Hoang hóa địa đạo Kỳ Anh

Hoang hóa địa đạo Kỳ Anh
TP - Là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nhưng địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đang lâm cảnh hoang hóa.

Trùng tu hay xây mới địa đạo ?

Khó khăn lắm du khách mới có thể đọc ra dòng chữ ghi lại dấu tích của chiến trường xưa hào hùng ở Địa đạo Kỳ Anh
Khó khăn lắm du khách mới có thể đọc ra dòng chữ ghi lại dấu tích của chiến trường xưa hào hùng ở Địa đạo Kỳ Anh.

Cùng với Vĩnh Linh (Quảng Trị), Củ Chi (TPHCM), Kỳ Anh (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) là một trong ba địa đạo lớn nhất của cả nước. Hệ thống địa đạo (phần chính nằm ở hai thôn Vĩnh Bình và Thạch Tân) dài gần 30 km, nằm dưới lớp đất cứng và chắc ở độ sâu từ 1-1,5m, được đào trong 5 năm (1965-1969). Trong địa đạo có hầm cứu thương, kho chứa lương thực, hầm cảnh giới, hầm tác chiến, lỗ thông hơi và hầm chỉ huy với sức chứa 1.500 người.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa đạo này là căn cứ địa cách mạng vững chắc và quan trọng cho cả vùng đông Tam Kỳ và Quảng Nam. Đây cũng là nơi ghi dấu những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của quân và dân Quảng Nam. Năm 1968 giặc mở trận càn lớn vào thôn Thạch Tân, 12 chiến sĩ du kích Tam Thăng đã chiến đấu ngoan cường và mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ anh hùng.

Ngày 7-5-1997, Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) đã công nhận địa đạo Kỳ Anh là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhiều đường trong lòng địa đạo đã bị tắc nghẽn. Ông Huỳnh Kim Ta, Trưởng thôn Thạch Tân dẫn chúng tôi đi thăm toàn bộ hệ thống địa đạo đã bị vùi lấp sau nhiều trận mưa lũ, cho biết: “Gần 15 năm nay, kể từ khi Địa đạo được trùng tu, tôn tạo một đoạn ngắn để đón nhận bằng di tích quốc gia nhưng sau đó chưa thấy ai đến để đặt vấn đề khôi phục, sửa sang những đoạn còn lại”.

Đường vào địa đạo khá vắng vẻ, nham nhở dây leo, cỏ cây hoang dại bám vào những miệng hầm. Đi sâu trong địa đạo có cảm giác ngột ngạt, khó thở bởi mùi hôi của những vũng nước lưu cữu từ lâu. Tiếng vo ve của đàn muỗi, tiếng ếch nhái nhảy lõm bõm...

Ông Lê Khắc Phiến, Trưởng Ban quản lý di tích địa đạo Kỳ Anh, cho biết: “Sự hư hại như hôm nay một phần cũng do ý thức chưa cao của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ địa đạo. Dù đã gần 15 năm được công nhận di tích cấp quốc gia nhưng đến nay mới chỉ có hai đợt trùng tu”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.