Đổi giờ học, giờ làm đã qua nghiên cứu

Đổi giờ học, giờ làm đã qua nghiên cứu
TP - Trao đổi quanh văn bản chính thức của Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ về việc đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, làm việc này đã qua nghiên cứu khoa học.

> Công chức trung ương làm việc từ 9h
> Phép màu cho giao thông Hà Nội?

Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Bộ trưởng đề xuất thay đổi giờ làm trên diện rộng, tuy nhiên TP Hà Nội cho rằng nên thí điểm?

Đấy là ý kiến của Hà Nội. Còn về phía Bộ GTVT, chúng tôi đã có văn bản đề nghị, báo cáo Chính phủ rồi, phải theo chỉ đạo của Chính phủ chứ. Bộ GTVT và Hà Nội đều cùng mục đích là chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, thì làm sao mà không thống nhất với nhau được. Bộ Giao thông không tự điều chỉnh mà chỉ có quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trước khi đưa ra giải pháp thay đổi giờ làm, Bộ GTVT đã có điều tra, khảo sát cụ thể vấn đề giao thông Hà Nội?

Để làm việc này đã có cả một đề án cụ thể, có nghiên cứu khoa học và cả thực tiễn từ bao nhiêu năm nay rồi. Không có chuyện hôm nay thích lên hay hứng lên thì làm, thì qui định giờ này mai lại quy định giờ khác.

Trả lời báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng cần điều tra xã hội học, lắng nghe thêm ý kiến nhân dân?

Như tôi đã nói và một số ĐB cũng đồng tình, đó là một nhóm lợi ích nhỏ thì phải hy sinh, phục vụ lợi ích cộng đồng. Bởi số công chức là nhỏ so với hàng triệu công nhân, người lao động. Công nhân phải làm ca, cứ 6 giờ sáng đi làm, hoặc làm ca chiều 2 giờ đêm mới về… vậy thì ai đưa con họ đi học, họ không phải những người mẹ có con nhỏ hay sao? Tại sao công chức mới cần phải ưu tiên, phải tạo điều kiện đưa con đi học còn người lao động và công nhân thì không?

Tất nhiên đây là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, bài toán giao thông Hà Nội và TPHCM phải có biện pháp đồng bộ, tổng thể từ cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại giao thông hợp lý, nâng cao tinh thần công vụ, ý thức người tham gia giao thông; phải đầu tư xây dựng các phương tiện chuyên chở lớn là tàu điện ngầm, đường sắt trên cao.

Cần có Nghị quyết về giao thông

ĐBQH đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm nếu các bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, ông có lo ngại mình sẽ nằm trong số đó?

Cái này luật đã có rồi. Nhưng riêng tôi, tôi thấy trách nhiệm của mình là rất nặng nề, cho nên phải quyết tâm làm. Những giải pháp mà chúng tôi đưa ra thực ra cũng là thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông chứ không phải sáng kiến của Bộ GTVT (NQ 16/CP ngày 31-7-2008).

Tôi rất đồng tình với ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng Quốc hội cần có một Nghị quyết về giám sát tối cao và có một Nghị quyết để toàn dân, toàn hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết vấn đề giao thông hiện nay.

Các ĐB cho rằng không ít trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe có tiêu cực, đó cũng là nguyên nhân làm tăng tai nạn giao thông?

Bộ đã giải tán 3 trung tâm đào tạo lái xe như vậy rồi. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, vi phạm. Những người thực thi công vụ phải gương mẫu. Nếu có thông tin về tiêu cực của cán bộ, tôi sẽ đuổi ngay.

Hồng Phúc

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG