Lỏng lẻo an ninh bệnh viện

Đi bệnh viện mà nơm nớp lo mất cắp. Ảnh minh họa: Hữu Cẩm
Đi bệnh viện mà nơm nớp lo mất cắp. Ảnh minh họa: Hữu Cẩm
TP - Khảo sát của PV Tiền Phong tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TPHCM cho thấy, tình trạng ra vào lộn xộn, chuyện trộm cắp xảy ra như cơm bữa.

> Vụ bắt cóc trẻ em còn nhiều tình tiết bất ngờ
> Chuyện đời của “mẹ mìn” Nguyễn Thị Lệ

Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh gây chấn động vừa xảy ra tại BV Phụ sản T.Ư là hồi chuông báo động về thực trạng mất an ninh tại các BV hiện nay.

Đi bệnh viện mà nơm nớp lo mất cắp. Ảnh minh họa: Hữu Cẩm
Đi bệnh viện mà nơm nớp lo mất cắp. Ảnh minh họa: Hữu Cẩm.
 

Hà Nội: Mất cắp như cơm bữa

Đến bất kỳ bệnh viện nào ở Hà Nội cũng có thể nhìn thấy những tấm bảng viết dòng chữ “Đề phòng mất cắp”, thậm chí có bệnh viện còn gọi loa nhắc nhở mọi người chú ý giữ tài sản. Nhưng xem ra việc trộm cắp vẫn như cơm bữa, bởi sự quản lý người ra, kẻ vào còn quá lỏng lẻo.

Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) luôn đông đúc vào các buổi sáng. Đây cũng là lúc kẻ gian lợi dụng để hành nghề. Chị Vũ Thị Phượng (Việt Trì, Phú Thọ) đưa con tới khám bệnh viêm đường hô hấp xong thì đi mua phiếu làm xét nghiệm theo lời bác sĩ dặn. Khi quay lại phòng khám, chị Phương mặt tái xanh bảo: “Em xếp hàng mua phiếu bị chúng nó móc mất 4 triệu rồi chị ơi, giờ tìm đâu được”. Trước cửa phòng khám da liễu, ông Trần Văn Tuấn (Hưng Yên) đứng thẫn thờ vì số giấy tờ và tiền đã được cất kỹ trong túi nhưng vẫn bị kẻ gian moi mất.

Tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, nơi vừa xảy ra vụ án hy hữu bắt cóc trẻ sơ sinh, tình trạng mất cắp diễn ra thường xuyên. Chị H.T (32 tuổi, Hà Nội) mổ cấp cứu vì thai ngoài dạ con được điều trị tại tầng 4, khoa Sản. Phòng có hơn 40 giường bệnh nên người ra vào giờ thăm bệnh nhân rất đông nên mọi người ai cũng cảnh giác đề phòng kẻ gian giả dạng.

Đêm thứ 2 nằm tại phòng bệnh, sức khỏe ổn hơn nên chị T. không cần người thân ở lại trông. Ngủ được đến 5 giờ sáng thì tỉnh giấc, chị T. sờ đến điện thoại thì không thấy đâu nữa. Bà Minh, chăm sóc bệnh nhân bên cạnh giường chị T. cho biết lúc 4h sáng có một người đàn ông đến và bật công tắc ở cửa phòng, đèn bật lên đúng dãy giường chị T. nằm.

Sau đó người đàn ông đến ngồi đầu giường T., ra vẻ như người nhà nên mấy người giường bên cạnh không thắc mắc gì. Khi thấy người đàn ông lấy điện thoại của T., bà Minh nhìn thì bị người đó lườm rồi trợn mắt lên. Biết là kẻ gian nhưng bà Minh không dám kêu. Cũng thời điểm đó, phòng điều trị bên cạnh cũng mất 4 chiếc điện thoại di động.

Những bệnh viện luôn rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân như bệnh viện K, Bạch Mai, Bệnh viện Lao phổi T.Ư thì tỷ lệ mất trộm cũng cao hơn những cơ sở y tế khác. Kẻ cắp trà trộn vào với thủ đoạn xách túi hoa quả như đi thăm bệnh nhân rồi nhanh tay thó đồ của mọi người trong buồng bệnh.

Lẫn trong hàng dài những người xếp hàng tới lượt khám là không ít tên lưu manh chờ thời cơ móc trộm. Vì thế cảnh thường gặp tại các bệnh viện là người dân tay ôm chặt túi xách, mắt ngó nghiêng xung quanh để đề phòng.

Tại một số bệnh viện còn treo ảnh của những tên ăn trộm để người dân biết mà cảnh giác. Nhưng tình trạng mất cắp chưa có dấu hiệu giảm, bởi số kẻ xấu thì nhiều mà số bị bắt thì ít.

Kẻ gian thường trà trộn vào đám đông xếp hàng khám bệnh để trộm cắp. Ảnh: Th.Hà
Kẻ gian thường trà trộn vào đám đông xếp hàng khám bệnh để trộm cắp. Ảnh: Th.Hà.
 

