con gái trong một thời gian dài." - Bà Phạm Thị Hải Chuyền. |
Nguyên Phó Chủ nhiệm UB các Vấn đề xã hội của QH Lương Phan Cừ cho biết, từ năm 2004 đã có Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em nhưng phải tới năm 2011, Chính phủ mới có Nghị định hướng dẫn là quá chậm!
Cũng theo ông, hiện nay trong khi trẻ em rất thiếu nơi vui chơi giải trí thì nhiều chỗ chơi của trẻ bị chiếm dụng. Chính phủ cũng cần tham vấn, làm rõ việc đổi giờ học tại Hà Nội hiện nay đang có những ảnh hưởng như thế nào đối với học sinh khi các em phải đi học sớm hơn, về muộn hơn, khiến các em chịu mệt mỏi hơn và phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn” – Ông Cừ nói.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tiếp thu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, đề xuất cơ chế chính sách cho sát thực tế hơn. Bà cho rằng, để ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em thì các bộ ngành, chính quyền địa phương cần phối hợp, nỗ lực thúc đẩy các giải pháp một cách đồng bộ.
Chính phủ kiến nghị QH sửa đổi Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em theo hướng: Tăng độ tuổi trẻ em phù hợp Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các Luật liên quan (từ 16 lên 18 tuổi); bổ sung chương riêng về bảo vệ trẻ em.