Những lao động xuất khẩu hoàn thành hợp đồng an toàn về nước. Ảnh: Phong Cầm. |
Biệt tăm
Chị Triệu Thị Thìn (xã Tuấn Mậu, Sơn Động, Bắc Giang) cho biết, chồng chị là anh Triệu Dư Long, ký hợp đồng với Cty Vận tải Thủy (Intraco) để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Ảrập Xê-út vào đầu tháng 8-2009. Sang Ảrập Xê-út, anh Long có điện về cho gia đình vài lần thì mất liên lạc.
Đến tháng 9-2011 (thời hạn chót anh Long phải về nước), chị Thìn mới hay hung tin chồng mình bị cảnh sát Ảrập Xê-út bắt giữ đã hơn 1 năm nay. Nước mắt lưng tròng, chị Thìn kể, qua điện thoại, chồng chị cho biết đã bị bắt và giam giữ từ tháng 10-2010 đến nay nhưng không nói rõ lý do vì sao.
“Nhiều lần gọi lại không được, tôi lên Cty hỏi thì người ta trả lời là không rõ” - chị Thìn nói. Được biết, để đi XKLĐ, vợ chồng chị Thìn đã vay ngân hàng gần 20 triệu đồng. Anh Long bị bắt, không có tiền gửi về khiến gia đình họ lâm vào cảnh khốn cùng. Đã hơn tháng nay, chị Thìn phải gửi hai con nhỏ cho người thân, chạy đôn đáo khắp nơi cầu cứu nhưng thông tin về chồng vẫn mịt mù.
Anh Đinh Văn Bắc (xã Thanh Sơn, Sơn Động, Bắc Giang) đi Ảrập Xê-út cùng đợt với anh Long cũng bị bắt giữ. Anh Đinh Văn Ngọc (anh trai của Đinh Văn Bắc) hiện đang ở Quảng Ninh cho biết, đến hạn về nước, cả gia đình khấp khởi lên Hà Nội đón mới biết em trai bị cơ quan chức năng Ảrập Xê-út bắt giữ.
“Suốt nhiều ngày nay, dù rất cố gắng liên lạc nhưng không hề có chút tin tức gì về Bắc. Cả nhà hiện đang rất lo lắng cho số phận của Bắc không biết bị bắt vì lý do gì” - anh Ngọc lo lắng.
Lao động chuẩn bị xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: N.P.C. |
Một đại diện của Cty Intraco xác nhận, việc hai anh Long và Bắc bị bắt giữ, Cty cũng chỉ mới biết qua phản ảnh của người nhà lao động, còn trước đó, không hề hay biết tin tức gì về việc lao động bị bắt giữ và chủ sử dụng lao động phía Ảrập Xê-út cũng không thông báo.
Theo vị cán bộ Cty Intraco, qua nắm bắt thông tin, được biết sau khi sang Ảrập Xê-út làm việc được khoảng 6-7 tháng thì lao động Long và Bắc bỏ ra làm ngoài. Sau đó, tham gia vào một băng nhóm trộm cắp tài sản của người nước ngoài. Hiện, Cty Intraco đang nắm lại thông tin về lao động để báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, được biết, ngoài anh Long và anh Bắc, còn có gần 30 lao động khác nữa hiện đang bị cảnh sát Ảrập Xê-út bắt giữ. Trong số đó, có ba người đã được đưa ra xét xử, số còn lại đang chờ kết quả điều tra cuối cùng trước khi đưa ra xét xử. Số lao động bị bắt giữ do 6 Cty XKLĐ Việt Nam đưa sang làm việc trong lĩnh vực xây dựng.
Điều đáng nói là, gần 30 lao động nói trên đã bị bắt giữ cách đây hơn một năm nhưng chưa được đem ra xét xử cũng như chưa biết ngày nào sẽ về nước, trong khi các Cty XKLĐ Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa có động thái nào để can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho các lao động.
Đi ăn trộm vì quá đói?
Ông Đào Công Hải - Phó cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thông tin nhiều lao động Việt Nam bị cơ quan chức năng Ảrập Xê-út bắt giữ là chính xác. Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Ảrập Xê-út thông báo có 28 lao động bị bắt từ tháng 9-2010 và hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Jubai.
Do các lao động trên bị nhà chức trách Ảrập Xê-út bắt quả tang khi đang lấy trộm 10 tấn đồng của Cty Mohammed Salim Al Suwaidi để mang đi tiêu thụ. “Các lao động không bị đánh đập, được cung cấp ăn uống đầy đủ và mỗi tháng được cấp 40 USD để tiêu vặt” - ông Hải nói.
Ông Hải cho biết, theo giải trình của các lao động, khi sang Ảrập Xê-út làm việc, mỗi tháng họ chỉ nhận được 600-650 Saudi Riyal (SAR) cộng với 200 SAR tiền ăn (tương đương khoảng 4-5 triệu đồng) từ chủ sử dụng lao động nên quá đói. Vì chi phí trước khi đi nộp cho các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam cao, cộng với khoản lãi ngân hàng nên họ đã bỏ trốn ra ngoài ăn trộm vật liệu xây dựng, để lấy tiền chuyển về nhà trả nợ.
Vì sao các lao động bị bắt giữ hơn 1 năm nhưng chưa đưa ra xét xử? Ông Đào Công Hải cho biết, do số lượng đồng bị mất nhiều nên phải có thời gian xác minh. Ngày 19-9 vừa qua, hồ sơ mới được hoàn thiện chuyển sang tòa án để xét xử trong thời gian tới.
Ông Hải cho rằng, qua vụ việc cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu trách nhiệm đối với người lao động từ công tác quản lý đến việc thông tin không chính xác khi cho rằng họ bỏ trốn. Đặc biệt, dù lao động đã bị bắt giữ cả năm nay nhưng các Cty không hề thông tin cho gia đình họ biết, khiến họ hoang mang, lo lắng cũng như không thông tin cho lãnh đạo Cục biết để phối hợp giải quyết.
Để giải quyết vụ việc, Cục quản lý lao động ngoài nước đã có công văn yêu cầu 6 doanh nghiệp Việt Nam có 28 lao động bị bắt giữ phải thông báo cho gia đình lao động biết lý do khiến người nhà họ bị bắt giữ; cung cấp hợp đồng của doanh nghiệp và người lao động; các khoản tiền doanh nghiệp đã thu của người lao động; phối hợp với chủ sử dụng theo dõi tình hình diễn biến xét xử để thông báo kịp thời cho Cục được biết.
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, trong số 28 lao động bị bắt giữ có 13 người do Cty Cổ phần phát triển nhân lực và thương mại Việt Nam-Vinamex đưa đi; 6 người của Cty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội - Handico; 4 người của Cty Intraco…Hiện, đã có 3 người bị kết án, 25 người khác đang chờ ngày đưa ra xét xử. Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Ảrập Xê-út từ tháng 8-2003. Hiện, có khoảng 7.000 lao động đang làm việc tại Ảrập Xê-út với ngành nghề chủ yếu là xây dựng và một số lao động nữ làm việc tại gia đình. |