TPHCM: Đạo chích tung hoành

Vừa đặt đồ xuống hành lang để chuyển con từ phòng cấp cứu lên khoa Ngoại thần kinh ở lầu 9 BV Chợ Rẫy, chị Nguyễn Thị An, 49 tuổi ở Đồng Tháp sững sờ khi nhìn lại chiếc giỏ xách đã không cánh mà bay. Chỉ trong tháng 10 vừa qua, nơi đây đã có gần chục trường hợp thân nhân nuôi bệnh bị trộm ghé thăm.

“Có người bị mất điện thoại, có người thì mất cả tiền viện phí”- chị Thu, người nuôi bệnh cảnh báo. Cũng như chị An, khi đưa chồng lên BV Chợ Rẫy để chuẩn bị phẫu thuật lồng ngực, chị Hà ở Đồng Nai nằm thiu thiu ở ghế chờ bác sĩ gọi thì bị cuỗm mất 3 triệu đồng cùng chiếc điện thoại.

Ông Trần Tư - Đội trưởng đội bảo vệ tại BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện có khoảng 30 bảo vệ nhưng mỗi ngày tiếp đón khoảng hơn 30.000 lượt người vào ra. “Chúng trà trộn đủ kiểu, từ người nuôi bệnh, thân nhân nuôi bệnh để lừa bệnh nhân, lợi dụng mọi người sơ hở là trộm. Do người đông nên đôi khi biết mặt kẻ trộm cũng không làm được gì”- ông Tư cho biết.

Tại BV Nguyễn Tri Phương ở quận 5, gần như ngày nào bảo vệ cũng nhận được thông tin người bệnh và thân nhân của họ bị mất cắp. Như anh Trần Nam ở Bạc Liêu, khi vợ đang nằm hôn mê ở khoa Hồi sức tích cực, lo lắng chưa biết vợ sống chết thế nào thì đạo chích cuỗm mất 8 triệu.

Anh Hải, một bảo vệ ở BV Nguyễn Trãi cho biết: “Chúng giở đủ thủ đoạn. Ngoài giả bán vé số, chúng giả danh người thăm bệnh, sau đó đến các phòng dịch vụ mở cửa hỏi thăm bệnh nhân. Nếu mở cửa thấy bệnh nhân trong phòng ngủ là ra tay lấy tiền và điện thoại, nếu có bệnh nhân ngồi thì nói nhầm phòng”.

Mặc dù đã có 20 bảo vệ nhưng tại BV Ung bướu TPHCM, do quá tải trầm trọng nên lợi dụng những lúc chen lấn bóc số, thanh toán viện phí là các đạo chích ra tay.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng cường an ninh

TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Cục đã có công văn đề nghị các bệnh viện đa khoa trên toàn quốc cần giám sát và kiểm soát chặt hơn nữa khoa nhi để không xảy ra tình trạng như tại bệnh viện Phụ sản T.Ư.

Trước khi xảy ra sự việc cháu bé bị bắt cóc, tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, quy trình xuất viện thường thấy của các sản phụ như sau: Sau khi xong thủ tục thanh toán, lấy giấy chứng sinh là mẹ và trẻ sơ sinh ra về mà không cần xuất trình giấy ra viện với nhân viên bảo vệ. Bảo vệ cũng không hỏi gì việc cháu bé được đưa ra ngoài viện.

Ban Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã tiến hành họp khẩn cấp, chấn chỉnh công tác an ninh, xây dựng lại qui trình bảo vệ để đưa ra các biện pháp đảm bảo tốt nhất cho các bệnh nhân và các bé nằm ở bệnh viện.

TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết để làm được điều này đòi hỏi nhiều vấn đề: Lực lượng bảo vệ sẽ phải tiến hành kiểm tra các bà mẹ đưa con ra khỏi bệnh viện như thế nào, ở đâu để phải xác định được bé mang ra là trai hay gái, có đúng là con của sản phụ không để thời gian kiểm tra nhanh chóng và không ảnh hưởng đến các em bé, nhất là vào lúc thời tiết khắc nghiệt.

TS Nguyễn Viết Tiến thừa nhận do bệnh viện mỗi ngày có nhiều trẻ sơ sinh xuất viện, hoặc trẻ điều trị tại khoa Sơ sinh đến khám rồi về nên việc kiểm soát giấy tờ lắm khi khiến người dân khó chịu. Sắp tới bệnh viện này sẽ lắp đặt hệ thống camera để tăng cường an ninh”.

Ông Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết ngay sau vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện phụ sản và nhi, nâng cao cảnh giác với loại tội phạm mới này, đồng thời, chấn chỉnh và tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự, tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Sau vụ Nguyễn Thị Lệ (SN 1982, quê Việt Yên, Bắc Giang) lẻn vào bệnh viện Phụ sản Trung ương, ăn trộm áo blouse của y tá, lừa sản phụ, bắt cóc cháu Phạm Văn Trường vào ngày 3-11 vừa qua, Công an Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đề nghị chỉ đạo các bệnh viện thông báo về phương thức thủ đoạn của đối tượng phạm tội tới toàn thể cán bộ nhân viên, để đề cao cảnh giác, siết chặt nội quy bệnh viện, an ninh, tránh để trường hợp tương tự xảy ra.

Trước đó, Công an Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, công an các quận tiếp tục phối hợp với bệnh viện đóng trên địa bàn “đánh mạnh” vào các đối tượng cò, trộm cắp, móc túi, giữ gìn an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG