Thu hồi đất để làm gì?

Đầm nuôi trồng của ông Lê Đình Thảo, sau 3 năm để không, đã được huyện Tiên Lãng cho người khác thuê
Đầm nuôi trồng của ông Lê Đình Thảo, sau 3 năm để không, đã được huyện Tiên Lãng cho người khác thuê
TP - Theo bản "Báo cáo" được viết sau ngày 05-01 (sau khi tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn) do ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện ký, toàn huyện Tiên Lãng hiện có 3.157ha đất bãi bồi ven sông, ven biển.

> Sở ủng hộ, Viện bênh vực, vẫn thua!

Tuy nhiên, mới chỉ phần nhỏ trong diện tích trên (515ha, chiếm 16,3%) được UBND huyện giao cho các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản; UBND các xã ký hợp đồng cho thuê 583ha; UBND TP Hải Phòng cho các tổ chức thuê 333ha.

Như vậy, còn tới 1.726ha (chiếm 54,7%) đất bãi bồi ven sông, ven biển chưa có cá nhân, hộ gia đình, tổ chức nhận giao đất, thuê đất.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra hiện nay: Vì sao UBND huyện Tiên Lãng quyết thu hồi đất của tất cả hộ gia đình, cá nhân trước đây đã được giao đất để nuôi trồng thủy sản?

Trước hết, cần khẳng định công tác quy hoạch phát triển thủy sản của huyện Tiên Lãng chưa được làm tốt, điều này thể hiện rõ trong "Kết luận" của Thường vụ Huyện ủy Tiên Lãng "về quản lý, sử dụng diện tích bãi bồi ven sông, ven biển trên địa bàn huyện", ban hành tháng 3-2008 (nhiều năm sau khi UBND huyện đã ra các quyết định thu hồi đất của các hộ nuôi trồng thủy sản).

Văn bản này nhận định "công tác quy hoạch phát triển thủy sản chưa được triển khai đồng bộ, còn chắp vá”; “UBND huyện chậm ban hành quy định về quản lý và sử dụng bãi bồi ven sông, ven biển”; “cơ chế khoán vùng bãi bồi ven sông, ven biển chưa đồng bộ”...

Tuy nhiều thứ còn "chưa đồng bộ", "thiếu rõ ràng", song mục đích của UBND huyện Tiên Lãng khi thu hồi đất trước đây đã giao cho các cá nhân, hộ gia đình lại rất rõ ràng. Đó là: Thu hồi đã, sau đó tiếp tục cho thuê để... nuôi trồng thủy sản. Điều này thể hiện trong nhiều văn bản của UBND huyện, và ngay trong "Kết luận" trên đây của Thường vụ Huyện ủy.

Khi việc cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn được nhiều cấp, nhiều ngành quan tâm, UBND huyện Tiên Lãng giải thích: Mục đích thu hồi đất là để thực hiện nghiêm pháp luật về quản lý đất đai của Nhà nước; ông Vươn cứ bàn giao, thì sau đó ông Vươn sẽ được thuê tiếp...

Thực tế không hoàn toàn như vậy. Qua nhiều văn bản của Huyện ủy và UBND huyện Tiên Lãng, có thể nhận định huyện này cương quyết cưỡng chế ông Đoàn Văn Vươn, ông Vũ Văn Luân, và tiếp theo có thể nhiều ngư dân khác, với mục đích: Phần lớn diện tích đất thu hồi sẽ được cho người khác thuê lại.

Chẳng hạn, trong "Kế hoạch cho thuê đất sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản tại vùng bãi bồi ven biển xã Vinh Quang" do UBND huyện Tiên Lãng ban hành tháng 12-2004, có quy định các hộ đang sử dụng đất sẽ được thuê lại, song "diện tích tối đa không quá 05ha/ hộ", và với điều kiện "chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước trong thời gian được giao trước đó" (những hộ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, nhiều khả năng sẽ không được huyện xếp loại "chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước”).

Đến tháng 3-2008, Thường vụ Huyện ủy Tiên Lãng vẫn cương quyết với chủ trương này, thể hiện trong văn bản đã nêu ở đầu bài: “Diện tích đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân thuê không quá 05ha; thời hạn cho thuê không quá 05 năm”.

Qua bài viết "Sở ủng hộ, Viện bênh vực, vẫn thua!" trên Tiền Phong, bạn đọc đã biết trường hợp 70ha mặt đất, mặt nước của ông Lê Đình Thảo bị UBND huyện Tiên Lãng cưỡng chế thu hồi, sau ba năm để hoang, mới đây đã được cho người khác thuê thông qua hình thức đấu thầu (gia đình ông Thảo hai người vợ, mười người con, không ai được thuê lại héc-ta nào).

Như vậy, qua các văn bản cũng như hành xử thực tế, có thể nhận định sau khi bị UBND huyện cưỡng chế thu hồi đất, những hộ bị cưỡng chế sẽ rất ít khả năng được thuê lại, và nếu may mắn họ cũng chỉ được thuê 05ha với thời hạn 05 năm.

Tạm chưa nói tới các quy định pháp luật; những ai từng đến với vùng đầm bãi ven biển, chứng kiến người nuôi trồng thủy sản gây dựng từng thước đất nơi đầu sóng ngọn gió khó khăn thế nào, sẽ hiểu vì sao ngư dân Tiên Lãng mong ước được giao đất, thuê đất lâu dài, ổn định, không phải nhõn 05 năm như cách UBND huyện Tiên Lãng đang làm...

Tất cả quy trình đều "có vấn đề"!

Trao đổi với báo giới hôm qua (6-2), Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, trong ba vấn đề lớn được Thủ tướng trực tiếp đề nghị các cơ quan hữu quan làm rõ đúng sai, mức độ và trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, trước mắt, Bộ Tư pháp, sẽ tập trung xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản liên quan đến vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng - Hải Phòng, và quy trình triển khai từ thành phố xuống cơ sở.

Để làm được điều này, Bộ Tư pháp giao cho Vụ pháp luật dân sự, kinh tế cùng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Cục kiểm tra VBQPPL) rà soát, đánh giá lại toàn bộ nội dung cũng như hình thức các văn bản.

Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL - Lê Hồng Sơn bước đầu khẳng định, tất cả quy trình, từ cấp đất, thu hồi đất đến cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng đều có dấu hiệu sai phạm. Sau khi thu thập, đánh giá đầy đủ, Cục Kiểm tra VBQPPL sẽ công bố những sai phạm này. - Bảo Thắng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG