Còn cả nước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá cho biết, tổng số tiền cho các dự án đầu tư công đã được các bộ ngành và địa phương gửi đến Bộ KH&ĐT đề nghị thực hiện trong năm 2012 là khoảng 300 tỷ USD. Nghĩa là năm tới, nếu đồng ý số dự án này, cả nước làm ra bao nhiêu sẽ dành tập trung hết cho đầu tư (không ăn tiêu gì cả) thì cũng phải vay gấp đôi nữa mới đủ.
Rõ ràng, Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát chưa có kết quả. Trong năm 2011, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT mới công bố, trong sáu tháng, số dự án mới khởi công bằng vốn nhà nước là 6.731, tăng gần 1.000 dự án so với cùng kỳ năm trước.
Ở ĐBSCL, có cán bộ Sở KH-ĐT đề xuất, không khởi công các công trình mới trong vài năm, tập trung vốn hoàn thành các công trình dang dở, may chăng hạn chế được tình trạng đầu tư dàn trải. Đề xuất này chưa được ủng hộ. Bởi lẽ, quan chức các huyện không thể không mở ra các công trình mới trong nhiệm kỳ của mình, để “tạo dấu ấn”. Theo quy trình, dự án thông qua HĐND là có “chỉ tiêu pháp lệnh”, và Bí thư Huyện ủy ở trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì các Sở khó từ chối.
Vậy nên có chuyên gia kinh tế kêu lên, 63 tỉnh, thành và 49 cơ quan trung ương như những “vương quốc”. Tính thêm quận, huyện nữa còn được danh sách “vương quốc” dài gấp mấy lần. Kinh tế mỗi nơi thường cũng có trọng điểm, mũi nhọn (một hoặc vài) nên nền kinh tế quốc gia thành ra có rất nhiều trọng điểm, mũi nhọn, giống như quả mít.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan mới đây trả lời báo chí, còn nói: “Nếu ta chỉ chú ý đến đầu tư công mà chưa chú ý chi công thì còn có nguy cơ”. Theo báo cáo vừa công bố của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội, tổng số chi ngân sách nhà nước vượt dự toán 9,7% (70.400 tỷ đồng). So với chỉ tiêu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, mức tăng này là rất lớn.
Mà đó là Thủ tướng Chính phủ đang kéo dài chủ trương dừng mua xe công. Theo Cục Quản lý công sản của Bộ Tài chính, cả nước hiện có hơn 30.000 xe công, trong đó 20.000 chiếc đã sử dụng vượt quá thời hạn quy định và các địa phương đang đề nghị được thay thế; mỗi chiếc 700 triệu đồng, cần khoảng 14.000 tỷ đồng.
Có người đề xuất, không sắm xe mới nữa mà chuyển nhu cầu ấy thành dịch vụ tư nhân, một việc lợi đôi đường, thực hiện được điều vẫn muốn mà chưa làm được. Nhưng ai quyết định và các “vương quốc” có đồng ý không?