Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi: Mức bảo hiểm quá thấp

Bảo hiểm tiền gửi nên là định chế tài chính độc lập, nằm ngoài Ngân hàng nhà nước. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bảo hiểm tiền gửi nên là định chế tài chính độc lập, nằm ngoài Ngân hàng nhà nước. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Mức bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng là quá thấp, chỉ đủ tiền cứu đói; có bảo hiểm ngoại tệ hay không?

> Không bảo hiểm tiền gửi bằng ngoại tệ

BHTG thuộc Ngân hàng Nhà nước hay là cơ quan độc lập? là những vấn đề được đại biểu QH tranh luận tại phiên thảo luận ở tổ về Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), sáng 3- 11.

Bảo hiểm tiền gửi nên là định chế tài chính độc lập, nằm ngoài Ngân hàng nhà nước. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bảo hiểm tiền gửi nên là định chế tài chính độc lập, nằm ngoài Ngân hàng nhà nước. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank) Phạm Huy Hùng (ĐB Hà Nội) cho rằng, thiết kế trong dự thảo luật chưa phù hợp xu thế hội nhập. Về địa vị pháp lý của BHTG, trên thế giới có 3 dạng, BHTG là cơ quan thuộc: Chính phủ; NHNN và Hiệp hội ngân hàng.

Ở nhiều nước BHTG thuộc Hiệp hội ngân hàng với quy chế hoạt động minh bạch để giữ cho hệ thống an toàn và tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng.

Nhận xét về hệ thống ngân hàng hiện nay, ông Hùng cho rằng, rủi ro rất cao. “QH đang bàn cấu trúc lại hệ thống ngân hàng. Bởi nhiều ngân hàng hiện nay hoạt động không đúng nội dung ngân hàng, quản trị rất kém. Có ngân hàng huy động 10 đồng xài đến 9,5 đồng; huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Tôi xin thông báo, có thời điểm hai ba chục ngân hàng xếp rổ rá để chờ NHNN cứu trợ.

NHNN không cứu trợ thì sao? sẽ dẫn đến lộn xộn, phá sản. Trong khi, chúng ta chưa có luật về phá sản của ngân hàng. Cảm tưởng như ngân hàng cứ làm, mất thanh khoản sẽ có người đỡ. Thực tế hiện nay người gửi tiền cũng không hình dung hết”- ông Hùng noi.

Ông Hùng cho biết, những ngân hàng lớn hằng năm đều được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công bố thông tin công khai. Nhưng đối với các ngân hàng cổ phần nhỏ thì không biết bao nhiêu phần trăm được kiểm toán. “Có ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên 19-20% nhưng chất lượng hoạt động như thế nào không ai biết”- ông Hùng nói.

Chủ tịch VietinBank: Thiết kế trong dự thảo luật chưa phù hợp xu thế hội nhập. Ảnh: Hồng Vĩnh
Chủ tịch VietinBank: Thiết kế trong dự thảo luật chưa phù hợp
xu thế hội nhập. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng - không phù hợp

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, cần sớm điều chỉnh hạn mức BHTG. Quy định như hiện nay 50 triệu là quá thấp và không an toàn. Ông Ngân cho biết, ở Mỹ mức này gấp 5 lần GDP đầu người, Thái Lan là 7 lần. Cần nâng mức trần bảo hiểm lên 150- 200 triệu đồng sẽ bảo đảm hơn cho người dân.

ĐB Phạm Huy Hùng đồng tình, quy định hiện nay gửi bao nhiêu tỷ cũng chỉ được bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng là quá thấp. “Số tiền này chỉ bảo đảm cho người gửi tiền mua gạo, rau cứu đói khi mất tiền gửi chứ không đúng nghĩa là bảo hiểm”- ông Hùng nói. Trong khi, ở Đức mức bảo hiểm tối thiểu đã là 200 nghìn euro.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, mức phí chi trả tối đa 50 triệu là không phù hợp lợi ích của người gửi. Đáng ra dự thảo luật nên quy định cụ thể mức chi trả bảo hiểm chứ không nên để Chính phủ quy định sau. Khi đó, niềm tin của xã hội cao hơn.

Nếu không bảo hiểm ngoại tệ, người dân sẽ không gửi

Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận. Nhiều đại biểu đồng tình với dự thảo luật chỉ bảo hiểm tiền Việt Nam đồng. Tuy nhiên, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) băn khoăn, tại sao lại hạn chế loại tiền gửi và đề xuất nên mở rộng bảo hiểm cả ngoại tệ.

"Hiện nay gửi bao nhiêu tỷ cũng chỉ được bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng là quá thấp. Số tiền này chỉ bảo đảm cho người gửi tiền mua gạo, rau cứu đói khi mất tiền gửi chứ không đúng nghĩa là bảo hiểm. Trong khi đó ở Đức mức bảo hiểm tối thiểu đã là 200 nghìn euro”. - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank Phạm Huy Hùng.

 

ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết, mục đích chỉ bảo hiểm tiền gửi là Việt Nam đồng để chống đô la, khuyến khích người dân bán đô la. Nhưng do đô la ngày càng tăng giá nên người dân vẫn gửi bằng đô la. Ông Ngân cho biết, hiện người dân gửi khoảng 10 tỷ đô la trong ngân hàng.

Ông Phạm Quang Nghị đề xuất, nên theo hướng gửi đồng Việt Nam thì mức bảo hiểm cao, đồng ngoại tệ bảo hiểm thấp hơn. Như vậy, chúng ta quản lý được cả hai đồng tiền. “Nếu chúng ta không bảo hiểm đô la, người dân không gửi ngân hàng mà cất giữ ở nhà thì ngân hàng không hút được ngoại tệ”- ông Nghị nói. ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) đề xuất phương án nhận bảo hiểm cả ngoại tệ, vàng nhưng chỉ chi trả bằng đồng Việt Nam.

Về phí bảo hiểm tiền gửi, hiện nay quy định các ngân hàng đóng phí như nhau do chúng ta chưa phân loại rủi ro, mạnh, yếu của các ngân hàng. ĐB Trần Du Lịch đề nghị, ngân hàng nào mạnh đóng phí thấp, ngân hàng nào rủi ro cao thì phải chịu phí cao vì đây là phí bảo hiểm. Ông Phạm Huy Hùng đồng tình, phải có lộ trình tính phí bảo hiểm trên cơ sở độ rủi ro của các ngân hàng tham gia BHTG. Điều này tạo sự công bằng và khuyến khích các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG