> Công bố thanh tra Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ
> Chạnh lòng những giấc ngủ trong bệnh viện
Quá tải khiến người bệnh cắn răng khám chữa bệnh dịch vụ, nằm giường dịch vụ với giá cắt cổ. Ảnh: L.N. |
'Chặt chém' đủ kiểu
Một phòng bệnh bình thường như bao phòng khác nhưng sau khi gắn biển “phòng dịch vụ” với chiếc máy điều hòa cũ kỹ, một phòng hai giường ở khoa Ngoại Thần kinh, BV Nguyễn Tri Phương chém của bệnh nhân 350.000 đồng/ngày. Số người không có tiền nằm dịch vụ, liền được nhét ở phòng bình thường khiến tình trạng quá tải lại trầm trọng hơn.
Tại các khoa, phòng ở BV Điều dưỡng phục hồi chức năng TPHCM, trong khi lượng bệnh nhân phải chen nhau nằm ở phòng tập trung khiến lối đi bị bịt kín, người ta vẫn ưu ái dành hàng chục phòng khác để biến thành phòng dịch vụ.
Vì quá tải ở phòng tập trung nhiều bệnh nhân không có tiền cũng cắn răng nằm phòng dịch vụ với giá 350.000 đồng/ngày; phòng có ti vi, điều hòa và tủ lạnh lên 450.000 đồng/ngày, chênh lệch gần 100 lần so với phòng thường được bảo hiểm y tế thanh toán.
Trong khi đó, các loại chụp, chiếu, xét nghiệm… cũng được nhiều bệnh viện công lập tận thu. Thậm chí, giá các loại chụp CT scan, chụp MRI hay X-quang… cao hơn ở các bệnh viện tư hạng sang. Tại BV Nguyễn Tri Phương, chụp CT scan có giá 800.000 đồng, có thuốc cản quang lên 1,2 triệu đồng; chụp MRI giá 2,7 triệu đồng, trong khi giá chụp này tại BV Hoàn Mỹ từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng; chụp MRI dao động từ 2,3 triệu đồng-2,6 triệu đồng.
Muốn chụp chiếu dịch vụ tại BV Chợ Rẫy, cũng phải chịu giá chát tương tự. Nếu chụp MRI không thuốc cản quang ở mức 1, 2, 3 lần lượt là 1,8 triệu đồng, 2,34 triệu đồng và 2,7 triệu đồng. Còn chụp MRI có cản quang mức 1, 2, 3 là 2, 4 triệu đồng đến 3,6 triệu đồng/lần...
Ngoài tận thu chụp chiếu, tại BV Nguyễn Tri Phương, khám thông thường cho người bệnh không có bảo hiểm 30.000 đồng/lần, trong khi khám dịch vụ 70.000 đồng/lần. Muốn khám theo yêu cầu có đích danh bác sĩ là 100.000 đồng/lần.
Tại BV Chợ Rẫy, 3 mức giá khám dịch vụ: 30.000 đồng/lần, 50.000 đồng/lần và một mức 75.000 đồng/lần. Tại BV Nhân Dân Gia Định, tiền khám bệnh thông thường là 20.000 đồng/lần, khám bệnh theo dịch vụ là 80.000 đồng/lần. Thu tiền giường điều trị nội trú là 120.000 đồng/ngày, còn dịch vụ từ 300 nghìn đồng trở lên.
“Do ở các khoa đều quá tải nên mỗi lần khám cho con tôi đều được chỉ qua dịch vụ với giá 60.000 đồng/lần”- chị Diệu Hường ở quận 7, đưa con đi khám tại BV Nhi đồng 2 than vãn. Tại BV Nhân dân 115 khám 70.000 đồng/lần, còn khám theo yêu cầu 100.000 đồng/lần cho người trong nước, 200.000 đồng/lần cho người nước ngoài.
Trong khi giá siêu âm dịch vụ ở BV Ung bướu TPHCM là 150.000 đồng/lần thì ở BV Nhân dân 115 là 80.000 đồng… Giường dịch vụ ở BV Ung bướu TPHCM thu 100.000 đồng/ngày/giường còn ở BV Từ Dũ giường dịch vụ lên gần 500.000 đồng/ngày nhưng phải đăng ký trước cả tháng.
Tiền chảy vào đâu?
Sau khi được cấp vốn vay kích cầu của thành phố, BV Nguyễn Tri Phương xây dựng 5 tầng, tuy nhiên ngoài các phòng ban chức năng ra còn lại hàng chục phòng được tận dụng làm khoa dịch vụ, phòng dịch vụ.
Tương tự, hàng loạt bệnh viện công lập khác trên địa bàn TPHCM từ xuống cấp đến mới nâng cấp đều đua nhau mở các khoa dịch vụ, khám chữa bệnh ngoài giờ và xã hội hóa mua sắm trang thiết bị để tận thu của người bệnh. Không ít bệnh viện trong số này hoạt động dịch vụ trên cơ sở máy móc, thiết bị được đầu tư từ vốn vay kích cầu của thành phố.
“Nguồn vốn này bệnh viện không phải trả lãi vay, nhân viên y tế đã được nhà nước trả lương. Cơ sở vật chất của nhà nước đầu tư không được khấu trừ. Hoạt động dịch vụ còn tận dụng điện, nước mà không hạch toán. Vậy số tiền khổng lồ thu từ dịch vụ này chảy vào đâu?”- một bác sĩ xin giấu tên nêu câu hỏi.
Theo bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền- Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm y tế thuộc BHXH TPHCM, một khi bệnh viện công đã được điều chỉnh viện phí và được nhà nước hỗ trợ kinh phí thì không thể tổ chức khám và điều trị theo mức dịch vụ như bệnh viện tư được. Đó là chưa kể việc bác sĩ lạm dụng các dịch vụ tạo thêm gánh nặng cho bảo hiểm y tế. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, giá “dịch vụ” ngất ngưởng ở các bệnh viện do chính ban giám đốc đề ra và giám đốc bệnh viện tự quyết.
Ngoài ra, lãnh đạo bệnh viện được phép huy động nguồn vốn bên ngoài vào đầu tư máy móc và thu hút đầu tư đóng góp của cán bộ y bác sĩ để làm dịch vụ. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu dịch vụ tràn lan hiện nay.
Một bác sĩ công tác ở BV Nhân dân 115 cho biết: “Nếu bác sĩ góp tiền mua một máy siêu âm thì đương nhiên khi bệnh nhân vào viện, không cần siêu âm cũng bắt siêu âm để tăng thu”.
Nhiều bệnh nhân cho biết, họ đã trở thành nạn nhân của các bác sĩ khi bị chỉ định làm hàng tá xét nghiệm, chụp chiếu dù họ chỉ mắc bệnh bình thường. Thậm chí có bệnh nhân bị đau dạ dày vẫn được yêu cầu nội soi, X-quang, xét nghiệm máu, siêu âm và cả… đo điện não. Hỏi ra mới biết, nhiều máy móc trong đó là sản phẩm xã hội hóa có túi tiền của bác sĩ chỉ định đóng góp.
Mỗi bệnh viện công tại TPHCM còn thu hàng trăm triệu đồng/năm từ tiền cho thuê giữ xe, căng - tin bệnh viện, hoạt động của nhà thuốc bệnh viện với nguồn khách được bao cấp cùng cơ chế lãi được ưu ái rất lớn… Đơn cử tại BV Chợ Rẫy mỗi ngày có 4.000 bệnh nhân khám ngoại trú, gần 3.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Các nhà thuốc ở đây phục vụ không ngơi tay, căng - tin bệnh viện và nhà xe tiếp hàng nghìn lượt người mỗi ngày.
Tại các BV Nhi đồng 1, 2, Từ Dũ, Nhân dân 115 hay Chấn thương chỉnh hình…mỗi ngày có từ 3-5 nghìn lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, số tiền thu được từ bãi giữ xe, căng tin mỗi năm lên hàng tỷ đồng. Cũng như cơ sở vật chất khám chữa bệnh, những dịch vụ này đều… có sẵn. Với nguồn thu khổng lồ từ chữa bệnh dịch vụ với các dịch vụ khác có sẵn, thế mà bệnh viện nào cũng kêu lỗ và đòi tăng viện phí.